Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12: Chính phủ quy định việc công bố giá hàng hóa, dịch vụ để người tiêu so sánh

(HPĐT)- Hôm qua 29-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khiếu nại và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(HPĐT)- Hôm qua 29-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khiếu nại và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng và các tỉnh bạn gặp gỡ, trao đổi tại phiên họp tổ

Ảnh: Duy Lân

Không khiếu nại đông người, nhưng cần có quy trình giải quyết

 

Thảo luận tổ về dự án Luật Khiếu nại, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết tách riêng mảng khiếu nại và tố cáo, bởi việc khiếu nại ngày càng tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Song theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, dự thảo Luật chưa cụ thể hóa các tiêu chí làm căn cứ xây dựng Luật. Các tổ chức chính trị xã hội cũng cần được điều chỉnh trong luật này, vì đây là luật gốc về khiếu nại, không nên tách riêng ở các luật điều chỉnh các tổ chức chính trị xã hội. Cần quy định rõ cơ chế 3 bên giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại.

 

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng phạm vi thực hiện của dự Luật Khiếu nại hiện được quy định hơi rộng; lẽ ra chỉ nên giới hạn trong quan hệ giữa công dân với Nhà nước; nói cách khác là để xử lý loại khiếu nại hành chính. Quy định như vậy vừa phù hợp với cam kết WTO; vừa bảo đảm tính khả thi trên thực tế. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thiên về hướng khuyến khích hòa giải trước khi khởi kiện; để giảm bớt số vụ việc tố tụng hành chính. Để tránh việc cơ quan hành chính lợi dụng quy định về hòa giải để kéo dài không giải quyết, dự thảo  Luật quy định khá chặt chẽ. Mọi văn bản của UBND có nội dung phân xử đều có thể coi là đã qua hòa giải.

 

Liên quan đến vấn đề có được khiếu nại đông người hay không, đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho rằng: Dự thảo Luật không cho phép khiếu nại đông người, song thực tế vẫn xảy ra. Do đó cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết trong trường hợp có khiếu nại đông người. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, không nên quy định “khiếu nại đông người” thành một điều riêng. Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nên có biện pháp sàng lọc đơn, thư ban đầu như khi tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp nhận cần giải thích cho người tham gia khiếu kiện đông người về nội dung của khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, qua đó tác động tới nhận thức trong qua trình viết đơn, đồng thời sàng lọc, hạn chế được đơn thư khiếu nại.

 

Không được quảng cáo quá sự thật, gây nhầm lẫn

 

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề tương đối cụ thể, rõ ràng, xác thực theo hướng tiếp cận phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển chung của thế giới nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời qua đó cũng góp phần bảo vệ kinh doanh chân chính, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Phản ánh thực tế người tiêu dùng bị xâm hại, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà(Gia Lai) cho rằng, người tiêu dùng không những thường xuyên bị xâm hại về chất lượng, số lượng hàng hóa mà còn bị xâm hại về giá dịch vụ. Hiện chỉ có Bộ Công Thương quản lý nhà nước về giá, còn chưa có tổ chức xã hội nào hỗ trợ người tiêu dùng xác định giá trị thực đối với hàng hóa, dịch vụ và sử dụng quyền tẩy chay sản phẩm. Vì vậy, cần bổ sung quy định về nội dung, khảo sát nghiên cứu thông báo giá của hàng hóa dịch vụ và hướng dẫn người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm xâm hại nghiêm trọng đến quyền của người tiêu dùng. Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi(Cần Thơ) đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ phối hợp với Bộ Công Thương quản lý giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ việc mua bán, giao dịch những hàng hóa thiết yếu đến các dịch vụ máy bay, ô tô, điện thoại, dịch vụ khác... Chính phủ cần quy định việc công bố giá các loại hàng hóa dịch vụ sát với diễn biến thị trường để người tiêu dùng có cơ sở so sánh khi mua hàng hóa và dịch vụ.

 

Hiện người tiêu dùng chủ yếu tin chất lượng sản phẩm qua quảng cáo. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng: Hiện sự nhập nhằng trong quảng cáo ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với công bố thực tế gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé(Kiên Giang) đề nghị bổ sung quy định về hành vi nghiêm cấm quảng cáo sai sự thật, để các tổ chức, cá nhân tham gia quảng cáo có trách nhiệm với người tiêu dùng. Đồng nhất với quan điểm này, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi(Cần Thơ) đề nghị nên ghi rõ trong luật là cấm quảng cáo quá sự thật hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và các cơ quan quảng cáo sai, gây thiệt hại cho người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

 

Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân(Tây Ninh), dự thảo luật quy định Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhiệm vụ bảo vệ tất cả người tiêu dùng (thể hiện vai trò cơ quan quản lý nhà nước), nhưng thực tế Hội đang hoạt động mà không có trụ sở, kinh phí… Do đó, Nhà nước tạo điều kiện cho Hội hoạt động như cấp trụ sở, kinh phí, hội mới có thể bảo vệ hiệu quả cho người tiêu dùng, chính là bảo vệ người sản xuất chân chính.

 

Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011.

Đọc thêm