Thưởng thức di sản với những trường ca
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, năm 2024 sẽ diễn ra vào Rằm Nguyên Tiêu năm Giáp Thìn với tên gọi “Bản hòa âm đất nước”, là ngày hội của các nhà thơ các dân tộc Việt Nam.
Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời các nhà thơ, nhà văn đại diện các dân tộc thiểu số Việt Nam như Mường, Thái, Tày, Khơmer, Êđê, Chăm, Hoa… từ nhiều miền đất nước về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) để cùng nhau cất lên những “bài ca” về con người, về dân tộc và về những điều tốt đẹp; tham gia hội thảo, tọa đàm để bàn về bản sắc văn hóa dân tộc trong các sáng tạo thi ca, các giải pháp để vừa có thể giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đưa văn hóa dân tộc tiếp cận với hiện đại, vươn ra thế giới…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, đến nay, đại diện Ban Chấp hành Hội đã làm việc với Hoàng thành Thăng Long, tiến hành chọn lựa và mời các nhà thơ tham gia, chọn lựa những di sản thơ hay, như các trường ca “Đẻ đất đẻ nước”, “Trường ca Đam San”, “Trường ca Xinh Nhã…” để giới thiệu trong đêm Thơ Nguyên Tiêu, để công chúng được nghe đồng bào kể chuyện trong ánh lửa về trường ca của dân tộc mình. Việc tổ chức hội thơ ca “Bản hòa âm đất nước” cũng là một cách triển khai có hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Ngày Thơ Việt Nam 2024 sẽ mang đến bản hòa âm thơ ca muôn màu về cuộc sống, con người Việt Nam trên mọi miền đất nước, đồng thời đây cũng là ngày hội của vẻ đẹp đời sống và văn hóa của tất cả các dân tộc anh em thông qua thơ ca.
“Các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Âm hưởng thi ca của đại gia đình các dân tộc Việt Nam
Tổng đạo diễn Ngày Thơ Việt Nam 2024 - ông Lê Quý Dương chia sẻ: “Thi ca của chúng ta thực sự hình thành và đồng hành cùng với dòng chảy lịch sử của cả dân tộc suốt hàng nghìn năm qua. Và đặc biệt, thi ca đã trở thành nơi không chỉ là chỗ dựa mà còn là một nơi để tìm về. Thơ là nơi xuất phát nhiều ý nghĩa đối với tâm hồn của dân tộc từ lúc đất nước thanh bình cũng như chiến tranh. Từ những lúc khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu đến lúc đổi mới, phát triển luôn luôn thấy bóng dáng của thi ca ở đó. Đặc biệt, 4 danh nhân văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận đều là 4 nhà thơ: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương. Dân tộc của chúng ta chính là một dân tộc của thi ca. Điều đấy cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, các lễ hội tôn vinh này làm cho thi ca thêm giá trị”.
Đạo diễn Lê Quý Dương bật mí: “Ngày Thơ Việt Nam vào ngày Rằm Nguyên Tiêu năm Giáp Thìn 2024 sẽ rực rỡ sắc màu và âm hưởng thi ca của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Không gian trước Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long sẽ rực rỡ vẻ đẹp đa dạng, sắc màu của các dân tộc Việt Nam. Tác phẩm của các nhà thơ dân tộc sẽ được thăng hoa trong không gian rực rỡ, ấm áp trong không khí đón xuân”.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho hay, điều thách thức và cũng rất thú vị khi đưa Ngày Thơ lên sân khấu lớn là làm sao không để mất đi chất thơ của chương trình. “Sân khấu biểu diễn lớn có tính hướng ngoại trong khi thi ca mang tính hướng nội. Tôi biết cũng có ý kiến lo lắng tôi là đạo diễn hay làm các chương trình lễ hội và sự kiện lớn có thể biến Đêm thơ Nguyên Tiêu mất đi chất thơ vốn có của mình. Tôi không ngại điều này vì quan trọng nhất đối với tôi vẫn là sự nghiên cứu nghiêm túc đối tượng chương trình mình sẽ dàn dựng để từ đó có cảm xúc. Cảm xúc sẽ là nguồn cội của những ý tưởng độc đáo” - vị tổng đạo diễn chia sẻ.
Ngày Thơ cùng với sự kết hợp của các loại hình âm nhạc, hội họa, trình diễn, ánh sáng… sẽ truyền tải đến những người yêu thơ vẻ đẹp thơ ca trong đời sống, góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn thông qua loại hình văn học. “Chúng tôi muốn biến Ngày Thơ Việt Nam trở thành một lễ hội đón nhận những người yêu thơ, cả những người chưa yêu thơ. Khi tới không gian của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vào Rằm tháng Giêng, chúng ta đều sẽ có niềm yêu duy nhất, đó là thơ ca. Thơ sẽ không phải chỉ có thầm lặng ở trong cuộc sống. Thơ phải trở thành một nguồn năng lượng mới, trở thành một tinh thần mới, với tất cả những khát vọng mới cho xã hội tốt đẹp hơn” - tổng đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh.
Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm trên cả nước, đúng dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên Tiêu” vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948). Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam. Đây là dịp công chúng yêu thơ trên cả nước tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam trong quá khứ, giới thiệu thơ ca đương đại trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước. Ngày Thơ Việt Nam vừa là nơi gặp gỡ của các thi sĩ và công chúng yêu thơ, vừa góp phần tôn vinh nền thi ca Việt Nam, bồi đắp tâm hồn, giá trị nhân văn, vẻ đẹp tinh thần của một dân tộc.