Ngày 5/11 diễn ra chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc

(PLO) - Chiều 26/10, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng ban đã chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức vòng chung khảo Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III; nghe các đơn vị báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức vòng chung khảo Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật 2016.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.

Báo cáo với Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân cho biết tất cả các công việc đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Vụ đã trình Bộ trưởng ký Kế hoạch tổ chức Hội thi, quyết định thành lập Ban Tổ chức và 2 Tiểu ban phục vụ Hội thi vòng chung khảo; hoàn thiện công văn triệu tập dự Hội thi chung khảo; thông báo của Ban Tổ chức Hội thi, định hướng nội dung thi; sửa đổi, bổ sung Thể lệ hội thi, Quy chế chấm thi; đã hoàn tất chuẩn bị nội dung; làm việc với các cơ quan liên quan; làm việc với Vụ Thi đua - Khen thưởng về dự kiến khen thưởng đối với hòa giải viên có thành tích xuất sắc và các cá nhân, tập thể có thành tích. Vụ trưởng Đỗ Xuân Lân cũng báo cáo về các công việc đang triển khai và dự kiến hoàn thành trước 30/10/2016; những vấn đề xin ý kiến chỉ đạo.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng được cập nhật Quyết định số 2263/QĐ/BTC ngày 26/10/2016  sửa đổi, bổ sung Thể lệ Hội thi số 1934/TL-BTC ngày 10/6/2016 và Quy chế chấm thi Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III ban hành kèm theo Quyết định số 1688/QĐ –BTC ngày 8/8/2016. Theo quyết định này, Ban Tổ chức Hội thi phân 12 đội thi thành 3 nhóm. Mỗi nhóm gồm 4 đội dựa trên các tiêu chí: Có đại diện của các khu vực và kết quả dự thi vòng sơ khảo của các đội.

Theo đó, các nhóm thi như sau: Nhóm 1 gồm 4 đội Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội; Nhóm 2 gồm 4 đội Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình, Nghệ An và Tiền Giang; Nhóm 3 gồm 4 đội Bắc Giang, Đồng Nai, Sơn La và Lâm Đồng. Các đội thi bốc thăm để xác định thứ tự thi trong nhóm; phần thi của mỗi đội được thực hiện theo thứ tự từ thấp đến cao trong nhóm. Số thứ tự của nhóm là số thứ tự của bộ câu hỏi lý thuyết do Ban Tổ chức Hội thi đưa ra.

Cũng theo nội dung của quyết định này, các đội trong nhóm cùng trả lời Bộ câu hỏi trắc nghiệm của nhóm gồm 7 câu; chọn 1 trong số 4 video clip của nhóm để đưa ra phương án xử lý. Nội dung câu hỏi trắc nghiệm sẽ được thực hiện theo kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 500 ngày 28/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Về cách thức và thời gian thi, các đội thi trong nhóm cùng ra sân khấu, đứng tại địa điểm xác định và cùng trả lời bộ câu hỏi của nhóm gồm 7 câu hỏi trắc nghiệm; sau đó xem và đưa ra phương án xử lý đối với 1 video clip.

Trả lời đúng mỗi câu hỏi trắc nghiệm được 1 điểm. Trả lời đúng và đầy đủ câu hỏi tình huống được 3 điểm. Sau khi câu hỏi trắc nghiệm được công bố, các đội có 10 giây để chuẩn bị, kết thúc thời gian chuẩn bị, các đội cùng đưa ra phương án trả lời bằng hình thức giơ bảng (ABCD). Sau khi đáp án được công bố, chuyển sang câu hỏi khác đến hết.

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III vòng chung khảo sẽ diễn ra ngày 5/11/2016 tại Hội trường Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ khai mạc Hội thi sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam; tường thuật trực tiếp trên Hệ Thời sự - Chính trị- Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam. Dự kiến, trong Lễ khai mạc Hội thi sẽ có phát biểu hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của lãnh đạo Bộ Tư pháp; phát biểu chào mừng, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau khi nghe các đơn vị có ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận và biểu dương các đơn vị trong công tác chuẩn bị Hội thi. Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề và yêu cầu Vụ Phổ biến pháp luật cũng như các đơn vị có liên quan phải lưu ý, chuẩn bị chu đáo bảo đảm trang trọng, tiết kiệm. Đồng thời, rà soát lại tất cả các khâu tổ chức, thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan liên quan để Hội thi thành công tốt đẹp.

Đọc thêm