Ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12: Đầu tư cho nhân lực chất lượng làm khâu đột phá

(HPĐT)- Hôm qua 28-10, Quốc hội dành thời gian tham gia ý kiến vào các Dự thảo các văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng (Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 10) trình Ðại hội 11 của Ðảng; Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

(HPĐT)- Hôm qua 28-10, Quốc hội dành thời gian tham gia ý kiến vào các Dự thảo các văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng (Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 10) trình Ðại hội 11 của Ðảng; Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Đa số các đại biểu thống nhất cao với các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này và cho rằng, các văn kiện là công trình khoa học lớn, được chuẩn bị công phu và trí tuệ, có nhiều điểm mới. Các nội dung dự thảo văn kiện có sự gắn kết chặt chẽ, cô đọng và súc tích, thể hiện đường lối chính trị của Đảng với các yêu cầu cốt lõi là xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn cũng như lâu dài.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng và các địa phương đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng.                                                                                                       Ảnh: Duy Lân

Quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng
Nhiều đại biểu đồng tình về Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 nêu 3 đột phá chiến lược, trong đó có phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng, song cần quan tâm đến đội ngũ nhân lực cán bộ quản lý chất lượng. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định việc tổ chức, quản lý, sử dụng các nguồn nhân lực khác của đất nước. Liên quan đến nhân lực lãnh đạo, đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cho rằng: Phải chọn được người lãnh đạo trong Đảng từ cấp cao nhất là Tổng Bí thư đến cấp uỷ viên Ban Chấp hành và bí thư ở tỉnh uỷ và ở chi bộ. Hiện chúng ta tiến hành bầu trong xã hội đa chiều thông tin và ở góc độ nhận thức ngày càng được nâng cao, do vậy,làm thế nào để vừa dân chủ, vừa chọn được người tài là điều quan trọng.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu HLuộc Ntơr (Đắc Lắc) và Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhấn mạnh đến việc chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn và miền núi, tạo việc làm sau đào tạo để giảm sức ép về sản xuất ruộng đất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chiến lược đào tạo cán bộ dân tộc để đưa về làm việc tại địa phương, bố trí sử dụng phù hợp, tránh lãng phí. Đại biểu HLuộc Ntơr cho rằng, vấn đề đào tạo nhân lực là người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Chính phủ có ấn định cơ cấu nhân lực là người dân tộc, cán bộ dân tộc trong một số lĩnh vực nhưng chưa nhiều, các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp có rất ít người dân tộc thiểu số. Ngay cả học sinh là con em đồng bào dân tộc được cử tuyển, học xong cũng không về phục vụ địa phương, ngân sách bỏ tiền đầu tư cho họ nhưng học xong họ làm việc ở đâu cũng không biết.
Dẫn chứng từ nguồn nhân lực ngành y tế chỗ thừa, chỗ thiếu, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều người được đào tạo, thậm chí được cử tuyển, Nhà nước cho đi học nhưng rồi học xong vẫn không về địa phương, thậm chí sẵn sàng chịu phạt vì muốn ở nơi có thu nhập cao hơn, có thể làm thêm và nâng cao tay nghề. Điều này đòi hỏi cần có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn chất xám về nông thôn thỏa đáng hơn. Việc phát triển nguồn nhân lực phải được thực hiện đồng bộ trên ba lĩnh vực: cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang thiết bị để kéo dần khoảng cách giữa các vùng miền. Một số đại biểu đề nghị việc xây dựng chính sách cho cán bộ tăng cường từ miền xuôi lên miền núi cần được quan tâm hơn. Với những cán bộ phục vụ lâu dài ở miền núi cần có cơ chế ưu đãi đối xử công bằng giữa cán bộ miền xuôi với cán bộ là người địa phương.
Đánh giá về chất lượng đảng viên, đa số ý kiến cho rằng cán bộ, đảng viên cơ bản là tốt, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tình trạng chạy chức, chạy quyền là có, nhưng không nhiều, không nên ghi trong dự thảo. Trung ương chỉ cần quy định "không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa; kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút".

Bứt phá tư duy, chọn lọc đầu tư
Đóng góp ý kiến về những vấn đề kinh tế - xã hội trong Dự thảo báo cáo chính trị, đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng: Nền kinh tế của chúng ta còn phát triển thiếu bền vững, còn phát triển nóng, yếu tố cạnh tranh còn kém, (về chất lượng, sản phẩm, giá cả, thị trường…) mặc dù có phát triển. Kinh tế của chúng ta vẫn dựa trên 2 yếu tố là sức lao động và xâm hại môi trường làm việc. Việc nâng cao yếu tố chất xám, khoa học công nghệ còn rất thấp nên nhiều ngành giá trị gia tăng thấp. Liên quan đến những vấn đề của các tập đoàn kinh tế cho thấy, nước ta làm kinh tế vẫn mang yếu tố chủ quan chính trị nhiều hơn là hiệu quả kinh tế. Về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới, đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, phát triển kinh tế không nên đánh đổi môi trường và coi lao động rẻ là lợi thế. Cần trả lương cho người lao động sòng phẳng, nâng cao mọi mặt đời sống cho người lao động. Nền kinh tế của chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu nếu không có sự chọn lọc trong đầu tư phát triển. Vì thế, phát triển kinh tế 5 năm tới cần có sự bứt phá về tư duy, chọn lọc về đầu tư để bảo đảm kinh tế bền vững.
Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng, Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đặt mục tiêu 2020 cơ bản là một nước công nghiệp hiện đại, với thành tựu chúng ta đạt được trong thời gian qua thì cần phấn đấu nhiều. Mục tiêu đến năm 2020, GDP tăng hơn 3.000 USD, nhưng hiện mới đạt 1.600 USD. Như vậy trong 10 năm tới, GDP tăng 3 lần so với hiện nay. Chỉ tiêu này không đơn giản. Do đó cần đổi mới khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, nông thôn.

Chỉ tiêu cần có tính khả thi
Tham gia ý kiến về lĩnh vực y tế, giáo dục, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) và một số đại biểu khác có ý kiến băn khoăn cho rằng, một số chỉ tiêu khâu đột phá thiếu tính khả thi. Đến năm 2020, mục tiêu phấn đấu đạt 26 giường/1 vạn dân, (hiện nay 21 giường/1 vạn dân). Nếu dân số tăng lên 95 triệu dân cần tăng thêm 47.500 giường. Khi đó cần xây dựng bao nhiêu bệnh viện. Về Giáo dục –đào tạo, đến năm 2020 sẽ có 450 sinh viên/vạn dân gấp hơn 2 lần hiện nay trong khi điều kiện cơ sở vật chất trường học hiện chưa đáp ứng với tiêu chuẩn nhà nước là 55m2 cho một sinh viên.
Đại biểu Nguyễn Thúc Kháng (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến, giáo dục- đào tạo hiện theo kiểu nhồi nhét kiến thức mà chưa đầu tư đào tạo những con người có tính phản biện, tư duy sáng tạo độc lập.

Doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường
Tham gia vào nội dung dự án Luật Khoáng sản, đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Dự thảo Luật quy định quyền lợi của người dân, địa phương chủ yếu là khuyến khích như phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ mà không thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng góp với địa phương. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) đề nghị, Dự thảo Luật cần tách thành một chương riêng và bổ sung quy định cụ thể. Bởi thực tế, khi doanh nghiệp khai thác thu lợi nhuận lớn, nhưng người dân nơi có khoáng sản, chế biến thường phải hứng chịu rất nhiều bức xúc về môi trường và các vấn đề xã hội như đền bù tài sản, tệ nạn... điều này cũng gây áp lực lớn cho địa phương trong công tác quản lý. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cần có quy định bảo vệ môi trường vùng khai thác, chế biến khoáng sản; quy định khai thác, quản lý khoáng sản theo hướng hài hòa, bảo vệ môi trường; đặc biệt Dự thảo luật phải quy định doanh nghiệp có trách nhiệm với địa phương nơi có khoáng sản khai thác thông qua hình thức ký quỹ, sử dụng quỹ bảo vệ môi trường...
Hôm nay 29-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khiếu nại và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đọc thêm