Nghệ An huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

(PLVN) - Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Nghệ An coi đối tác công - tư là phương thức cơ bản để huy động nguồn vốn xã hội đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng.
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của Nghệ An đã từng bước hoàn thiện, tương đối đồng bộ. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh đã tạo điều kiện, kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp và sự đóng góp công sức, kinh phí của nhân dân. Công tác quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngày càng thực hiện tốt, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Diện mạo mới

Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện,... tại Nghệ An được tập trung đầu tư xây dựng. Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An; đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương), đường Tây Nghệ An (giai đoạn 2), cầu Yên Xuân bắc qua sông Lam, 6 cầu vượt đường sắt trên địa bàn tỉnh, nâng cấp cảng hàng không Vinh giai đoạn 1, nạo vét luồng vào cảng Cửa Lò,...

Nhiều công trình thuỷ lợi được đầu tư¬ xây dựng, nâng cấp, tu bổ kịp thời. Đã triển khai các dự án thủy lợi trọng điểm như: Hồ chứa nước bản Mồng, cống Nam Đàn giai đoạn 1, hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. Tiếp tục vận động nguồn vốn để triển khai các dự án: cống ngăn mặn và giữ ngọt sông Lam, hệ thống thủy lợi sông Hoàng Mai, nâng cấp an toàn hồ chứa (vốn WB8).

Đến nay, toàn tỉnh có 1.163 hồ chứa, 427 đập dâng, 559 trạm bơm và trên 4.700 km kênh mương được kiên cố hóa. Tổng năng lực các công trình tưới cho lúa đạt 174.087 ha/năm. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số cảng cá, các cơ sở neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các huyện ven biển. Tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; kết hợp đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đối với sản xuất và đời sống người dân.

Hệ thống cung cấp nước sạch được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng; 17 công trình đầu mối cấp nước sạch đô thị đã được hoàn thành, nâng tổng công suất cấp nước thiết kế toàn tỉnh lên 120.000 m3/ngày đêm. Có 86,5% dân đô thị loại 4 trở lên và 75,9% dân đô thị loại 5 được sử dụng nước sạch. Hệ thống thu gom thoát nước và xử lý nước thải tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo; tổng công suất xử lý nước thải đạt 33.000 m3/ngày đêm. Hệ thống kênh mương thoát nước được quan tâm duy tu, nạo vét định kỳ, khắc phục một bước tình trạng ngập úng tại các đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 92,5%, trong đó xử lý đạt vệ sinh môi trường mới đạt 72,76%.  

TP Vinh hướng tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Hệ thống điện được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án thủy điện đã phát điện với tổng công suất là 855,5 MW. Đầu tư xây dựng hoàn thành một số công trình truyền tải điện, các trạm 110 KV phục vụ các nhà máy và trung tâm kinh tế (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghĩa Đàn,...); nâng công suất 2 trạm 220 KV và 4 trạm 110 KV; cải tạo lưới điện thành phố Vinh, Khu công nghiệp Nam Cấm. Lưới điện nông thôn được đầu tư cải tạo, nâng cấp; đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, số hộ dân dùng điện đạt 98,8%; công suất các trạm biến áp phân phối đạt 1,2 triệu KVA.

Hệ thống hạ tầng thông tin được quan tâm đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại và đang trở thành một trong những trung tâm thông tin truyền thông của cả nước, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; internet và sóng điện thoại di động đã phủ đến trung tâm các xã. Mạng lưới thông tin cơ sở được đầu tư, phát triển.

Hạ tầng thương mại, mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng phát triển và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, khu vực nông thôn, miền núi. Phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 405 chợ đang hoạt động (trong đó có: 01 chợ đầu mối nông sản, 07 chợ hạng 1, 18 chợ hạng 2, 232 chợ hạng 3); 48 siêu thị, gồm 25 siêu thị chuyên doanh và 23 siêu thị tổng hợp; 07 trung tâm thương mại.

Hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ nét, đặc biệt tại các đô thị lớn. Công tác chỉnh trang, phát triển, vệ sinh môi trường được quan tâm góp phần xây dựng hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại. Tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của những khu vực còn yếu kém của thành phố; di dời các bến xe ra khỏi nội thành, nội thị,... Các đô thị chính của tỉnh đã được lập quy hoạch tương đối hoàn chỉnh. Các điểm đô thị khác còn lại (chủ yếu là thị tứ) đang được tổ chức lập quy hoạch. Đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch biển hiện đại; xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho thị xã Thái Hòa và thị xã Hoàng Mai; quy hoạch mở rộng đô thị Phủ Diễn.

Làm thế nào sử dụng hiệu quả các nguồn lực?

Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Nghệ An coi đối tác công - tư là phương thức cơ bản để huy động nguồn vốn xã hội đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng. Nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư và xây dựng. Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các chương trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch đại lộ Vinh – Cửa Lò, một trong những công trình giao thông trọng điểm của Nghệ An

Đặc biệt, Nghệ An công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực; Chủ động thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, đấu giá đất để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng; Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; hoàn thành dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đường ven biển đoạn qua Nghệ An.

Bên cạnh đó, Nghệ An nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác ngân sách; Tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách; Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực và cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững; Tập trung khai thác nguồn thu từ các doanh nghiệp, các dự án đầu tư lớn, thu từ xuất nhập khẩu.

Trong quản lý đất đai, Nghệ An tăng cường thực hiện tốt chính sách quản lý đất đai và thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại các dự án đầu tư, triển khai đấu giá các khu đất thương mại tạo nguồn thu lớn cho tỉnh; Đẩy mạnh công tác thu nợ, triển khai quyết liệt các biện pháp cưỡng chế, không để tăng nợ, phát sinh nợ mới; thanh tra và kiểm tra chống thất thu thuế, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng thu (kể cả bổ sung từ ngân sách Trung ương) và bảo đảm nguồn trả nợ hàng năm. Cơ cấu lại ngân sách, từng bước giảm dần chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển.

Đọc thêm