Theo đó, từ thành phố tới phường xã triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm, với đối tượng ưu tiên truyền thông là tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống; chính quyền các cấp, quản lý nhà hàng, quán ăn, ban quản lý chợ, siêu thị, chợ đầu mối, khu du lịch, khu công nghiệp, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại; người tiêu dùng.
Thành phố sẽ thành lập 1 đoàn liên ngành để giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại UBND 24 quận, huyện trong Tháng hành động này và đi kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Các sở chuyên ngành tùy theo yêu cầu, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế, giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; đặc biệt kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh rau, thịt, thủy sản và rượu.
UBND quận-huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác triển khai Tháng hành động ở tuyến phường, xã, thị trấn; các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh rau, thịt, thủy sản; cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức lấy mẫu giám sát các sản phẩm có nguy cơ cao tại các cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, cơ sở thu mua, cơ sở chế biến, chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh thực phẩm kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng an toàn thực phẩm và tập trung các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm,…; truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm đối với các sản phẩm không an toàn và đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.