Ngày Pháp luật: Sức lan tỏa từ những sáng kiến mới
Để phản ánh những hoạt động về “Ngày Pháp luật” ở khắp mọi nơi trên cả nước, từ hôm nay Báo PLVN mở chuyên mục “Ngày Pháp luật – sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn”. Mọi thư từ, bài vở viết cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thoisuphapluatvn@gmail.com hoặc Ban Nội chính, Báo Pháp luật Việt Nam, số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
Ngày Pháp luật cũng có thể là những buổi sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, là nơi để cán bộ công chức trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, về những vướng mắc phát sinh liên quan đến pháp luật. Những ngày đầu, dù Ngày Pháp luật chưa tổ chức được thường xuyên, chưa có sự thống nhất về nội dung, hình thức... nhưng đã được đội ngũ cán bộ công chức hưởng ứng rất nhiệt tình. Ngành Tư pháp cũng đánh giá cao sáng kiến của các địa phương, trong bối cảnh các hình thức PBGDPL đang được khuyến khích đổi mới theo hướng thực chất hơn, đa dạng và hấp dẫn hơn.
Nhận thấy sự ưu việt của Ngày Pháp luật, năm 2010 Hội đồng phổi hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã có hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Từ đây, Ngày Pháp luật không còn dừng lại ở một vài địa phương mà đã được triển khai ở rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và nhiều địa phương trên cả nước. Tùy yêu cầu công việc của từng ngành và nhiệm vụ chính trị từng địa phương, Ngày Pháp luật đã được tổ chức rất phong phú, đa dạng, ngày càng thu hút đông đảo đối tượng cả công chức và người dân tham gia.
Ngày hội pháp lý của cán bộ, nhân dân
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Chính phủ trình Dự án Luật PBGDPL ra trước Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong Dự thảo Luật PBGDPL.
Trong Ngày Pháp luật này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL với nhiều hoạt động thiết thực; tập trung phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, các văn bản pháp luật mới về quyền và nghĩa vụ của công dân, gắn với đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cung cấp tài liệu hoặc giới thiệu nội dung văn bản pháp luật sẽ phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu trước nhằm hiểu sâu hơn và đặt câu hỏi thảo luận khi sinh hoạt pháp luật. Ngay tại lần đầu tiên trình Quốc hội, Ngày Pháp luật đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao.
Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 đã chính thức quy định ngày 09/11 hàng năm (đây là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Sau khi Luật PBGDPL được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngà̀y 4/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL, theo đó các nội dung và hình thức tổ chức Ngày Pháp luật đã được quy định cụ thể, tạo điều kiện cho việc triển khai được thống nhất, hiệu quả.
Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Pháp luật theo Luật PBGDPL trên quy mô rộng khắp cả nước. Ngày 9/11 đầu tiên cũng là thời điểm đang diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII với sự kiện pháp lý đặc biệt quan trọng: Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Vì thế, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, trở thành ngày hội sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân theo phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.