Ngày Độc lập

65 năm đã trôi qua kể từ ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

65 năm đã trôi qua kể từ ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Gần 90 triệu người dân Việt Nam, dù đang sống ở đâu trên trái đất này, vẫn vẹn nguyên niềm xúc động khi nhớ - nghĩ về khoảnh khắc cả dân tộc giành được nền dân chủ, tự do và độc lập.

Điều kỳ lạ là chỉ có rất ít trong số 90 triệu người đang sống được chứng kiến giây phút đó - giây phút thiêng liêng của đất nước, giống nòi rũ sạch kiếp bùn nhơ nô lệ, đứng thẳng dậy để được làm người; thế nhưng, niềm tự hào chính đáng vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, vẫn được chuyển lửa, thăng hoa và phát triển từ thế hệ này đến thế hệ khác như là thành tựu đẹp nhất, rực rỡ nhất của các giá trị văn hóa và hy vọng...

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của gần 100 nước thuộc địa trên thế giới trong thời đại đế quốc chủ nghĩa (tính từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX). Điều đặc biệt có ý nghĩa là cuộc cách mạng ấy không chỉ là kết quả của mục tiêu cho nhân dân Việt Nam tự mình giải phóng mà còn góp phần vào sự nghiệp chống phát-xít của loài người tiến bộ trong suốt những năm 1939-1945. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nhân dân lao động đã thiết lập được chính quyền của mình ở một nước thuộc địa.

Đối với dân tộc Việt Nam, đó là thắng lợi lịch sử vĩ đại sau gần 100 năm bền bỉ đấu tranh với hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì khát vọng độc lập, vì dân chủ, tự do. Thành quả vô giá đó của lòng dũng cảm, quật cường được nhân lên nhiều hơn nữa khi Hồ Chủ tịch đã thể hiện gần như ngay lập tức tính chất dân chủ của Nhà nước mới bằng câu hỏi không thể nào quên: “Đồng bào nghe tôi rõ không”? Câu hỏi đó thực chất là câu trả lời: Nó minh định rằng người đứng đầu đất nước rất gần dân, quan tâm đến dân trong cái ngữ nghĩa hàm súc của tinh thần trọng dân, thương dân. Không phải tự nhiên mà Bác Hồ kính yêu đã nhấn mạnh gần như ngay lập tức hai từ “tự do” -  đặt đứng trước hai từ “độc lập” - ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập, ở nửa câu cuối cùng của Văn kiện bất hủ: “... dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập” (HCM, TT, T 4, tr.3).

Tư tưởng về tự do, dân chủ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như một chân lý trường tồn vì, có độc lập mà không có tự do, dân chủ thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Thậm chí, trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Bác Hồ vẫn đặt dân chủ, tự do trước cả sự mạnh giàu: “... xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (HCM, TT, T12, tr. 512).

Ngày Độc lập là ngày của kết đoàn, ngày không hề có sự phân biệt về địa vị, giới tính, tuổi tác. Đó là ngày cả dân tộc Việt Nam hướng về lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày Độc lập còn là ngày khẳng định vững chắc quyết tâm không gì lay chuyển nổi của “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Với sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở vùng Đông Nam Á, dân tộc Việt Nam đã mở ra một trang sử mới cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của khu vực nói riêng, phong trào của thế giới nói chung. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ một lần nữa càng khẳng định ý nghĩa vĩ đại, quyết định của Ngày Độc lập.

Trong những năm qua, mặc dù xu hướng toàn cầu hóa đang trở thành dòng chảy lớn nhất của sự phát triển của loài người, nhưng tình hình chính trị, kinh tế-xã hội trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp. Những cơn sóng ngầm trên các đại dương, biển lớn và cả những đợt “sóng ngầm” chia rẽ và thù địch đã và đang liên tiếp diễn ra, đã nói lên rằng ý nghĩa, sức sống của Ngày Độc lập vẫn mãi tỏa sáng lung linh. Ngày Độc lập nhắc chúng ta rằng dù đất nước đã hòa bình, thống nhất, “Bắc Nam sum họp một nhà”, nhưng những mưu toan đen tối hòng phá hoại thành quả của Cách mạng Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt. Tinh thần ngày Quốc khánh hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam phải đoàn kết hơn nữa, tỉnh táo hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định, chúng ta vẫn có quyền tự hào về những thành công to lớn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa. Trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng thì Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 6%, tốc độ xóa nghèo thuộc vào tốp một trong 10 nước có kết quả khả quan nhất, thu nhập bình quân đầu người/năm đã vượt qua ngưỡng nghèo của thế giới (1.200 USD/người/năm so với chuẩn nghèo của LHQ là dưới 1.000 USD/người/năm). Theo thống kê ban đầu, nếu tốc độ phát triển vẫn tiếp tục duy trì như 8 tháng qua thì có khả năng GDP tăng gần 7% - có nghĩa là từ tổng GDP gần 95 tỷ USD (năm 2009), sẽ tăng lên trên 100 tỷ USD trong năm 2010...

Kỷ niệm 65 năm Ngày Độc lập năm nay cũng là ngày khởi đầu để toàn dân tộc hướng đến Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; cũng là ngày toàn Đảng, toàn Dân dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng trong khoảng đầu năm tới. Đặc biệt, những thay đổi có ý nghĩa to lớn trên lĩnh vực đối ngoại, xây dựng nền dân chủ thực sự, cải cách toàn diện những bất cập trong lĩnh vực tư pháp, hành pháp... đang chuyển động mạnh mẽ. Những tín hiệu đó nói lên rằng vận nước đang hưng thịnh, nhiều thành công đang vẫy gọi, đón chờ..

Ngày Độc lập đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Con đường đi tới dân chủ và giàu mạnh vẫn còn rất nhiều thách thức. Nhưng, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng tiếp tục đi theo, thực hiện đúng những điều mà cả dân tộc đã đồng thanh nói “có” trong ngày ấy nhất định sẽ được thực hiện. Bởi vì chỉ có như thế, dân tộc ta mới có thể mạnh mẽ, trường tồn!

Tô Vĩnh Hà
T.V.H

Đọc thêm