Nghề cá ở Nghĩa Hải

Với địa thế gần biển lại được bao quanh bởi 2 sông Ninh Cơ và sông Đáy nên khai thác - đánh bắt thuỷ hải sản đã trở thành nghề truyền thống của người dân xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, phong trào nuôi  thuỷ, hải sản, tôm, cua, các loại cá nước ngọt truyền thống… cũng được người dân địa phương chú trọng phát triển.
Ngư dân Giao Thủy thu hoạch hải sản.
Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Với địa thế gần biển lại được bao quanh bởi 2 sông Ninh Cơ và sông Đáy nên khai thác - đánh bắt thuỷ hải sản đã trở thành nghề truyền thống của người dân xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, phong trào nuôi  thuỷ, hải sản, tôm, cua, các loại cá nước ngọt truyền thống… cũng được người dân địa phương chú trọng phát triển. Đến nay, toàn xã có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản 56,5 ha, 227 tàu thuyền các loại công suất từ 6-45 CV liên tục bám biển đánh bắt tôm cá; riêng thôn Ngọc Lâm có gần 100 phương tiện. Ước tính mỗi ngày các phương tiện đánh bắt, khai thác được gần chục tấn tôm cá các loại. Ngoài phát triển nghề đánh bắt cá, ở Nghĩa Hải đã hình thành trên 10 cơ sở sản xuất mắm tôm, nước mắm cung cấp cho thị trường. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất này tiêu thụ gần 1000 tấn nguyên liệu với tổng sản lượng gần 400 lít nước mắm cốt và hàng trăm tấn mắm tôm. Tiêu biểu là cơ sở sản xuất của các ông: Lại Văn Quang (xóm 7, thôn Ngọc Lâm), Trần Văn Thơ (xóm 1, thôn Ngọc Lâm)... Ông Quang cho biết: sản xuất nước mắm - mắm tôm là nghề gia truyền, gia đình ông là đời thứ tư. Tận dụng diện tích vườn khoảng 500 m2 ông xây trên 30 bể chượp để làm nước mắm, mắm tôm, mỗi năm tiêu thụ từ 45-50 tấn nguyên liệu. Năm 2007, được chính quyền các cấp ủng hộ và tạo điều kiện, ông Quang đã mạnh dạn nhận thầu gần 2,2 ha đất bãi ven sông Đáy và đầu tư kinh phí trên 300 triệu đồng để xây dựng khu sản xuất nước mắm, mắm tôm với quy mô trên 100 bể chượp, dung tích mỗi bể gần 2 tấn nguyên liệu. Cứ 1 tấn cá sản xuất được 200 lít nước mắm cốt, 1 tấn moi (tôm, tép) được từ 800 kg mắm tôm trở lên. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm cơ sở của ông tiêu thụ gần 300 tấn nguyên liệu để sản xuất ra hàng nghìn lít nước mắm, hàng nghìn kg mắm tôm. Do được đầu tư đồng bộ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh, chất lượng nên các sản phẩm nước mắm - mắm tôm Ngọc Lâm của cơ sở đã được thị trường ưa chuộng. Năm 2009, cơ sở của ông đã sản xuất được trên 10 nghìn lít nước mắm cốt và 200 tấn mắm tôm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương và trên 20 lao động thời vụ.

Để nghề cá phát triển bền vững, xã Nghĩa Hải còn chú trọng phát triển các mô hình nuôi thuỷ sản. Năm 2003, Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo nhân rộng mô hình chuyển đổi vùng trũng sang nuôi thủy hải sản với các chủng loại có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cua rèm và các loại cá nước ngọt truyền thống… UBND xã tổ chức họp, khuyến khích nông dân chủ động dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng trũng thành khu nuôi thủy sản. Hội Nông dân xã làm nòng cốt phối hợp với các HTX NN, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển nuôi thuỷ hải sản; mời các chuyên gia tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc thủy hải sản cho nông dân. Để tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia, xã đứng ra tín chấp để các hộ vay vốn  ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, phong trào nuôi thủy sản ở Nghĩa Hải đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả kinh tế. Toàn xã đã có trên 100 hộ tham gia nuôi thủy sản không chỉ tập trung ở vùng trũng mà còn tận dụng diện tích mặt nước ao đầm. Năm 2009, diện tích nuôi thủy sản của Nghĩa Hải đã được mở rộng lên gần 56,5 ha, trong đó có 52 ha vùng bãi triều và 4,5 ha chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả với trên 10 hộ nuôi thủy sản tập trung có diện tích lớn từ 2-3 ha trở lên. Bình quân sản lượng thủy sản ổn định từ 4-5 tấn/ha/năm, thu nhập thực tế từ 60 triệu đồng/năm trở lên; một số hộ có diện tích lớn đầu tư, luân canh những giống tôm, cua, cá… cho năng suất chất lượng cao đã đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như hộ các ông: Hoàng Văn Nam, Vũ Văn Lực ở đội 7 thôn Ngọc Lâm. Ngoài ra, còn có trên 10 hộ mạnh dạn đầu tư nuôi ngao, vạng… ở khu vực Cồn Xanh, đông Nam Điền với diện tích trên 20 ha, trong số đó, có hộ đã phát triển và có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. 

Kinh tế biển đã và đang khẳng định vai trò "mũi nhọn" trong cơ cấu kinh tế của xã Nghĩa Hải, giúp người dân làm giàu đúng hướng, vững chắc./.

Thành Trung

Đọc thêm