Ngày thơ làm gì được cho thơ?

Nhạt, nghiệp dư là cảm giác của nhiều người từng tham gia Ngày thơ Việt Nam(VN) trong suốt 7 năm qua. Vì thế, Ngày thơ VN lần thứ 8 dù được chủ tịch Hội nhà văn VN nhấn mạnh sẽ tổ chức hoành tráng nhất, chuyên nghiệp nhất, vẫn khiến nhiều người nghi hoặc.

Nhạt, nghiệp dư là cảm giác của nhiều người từng tham gia Ngày thơ Việt Nam(VN) trong suốt 7 năm qua. Vì thế, Ngày thơ VN lần thứ 8 dù được chủ tịch Hội nhà văn VN nhấn mạnh sẽ tổ chức hoành tráng nhất, chuyên nghiệp nhất, vẫn khiến nhiều người nghi hoặc.

Chuyên nghiệp: Khó lắm

Dù đã trải qua 7 lần tổ chức, nhưng điều làm cho những người trong Ban tổ chức Ngày thơ (BTC) lo lắng vẫn là làm thế nào để chuyên nghiệp hơn. Năm nay Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 là một trong những sự kiện mở đầu chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên hứa hẹn hoành tráng hơn. Cụ thể, chương trình diễn ra trong ba ngày (từ 13 đến hết 15 tháng Giêng) trên cả nước, trong đó Hà Nội, TP HCM và Huế sẽ tổ chức đặc biệt trọng thể. Trong phần lễ có nhiều điểm đặc biệt như: rước ngọn lửa từ đền Thượng thờ các vua Hùng về Văn Miếu (Hà Nội), rước Chiếu dời đô từ Khuê Văn Các qua hồ Thiên Quang Tỉnh vào Thái Miếu sau khai mạc.

Nhà thơ Đồng Chuông Tử (đứng giữa) trong Ngày thơ VN 2010 tại TP HCM. Ảnh: Minh Chánh
Nhà thơ Đồng Chuông Tử (đứng giữa) trong Ngày thơ VN 2010 tại TP HCM. Ảnh: Minh Chánh

Tuy nhiên, những người tham gia ngày thơ nhiều năm đều nhớ: sân khấu thơ sau lễ khai mạc đều nhốn nháo bởi người lên chụp ảnh. Các màn đọc thơ thường bị ngắt quãng giữa chừng bởi người được mời không có mặt, người không được chỉ định lại… đòi lên đọc bằng được.

Năm nay, Chủ tịch Hội nhà văn kiêm trưởng BTC nhiều lần nhấn mạnh: chúng ta phải sân khấu hóa lễ hội. Theo ông, đấy là cách giúp cho việc tổ chức chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên ông thừa nhận, “chúng ta chỉ là những nhà thơ, không phải là nhà tổ chức sự kiện, nên đòi chuyên nghiệp chắc vẫn là chuyện… khó lắm”.

Bởi vậy, đến sát ngày diễn ra lễ hội, một trong những phần việc quan trọng tạo nên sự hoành tráng là triển lãm cây thơ trên gốm sứ Bát Tràng để tạo hiệu ứng giữa nghe và nhìn hiện đang gặp trục trặc, chưa biết xử lý ra sao. Người được giao trọng trách này, nhà thơ Đỗ Trung Lai, chưa biết liệu triển lãm này có xuất hiện được hay không.

Thơ có cần hoành tráng?

Trên thực tế, thơ có cần hoành tráng hay chuyên nghiệp? Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, “tinh thần thơ ca, chất lượng tác phẩm được quyết định ở những góc khác trong sâu thẳm cá nhân của mỗi người”. Nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập cũng cho rằng, bản thân thơ không cần ai làm gì cho nó cả, bởi sức sống của thơ ca lớn hơn nhiều những sự kiện rùm beng.
 

Ngày thơ VN 2009 trên sân Văn Miếu, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Ngày thơ VN 2009 trên sân Văn Miếu, Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Tuy nhiên, để có một ngày thơ hằng năm thì nên suy nghĩ làm thế nào để nó thiết thực cho thơ. Thế nhưng trong toàn bộ chương trình được coi là hoành tráng của Ngày thơ VN lần thứ 8 chỉ có một hội thảo về thơ được tổ chức tại Huế. Nhìn lại thực tế, trong suốt quá trình phát triển của văn chương VN, chúng ta chưa thật sự chủ động tạo ra cơ hội để tác phẩm đến được với công chúng ngoài dải đất hình chữ S.

Nhận thấy ngày thơ như một sự kiện văn hóa lớn của cả nước là điều nên duy trì, nhưng TS Ngô Tự Lập cho rằng, mỗi sự kiện có thể được làm tốt, làm bình thường hoặc làm hỏng, phụ thuộc rất nhiều vào cách làm. Vì thế, trong ngày thơ, nên hạn chế những màn phô trương, chú tâm tạo những chương trình có nội dung. Chẳng hạn, trong không gian vui vẻ đó nên tổ chức những hội thảo, hội nghị, sẽ giúp ích nhiều hơn cho công việc nghiên cứu, cảm nhận.

TS Ngô Tự Lập còn cho rằng, nên ghép Ngày thơ VN và các hội nghị quảng bá văn chương VN thành Ngày văn chương VN, tổ chức hằng năm với ba nội dung lớn: 1/ Đọc và trình diễn thơ, văn. 2/ Nghiên cứu văn học. 3/ Dịch thuật và quảng bá văn học VN. Ngoài ra, theo TS Ngô Tự Lập, đây là dịp thuận lợi hiếm hoi để mời các dịch giả nước ngoài, các nhà văn nước ngoài tới tham gia, tiếp xúc và trao đổi với đông đảo người viết, người đọc và người kinh doanh văn chương, nhằm mở rộng cơ hội để các tác phẩm văn học VN được xuất khẩu.

Tẻ nhạt Ngày thơ VN tại TP HCM

Ngày 24/2, làng thơ TP HCM chào đón Ngày thơ VN tại Nhà hát Thành phố. Không diễn ra ngoài trời mà ở khán phòng lớn của một nhà hát, không tổ chức vào ngày Tết Nguyên tiêu mà vào ngày 11/1 âm lịch, là hai điểm khác của Ngày thơ VN tại TP HCM năm nay.
Thơ trẻ được giao trọng trách mở màn vào buổi sáng, nhưng hoạt động này diễn ra trong không khí tẻ nhạt và thưa vắng, dù đây là sân chơi của những nhà thơ rất trẻ như Đỗ Thanh Vân, Chiêu Anh Nguyễn, Phan Trung Thành, Song Mây, Ngô Thị Hạnh… Khán phòng gần như không có khán giả, mà chỉ gồm những bạn thơ và báo chí. Trong một mạch xuyên suốt gây nhàm chán, người dẫn chương trình lần lượt giới thiệu từng tác giả, mời lên sân khấu, phỏng vấn đôi ba câu và tác giả đọc một bài thơ chọn lọc trên nền tiếng đàn guitar. Nhiều người bỏ về giữa chừng khiến khán phòng càng trở nên trống vắng. Buổi chiều, Ngày thơ tiếp tục với chương trình giao lưu đọc thơ giữa một số trường đại học; buổi tối là đêm thơ chủ đề Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long với các tiết mục ngâm thơ kèm hoạt cảnh múa và trình diễn ca khúc phổ thơ. (Đoàn Dự)

Nguồn: Đất Việt

Đọc thêm