Nghệ An: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư

(PLVN) - Những năm gần đây, Nghệ An đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các khu vực, lĩnh vực trọng điểm.
Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, hấp dẫn các nhà đầu tư
Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, hấp dẫn các nhà đầu tư

“Bội thu” dự án

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đã thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, không ngừng nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp như: áp dụng mô hình một cửa liên thông, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức gặp mặt, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Nghệ An đã ban hành kịp thời chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án: “Tập trung thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”; “Cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”; “Tập trung thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020; “Đào tạo bồi dưỡng doanh nhân”.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm qua liên tục được cải thiện: Năm 2013 xếp thứ 46, năm 2017 đã vươn lên xếp thứ 21 của cả nước, năm 2018 xếp thứ 19, là vị trí cao nhất từ trước đến nay. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 14 - 15%/ năm, vốn đăng ký bình quân đạt 5,37 tỷ đồng/doanh nghiệp. Lũy kế đến 30/9/2018, trên địa bàn tỉnh có 19.216 doanh nghiệp/mục tiêu đến năm 2020 là 20.000 doanh nghiệp; trong đó có 11.440 doanh nghiệp hoạt động (chiếm gần 60% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập), đóng góp khoảng 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực về số lượng, quy mô và chất lượng dự án. Giai đoạn 2014 - 2018, đã thu hút được 669 dự án với tổng số vốn đăng ký 189.000 tỷ đồng (đầu tư trong nước: 631 dự án/177.339 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): 38 dự án/530,08 triệu USD). Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược, đột phá, có sức lan tỏa mạnh, tạo động lực phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút 31 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký lên đến 22.000 tỷ đồng. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng mức đầu tư 7.703 tỷ đồng và 18 dự án ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 14.274 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn lớn như: Dự án dệt may Vinhtech do Công ty Royal Pagoda Private Limited, Singapore đầu tư với tổng vốn 4.649 tỷ đồng; Dự án Cải tạo khu B, Quang Trung, TP. Vinh do Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đầu tư với tổng vốn 1.933 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất giày, dép da xuất khẩu do Công ty TNHH Đỉnh Vàng đầu tư tại Cụm Công nghiệp Vân Diên, huyện Nam Đàn có tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng…

Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín đến khảo sát, đầu tư tại Nghệ An như: VSIP, WHA Hemaraj, Hoa Sen, Vingroup, The Vissai, Massan, FLC, Mường Thanh,... Bên cạnh đó, 31 chương trình, dự án ODA với tổng mức đầu tư 15.050 tỷ đồng đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao Quyết định chấp thuận Chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư năm 2019
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao Quyết định chấp thuận Chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư năm 2019

Công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khá. Bình quân 5 năm (2014 - 2018) giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 13,44%, riêng công nghiệp tăng 16,80%. Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng đã được tỉnh chú trọng. Các nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư, nâng cấp, đổi mới thiết bị để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Một số sản phẩm chủ lực tăng ổn định trong thời gian qua như: Thủy sản đông lạnh, sữa, bia, sản phẩm may mặc, xi măng, thủy điện, ...

Dịch vụ thương mại phát triển nhanh, đồng đều trên các lĩnh vực, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tốc độ phát triển dịch vụ bình quân 5 năm (2014 - 2018) đạt 7,02%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 636,02 triệu USD, năm 2017 đạt 992 triệu USD, dự kiến năm 2018 đạt 1.010 triệu USD. Lượng khách du lịch hàng năm tăng trên 15%. Đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều tổ hợp khách sạn, hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại. 

Quy hoạch vùng kinh tế

Nghệ An đang triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015); Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020 (Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015).

Ngoài ra, Nghệ An phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai quy hoạch vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, gắn Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi với Khu kinh tế Nghi Sơn. Hiện nay, quy hoạch các khu chức năng đã được phê duyệt. Vùng kinh tế Hoàng Mai - Quỳnh Lưu là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh.

Tỉnh đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng xây dựng vùng công nghiệp sạch, trung tâm thương mại, du lịch, tài chính và dịch vụ. Quy hoạch các khu chức năng đã được phê duyệt, các quy hoạch khác đang tiếp tục được rà soát, lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), giải quyết nhu cầu đi lại cho hơn 10 xã ở hai tỉnh - vốn được ví như "ốc đảo" mỗi khi mưa lũ. Công trình này cùng với tỉnh lộ 558, quốc lộ 15A và hệ thống hạ tầng các huyện Nam Đàn, Đức Thọ trở thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh, ngắn nhất nối thành phố Vinh đến cửa khẩu biên giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Triển khai dự án cầu Cửa Hội và đường ven biển để gắn kết vùng Cửa Lò, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh. Khảo sát, lập quy hoạch hai bên bờ Sông Lam. Tập trung phát triển một số lĩnh vực công nghiệp: chế biến đồ uống, dệt may và du lịch, dịch vụ.

Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư đồng bộ, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Đặc biệt, đã thu hút được 2 nhà đầu tư (VSIP và Hemaraj Thái Lan) vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để thu hút các dự án thứ cấp. Đến nay, Khu kinh tế Đông Nam đã thu hút được 205 dự án, trong đó: 32 dự án FDI với số vốn đăng ký 1.496,451 triệu USD; 163 dự án trong nước với số vốn đăng ký 42.819,316 tỷ đồng; đóng góp ngân sách trên 1.500 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: “Nghệ An xác định chính sách thu hút đầu tư là mấu chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng sẽ quan tâm để vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật; hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất để triển khai thực hiện dự án một cách nhanh nhất, cụ thể là giảm thiểu thời gian cấp phép, cấp giấy chứng hận trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư; xây dựng, tạo môi trường thân thiện và tin cậy giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư. Tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực và có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực có tay nghề để cung cấp cho các dự án triển khai trên địa bàn của tỉnh.

Tỉnh Nghệ An cam kết đồng hành với các nhà đầu tư trên tinh thần “chính quyền kiến tạo và phục vụ”. Chủ động hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp, xem việc hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp là nghĩa vụ của chính quyền. Đến thời điểm hiện tại, chỉ số PCI của Nghệ An đứng vào top 20 của cả nước. Kết quả vị trí thứ hạng PCI đã chứng minh những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư”.

Đọc thêm