Khoảng 15h30 chiều ngày 5/7, người dân phát hiện đám cháy tại rừng chuối xóm Minh Tiến, xã Minh Hợp, sau đó đám cháy lan sang rừng rừng tạp, rồi tiếp tục cháy lan sang ngôi nhà 3 gian của gia đình chị Trương Thị Sâm.
Ngay sau khi phát phát hiện đám cháy, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy. Trên 50 cán bộ, chiến sĩ công an huyện, phối hợp với hàng trăm người gồm lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, nhân dân địa phương tiến hành dập lửa, phát luống cây để khoanh vùng đám cháy.
Cháy rừng ở Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An |
Vào thời điểm xẩy ra sự việc, nhiệt độ ở huyện miền núi cao Quỳ Hợp nằm vào khoảng 40 độ C, trời gió mạnh khiến đám cháy rừng chuối lan nhanh hơn. Đến khoảng 17h30’ cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Uớc tính ban đầu, đám cháy thiệt hại hơn 1ha chuối trồng, 2ha rừng tạp và 1 ngôi nhà 3 gian.
Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm huyện xác định thiệt hại, bước đầu giao cho xã Minh Hợp huy động các lực lương, tổ chức đoàn thể giúp đỡ gia đình bị cháy nhà khắc phục hậu quả.
Công điện của UBND Tỉnh Nghệ An tăng cường cấp bách phòng chống chày rừng
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn số 09/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng, nội dung công điện nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết khu vực các tỉnh Miền Trung tiếp tục nắng nóng, kết hợp với hiệu ứng gió phơn Tây Nam, nền nhiệt tăng cao có ngày lên đến 40°C, độ ẩm không khí xuống thấp, làm cho thảm thực bì, bổi vọt dưới tán rừng khô héo, đặc biệt là rừng trồng thông nhựa, nguy cơ cháy rừng báo động cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Để đối phó với tình trạng nắng nóng còn diễn biến phức tạp, cháy rừng đã xảy ra ở một số địa phương gây thiệt hại về rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường thiên nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị chủ rừng; các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện ngay một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 15/03/2018 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Khi có cháy rừng xảy ra thì phải nhanh chóng huy động tối đa lực lượng tại chỗ, trực tiếp chỉ huy điều hành chữa cháy rừng theo đúng phương châm 4 tại chỗ, xử lý dập tắt đám cháy khi mới phát hiện, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
2. Giao Sở Nông nghiệp &PTNT chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm tra, đôn đốc, rà soát khắc phục ngay những tồn tại trong phương án PCCCR của địa phương, chủ rừng. Trong đó lưu ý về phương tiện kỹ thuật chữa cháy, lực lượng chữa cháy rừng, công tác hậu cần và chỉ huy chữa cháy; quan tâm chỉ đạo xây dựng mới, bảo dưỡng các công trình phòng cháy như: đường băng cản lửa; công tác quản lý khai thác nhựa thông; công tác giao khoán bảo vệ rừng. Nhằm ngăn chặn, hạn chế những nguyên nhân tiềm ẩn cố ý gây cháy rừng.
3. Giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các hạt Kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã tập trung cao độ cho công tác PCCCR.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực thông tin cảnh báo cháy rừng 24/24h hàng ngày tại chòi canh lửa, Trạm Bảo vệ rừng và Văn phòng BCH các cấp. Thường xuyên cử cán bộ túc trực tại địa bàn xã, vùng rừng trọng điểm để tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia PCCCR; nắm chắc tình hình rừng ở cơ sở, ngăn chặn và ứng cứu các tình huống cháy rừng xảy ra.
- Trong thời gian nắng nóng cao độ, hạn chế giải quyết nghỉ phép, nghỉ chế độ, giảm các cuộc họp không cần thiết, tập trung nhân lực cho công tác PCCCR, bố trí lực lượng đủ để thường trực xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra kể cả ngày nghỉ lễ, thứ 7 và Chủ nhật.
- Đối với các vùng rừng thông nhựa liền vùng liền giải, các vùng rừng trọng điểm gắn với các khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cần áp dụng các biện pháp trông coi bảo vệ tại rừng, quản lý chặt chẽ người khai thác nhựa thông, người ra vào rừng, việc sử dụng lửa của người dân trong rừng và ven rừng. Phát hiện sớm các điểm cháy để ứng cứu chữa cháy rừng khi đám cháy còn nhỏ.
- Sau khi dập tắt các đám cháy, cần phải chỉ đạo các lực lượng tại chỗ trên địa bàn trông coi lửa rừng, dập tắt hết tàn lửa, đề phòng bùng phát trở lại. Đồng thời Lãnh đạo huyện trực tiếp thăm hỏi, động viên, cảm ơn các lực lượng tăng cường hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Ban chỉ đạo huyện chỉ đạo tổng hợp báo cáo nhanh cho ban chỉ đạo tỉnh về tình hình diễn biến vụ cháy, thời gian chậm nhất sau 2 giờ kể từ khi vụ cháy kết thúc.
- Đối với các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn về rừng cần tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan và rút kinh nghiệm trong việc huy động lực lượng và chỉ huy chữa cháy rừng.
4. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các địa phương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra, thu thập chứng cứ, truy tìm, tố giác thủ phạm gây ra vụ cháy rừng, để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.
5. Đài PT-TH tỉnh, Báo Nghệ An tăng cường thời lượng tuyên truyền các hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng; nêu gương người tốt việc tốt trong công tác PCCCR; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đưa tin cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nêu cao cảnh giác, PCCCR.
Nhận được Công điện này, yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc. Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, không kịp thời có biện pháp ngăn chặn, gây thiệt hại lớn về rừng thì Chủ tịch UBND, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng, hạt Kiểm lâm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.