Những ngày qua, trên mạng xã hội “dậy sóng” trước thông tin xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An) từ chối nhận quà và gây khó khăn cho đoàn từ thiện đến trao quà địa phương. Được biết, xã Hữu Khuông là xã thuộc diện khó khăn của huyện Tương Dương, với hơn 80% là hộ nghèo.
UBND xã Hữu Khuông khẳng định không có việc từ chối tiếp nhận quà, mà do đoàn từ thiện không liên hệ để khai báo thành phần đoàn, số lượng quà và đối tượng được nhận… để xã chuẩn bị thông báo cho bà con. Xã muốn đoàn cung cấp thời gian và thành phần để thuận lợi trong công tác hỗ trợ, đảm bảo an ninh trong quá trình đoàn ở tại địa phương.
Vậy thủ tục khi các tổ chức, cá nhân muốn trao quà từ thiện, cứu trợ như nào?. Trao đổi với PLVN, ông Vương Quang Minh, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, hoạt động cứu trợ được quy định theo Nghị định 64/2008 ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
|
Khi đến địa phương tặng quà cứu trợ, từ thiện phải liên hệ trước thông báo thành phần đoàn, danh tính các cá nhân tập thể để địa phương nắm rõ (Ảnh minh họa) |
Khi xảy ra các sự cố trên thì UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ đứng ra tổ chức kêu gọi vận động cứu trợ cùng với Hội Chữ thập đỏ và một số tổ chức khác do UBMTTQ làm đầu mối. Qua đó, UBMTTQ sẽ thành lập Ban cứu trợ thành phần nhiều ban ngành cùng tham gia.
Ông Minh cho biết thêm, thường thì sẽ có hai cách: cách thứ nhất, đoàn cứu trợ, tổ chức cá nhân thông qua Ban cứu trợ để đăng ký rồi chuyển cho Ban tiếp nhận sau đó phân phát về cho nhân dân. Cách thứ hai thì thông qua Ban cứu trợ để giới thiệu địa phương, liên hệ địa phương để đến trao quà trực tiếp. Cách này để tránh chồng chéo, tránh việc nơi nhận được nhiều quà, nơi không có quà…
“Tuy nhiên, thực tế thì có những lúc không diễn ra như thế, có một số tổ chức hội như: Hội đồng hương xa quê, người con xa quê hoặc thông qua vận động trên mạng xã hội… Khi đến trao quà địa phương thì không thông qua Ban cứu trợ mà trực tiếp về địa phương để trao quà. Nhưng tất cả các đoàn khi đến trao quà tài trợ, từ thiện thì phải khai báo thông tin về đoàn, thành phần đoàn, số quà tặng… Thứ nhất để địa phương nắm bắt được phối hợp tốt phục vụ đoàn, thứ hai để có thể cám ơn đoàn cứu trợ, từ thiện. Tránh trường hợp một số đối tượng lợi dụng công tác cứu trợ, từ thiện để làm việc trái quy định của pháp luật…”, ông Minh nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Minh, việc khai báo cụ thể còn giúp địa phương đảm bảo được sự an toàn cho thành phần đoàn khi đến địa phương. Về trường hợp đoàn từ thiện tại Hưng Yên về Tương Dương trao quà vừa qua xôn xao dư luận, ông Minh cho rằng, nếu đoàn từ thiện là các thầy ở chùa thì đoàn nên liên hệ với Giáo hội phật giáo Hưng Yên, Ban trị sự Giáo hội phật giáo Hưng Yên sẽ liên hệ với Giáo hội phật giáo Nghệ An để phối hợp.
Hoặc đoàn từ thiện liên hệ với UBMTTQ tỉnh Hưng Yên, Ban cứu trợ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên sẽ có văn bản gửi Ban cứu trợ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An để phối hợp với đoàn trong việc trao quà.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban truyền thông Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An thì luật hoạt động nhân đạo không cấm cá nhân, tổ chức nào làm từ thiện. Nhưng đơn vị tiếp nhận từ thiện, cứu trợ phải nắm được đơn vị nào, cá nhân nào, hỗ trợ gì, bao nhiêu quà, bao nhiều người được nhận quà…
Từ đó có Hội Chữ thập đỏ hoặc Ban cứu trợ sẽ có văn bản gửi địa phương cân đối số quà và số người nhận, hỗ trợ cùng đoàn cứu trợ. “Lâu nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân cứu trợ “tự phát” nhưng hầu hết đều thông báo rõ thành phần đoàn, các cá nhân đi cứu trợ… để địa phương tiếp nhận cứu trợ nắm được và hỗ trợ đoàn cũng như đảm bảo an toàn cho đoàn trong quá trình trao quà…”, ông Tuấn chia sẻ.