Mưa lớn liên tục trong nhứng ngày vừa qua gây ngập lụt nghiêm trọng tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thiệt hại do ngập tràn tại các đầm nuôi thuỷ sản, nhất là vùng nuôi nước lợ, chưa thể tính toán đầy đủ vì đây là thiệt hại lâu dài. Đáng lo ngại, tại một số vùng nuôi do thu nhập thủy sản không cao, nên bà con chưa thực sự quan tâm đến việc phòng, chống ngập úng, tràn bờ cho các đầm nuôi.
|
Hệ thống bờ be đầm nuôi trồng thủy sản thuộc Xí nghiệp NTTS Đồ Sơn bị nước tràn qua, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Ảnh: Duy Lân |
Nước ngập trắng đầm
Tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, phía bên trong đê biển 1, nước ngập ngang bờ. Nhiều đầm nuôi nước ngập vượt qua bờ, rất khó phân biệt đâu là đầm nuôi trồng thủy sản, đâu là bờ ngăn với kênh trục chính. Người dân phòng chống ngập lụt khá đơn giản như be bờ bằng đất, buộc ni- lông, chèn bờ đầm bằng phên nứa, mái tôn hỏng, hầu như không mấy tác dụng. Nước mưa ngập vượt qua cả lớp ni - lông, lưới vây quanh bờ, nhiều mái tôn bị sức nước làm đổ, khiến nước từ các đầm nuôi đổ lẫn sang nhau. Theo anh Hoàng Văn Mỹ, Phó giám đốc Xí nghiệp NTTS Đồ Sơn, mưa lớn liên tục khiến hơn 100 ha đầm bị nước ngập tràn bờ. Phần lớn các đầm nuôi bị trôi mất tôm sú đang nuôi thả. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là 5 ha đầm nuôi tôm cao sản (bị thiệt hại toàn bộ con giống). Dự báo có mưa lớn, xí nghiệp phối hợp với Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy nông Đa Độ chủ động tiêu mực nước đệm trong mương thủy lợi, nhưng vì nhiều hộ chưa quan tâm bơm rút nước trong đầm nuôi, nước trong các đầm nuôi đều tràn bờ. Một số hộ dân nuôi thủy sản ở khu vực này như các anh Cao Văn Tuân, Lưu Văn Hùng…bày tỏ: “Vì đầm nuôi bị ô nhiễm, nhiều vụ nuôi vừa qua cho năng suất thấp, nên chúng tôi không mấy quan tâm đến việc chống ngập khi mưa cho các đầm nuôi quảng canh”.
Ngoài khu vực này, vùng đầm nuôi thủy sản thuộc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy, vùng nuôi thủy sản nước lợ tại xã Tây Hưng (Tiên Lãng) cũng có nhiều diện tích bị thiệt hại do mưa lớn gây ngập, tràn bờ.
Để hạn chế thiệt hại do mưa lớn, việc cần làm ngay là chủ động tiêu nước đệm trong các mương thủy lợi, các đầm nuôi thủy sản. Các chủ đầm chủ động phương án bơm cơ động, tiêu thoát tại các vùng ngập úng cục bộ. Tại các vùng nuôi ngao ven biển, cán bộ kỹ thuật cần hướng dẫn các hộ dân có biện pháp ứng phó với tình trạng nguồn nước nuôi bị ngọt hóa đột ngột… |
Thiệt hại chưa thể tính hết
Bà Võ Thị Hồng Phương, Phó phòng nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, tình trạng mưa lớn làm ngập bờ tại các đầm nuôi thủy sản vùng nước lợ không chỉ khiến giống thủy sản bị nước cuốn trôi, mà còn chịu thiệt hại lâu dài, chưa thể tính toán hết do thay đổi đột ngột chất lượng nước. Khi nước trong đầm nuôi bị hạ độ mặn đột ngột sẽ khiến thủy sản bị chết dần sau khi ngừng mưa, nhất là sau mưa có nắng nóng. Đáng lo ngại là tình trạng ngọt hóa xảy ra tại vùng nuôi ngao nước lợ thuộc khu vực ven biển Cát Hải. Trong tháng 5 vừa qua, tại nhiều vùng nuôi ngao ở Cát Hải đã xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt do bị giảm độ mặn đột ngột. Đợt mưa lớn này nhiều khả năng hiện tượng này sẽ xảy ra.
Hoàng Yên