Ngày mai Hòa Xuân...

Đường về qua cầu Hòa Xuân sáng chút nắng cuối chiều từ phía chân trời, nhiều người dân Hòa Xuân sau một ngày làm việc trong thành phố cũng trở về nhà qua cầu nườm nượp. Từ hai lan can cầu, ánh điện màu xanh bật lên chan hòa với ánh điện chiếu sáng cầu vàng rộm.

Chúng tôi về Hòa Xuân vào chiều Noel nắng vàng tươi, ấm áp. Trên đường dẫn vào khu C và E1-khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, nhiều tốp xe tải chở vật liệu xây dựng hối hả nối đuôi vào ra. Thật vui mắt khi nhìn thấy san sát nhiều ngôi nhà mới ở khu C khoác màu sơn tươi sáng kéo liền một dải, khuất lấp các bãi đất tái định cư rộng mênh mông. Còn tại khu E1, hàng chục ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện để kịp đón Tết.

Mô tả ảnh.
Dáng vóc phố mới của người dân Hòa Xuân đang dần hình thành
Mặc dầu còn đó bao lo lắng bộn bề, nhưng qua trao đổi, chuyện trò với chúng tôi, nhiều hộ dân không giấu hết niềm vui sướng và phấn khởi. Sau khi bàn giao mặt bằng tại tổ 13, hộ ông Hồ Văn Nhân chuyển đến khu C xây nhà và ở từ trước mùa mưa lũ. Chỉ tay về phía công trường xây dựng Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa đang quét lớp vôi trắng, ông hồ hởi: “Mới đầu lên đây còn bỡ ngỡ, chưa ổn định nên làm thêm quán buôn bán nhỏ, từ từ từng bước một rồi những khó khăn cũng qua. Đến học kỳ 2 này, tôi không phải chở cháu nhỏ về dưới trường cũ học nữa, mà cháu sẽ tự đi bộ đến trường mới.
Cách đây mấy tháng, nhà cửa còn thưa thớt, giờ thì bà con lên làm nhà nhiều rồi, năm nay đón Tết ở đây sẽ đông vui lắm!”. Hộ bà Trần Thị Nhi ở tổ 26, là một trong những gia đình bàn giao mặt bằng đầu tiên. Sau khi nhận đất tái định cư, cả gia đình bà liền triển khai làm nhà từ đầu tháng 10 đến nay. Được bố trí 3 lô đất tái định cư, bà bán bớt 1 lô lấy tiền xây một căn nhà kiên cố, còn một phần để dành cho con cái học hành. “Còn 20 ngày nữa thôi, xong nhà mới để dọn về ở và bày biện, đón Tết. Dẫu chưa xong nhưng nhìn cơ ngơi này cũng sướng mắt, cuộc sống sắp tới chắc sẽ tốt hơn!”, bà Nhi tâm sự.
Cách đó không xa, hộ bà Trần Thị Lộc (tổ 31) đang có niềm vui kép: “Tôi 64 tuổi rồi, không nhờ chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư của thành phố, chắc tôi cả đời phải sống với căn nhà ọp ẹp, ngập lụt. Hôm qua, Công ty Cây xanh Đà Nẵng gọi tôi đi làm, nhưng tôi xin chờ một tuần để xong nhà là qua làm!”. Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Xuân phấn khởi nói: “Vừa rồi phường có tổ chức lên thăm, động viên bà con đang xây dựng nhà mới. Bà con phấn khởi lắm. Nhiều cụ già lên thăm con cháu đang làm nhà, thấy vậy cũng mừng nên muốn ở lại phụ giúp cho mau hoàn thành để lên ở. Giờ khu C và E1 như một đại công trường, mới đó mà đã có hơn 300 hộ làm nhà. Ước tính, đến tháng 6-2011, sẽ có thêm ít nhất 700 hộ làm nhà tái định cư. Diện mạo đô thị mới Hòa Xuân thay đổi nhanh chóng không ngờ”.

Đến nay Hòa Xuân đã có hơn 2.000 hộ có nhà, đất ở và 7.000 thửa đất nông nghiệp đã bàn giao mặt bằng. Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 đã nhận được sơ đồ 5.569 lô đất (2.838 lô ở khu E1, E2; 2.342 lô ở khu F và 389 lô ở khu D) và đã thực hiện bố trí trên sơ đồ 2.662 lô đất, trong đó có 1.246 lô ở khu E1, 877 lô ở khu E2 và 539 lô ở khu F. Để hỗ trợ người dân làm nhà, sau khi tiếp dân, thành phố đã quyết định điều chỉnh thêm về giá đền bù nhà, đất; hỗ trợ làm móng mỗi hộ 20 triệu đồng và đền bù phần móng, tôn nền nhà cũ theo 4 mức: 5-10-15-20 triệu đồng.

Đồng thời, phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho những hộ nghèo, khó khăn. Riêng người dân khu vực Trung Lương sẽ nhận đất, hoàn thiện nhà rồi mới bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, UBND quận Cẩm Lệ cũng hỗ trợ mỗi hộ 1 ca máy múc đào móng làm nhà… Bên cạnh công tác vận động bàn giao mặt bằng, năm qua, phường Hòa Xuân đã tổ chức phiên chợ việc làm để người dân tiếp cận với các công việc đang cần lao động. Hội Nông dân thành phố cũng đã tổ chức 2 lớp sản xuất và chế biến nấm sò, nấm linh chi và 1 lớp trồng hoa, cây cảnh cho 100 hội viên nông dân, sắp tới sẽ mở thêm 2 lớp dạy nghề sản xuất và chế biến nấm ăn cho nông dân độ tuổi từ 50 trở lên. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố mở lớp hướng dẫn kỹ thuật chế biến món ăn cho hơn 60 phụ nữ, để sau này chị em có thể tự mở quán riêng hoặc tập hợp thành nhóm nấu tiệc, cưới, làm cho các nhà hàng, quán ăn lớn. Sau khi người dân ổn định chỗ ở nơi tái định cư mới, các cấp, các ngành sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm, chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Đường vào xứ đạo Cồn Dầu nhộn nhịp, nhiều đèn hoa trang trí đẹp mắt. Trước mặt nhà nào cũng có hang đá, bó rơm vàng lung linh ánh điện màu. Ông Trần Thành Trung (58 tuổi), một giáo dân Cồn Dầu khoe vui: “Năm nay đón Noel cuối cùng ở đây nên nhà nào cũng cố gắng trang trí, bày biện đẹp đẽ hơn mọi năm”. Chúng tôi một lần nữa nhìn ngắm Nhà thờ Cồn Dầu lung linh ánh điện nhiều màu ngày Noel, thầm cảm phục chủ trương của thành phố khi giữ lại công trình nhà thờ này như một biểu tượng lịch sử-văn hóa của một xứ đạo lâu đời.

Đường về qua cầu Hòa Xuân sáng chút nắng cuối chiều từ phía chân trời, nhiều người dân Hòa Xuân sau một ngày làm việc trong thành phố cũng trở về nhà qua cầu nườm nượp. Từ hai lan can cầu, ánh điện màu xanh bật lên chan hòa với ánh điện chiếu sáng cầu vàng rộm. Hết ngắm cầu, chúng tôi lại ngắm về Hòa Xuân, lòng tin tưởng vào ngày mai Hòa Xuân sẽ thức dậy, vươn vai, bừng sáng.

Hoàng Hiệp

Đọc thêm