Hơn 20 giờ tối 17-5, tại nơi đặt máy ATM ở thị trấn Núi Đèo của Ngân hàng Đông Á – phòng giao dịch huyện Thủy Nguyên, hơn chục người chen chân xếp hàng. Phía bên ngoài, hàng chục người đứng chờ lượt và lượng người đổ tới ngày càng đông. Trước đó, tầm tan ca ngày 16-5, lượng người tới điểm rút tiền này còn đông gấp đôi, xếp hàng dài lấn ra cả ngoài đường.
Ngồi ngoài chờ con gái vào rút tiền, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Mỹ Đồng sốt ruột cho biết, chị và con gái ở đây cả giờ rồi. Con gái chị làm việc ở công ty da giày đóng tại xã Thiên Hương. Từ ngày công ty trả lương qua thẻ ATM, tháng nào con gái chị cũng phải “chờ trực” để lấy tiền. Chị Hoa bức xúc kể, “cháu đi làm về, ăn vội bát cơm là hai mẹ con tranh thủ xuống điểm này ngay. Vậy mà vẫn chậm chân khi 2 mẹ con xuống tới nơi đã có hàng chục người tới trước xếp hàng. Ở công ty cháu cũng có 2 máy ATM nhưng chen không nổi”. Vừa nói chuyện, chị Hoa vừa hướng mắt về phía điểm rút tiền. Cũng lúc đó, con gái chị chạy về phía mẹ, mồ hôi nhễ nhại khoe đã rút được tiền và rút hộ cho người bạn cùng làm. Con gái chị Hoa nói, “đi làm kiếm được đồng tiền đã nhọc, lấy được đồng lương còn nhọc hơn ”.
Mặc dù trời mưa nhưng nhiều công nhân vẫn đi rút tiền (ảnh chụp lúc 19h15 ngày 18-5 tại máy ATM ở ngân hàng Đông Á - huyện Thủy Nguyên. |
Anh Đỗ Văn Hải ở thôn 4, Chính Mỹ ngồi trên xe máy chờ vợ cũng làm ở công ty da giày Aurora (Thiên Hương, Thủy Nguyên) rút tiền. Cũng như mẹ con chị Hoa, vợ chồng anh chầu chực hơn một giờ mà chưa rút được tiền. Anh Hải cho biết, từ ngày công ty trả lương qua thẻ ATM, người lao động vất vả quá. Khi công ty thông báo có tiền lương trong thẻ là vợ anh đã tranh thủ đi rút ngay. Rút kinh nghiệm những lần trước, tránh buổi chiều tan ca, anh chị đi buổi tối hy vọng ít người rút, nhưng cũng không tránh được tình trạng chờ. Anh Hải kể, “từ Chính Mỹ tới thị trấn Núi Đèo hơn 10 cây số, anh chị đi từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm mới về đến nhà. Nhưng nhiều lần cũng không rút được vì máy báo hết tiền”. Chị Thảo – vợ anh Hải, bộc bạch: “Công nhân chúng tôi không có nhiều thời gian. Sáng đi làm sớm, chiều về muộn. Về đến nhà chỉ muốn nghỉ ngơi thế mà lại phải “chầu chực” thế này, khổ lắm! Nhiều anh chị em phải bỏ cả bữa trưa để tranh thủ rút tiền”. Nhiều người có mặt tại điểm rút tiền phản ánh, “cả địa bàn huyện Thủy Nguyên rộng vậy nhưng Ngân hàng Đông Á chỉ lắp đặt 3 máy ATM (1 máy tại phòng giao dịch ở Núi Đèo; 2 máy đặt ở công ty Aurora (Thiên Hương). Từ xã xa nhất về huyện phải gần 20km. Nếu muốn rút tiền nhanh phải sang bên nội thành. Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện”.
Đến hẹn lại lên, vào kỳ lĩnh lương dễ dàng bắt gặp hình ảnh công nhân xếp hàng dài, chen chúc chờ tới lượt rút tiền tại các điểm đặt máy ATM của các ngân hàng trong đó có điểm máy ATM tại cổng Công ty State Way (phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh); ngã ba An Tràng, (An Lão…).
Anh Hải, chị Thảo cũng cho rằng sở dĩ có tình trạng trên cũng một phần do công nhân. Nếu không đổ xô đi rút tiền thì đâu đến nỗi, song cũng cần thông cảm với họ chị Thảo lý giải, với công nhân, làm tháng nào hay tháng đó, mọi chi phí cuộc sống trông chờ vào tháng lương, vì vậy mọi người đều nóng lòng đi rút tiền là điều khó tránh. Nhưng nguyên nhân khác của tình trạng này là hiện số lượng máy ATM của các ngân hàng quá ít và bố trí chưa hợp lý. Tại các khu công nghiệp và một số huyện có nhiều nhà máy, xí nghiệp, đông công nhân thì lại ít máy ATM (trung bình 2-3 máy) trong khi đó ở nội thành khá nhiều. “Khi trả lương cho người lao động qua tài khoản, các ngân hàng phải trang bị máy thế nào để việc rút tiền nhanh chóng, tiện lợi. Chứ như thế này khổ quá”- Một công nhân da giày ở Thủy Nguyên đứng chờ tới lượt rút tiền ngao ngán thốt lên.