Nghề chăm sóc người cao tuổi

Buổi chiều muộn, tôi gặp chị Lê Thị Tám  ở Bệnh viện Quân y 17 khi chị chăm sóc một cụ bà 88 tuổi. Lẫn trong những người nuôi bệnh, khá dễ dàng để nhận ra chị bởi màu áo xanh đồng phục có logo “Nhân Ái” trước ngực. Lo chăm sóc cụ bà 24/24 giờ, chị Tám được nhận 2,7 triệu đồng/tháng, được gia đình bao cơm nước. So với mấy sào lúa ở quê, đây là mức thu nhập khá cao.

Buổi chiều muộn, tôi gặp chị Lê Thị Tám  ở Bệnh viện Quân y 17 khi chị chăm sóc một cụ bà 88 tuổi. Lẫn trong những người nuôi bệnh, khá dễ dàng để nhận ra chị bởi màu áo xanh đồng phục có logo “Nhân Ái” trước ngực. Lo chăm sóc cụ bà 24/24 giờ, chị Tám được nhận 2,7 triệu đồng/tháng, được gia đình bao cơm nước. So với mấy sào lúa ở quê, đây là mức thu nhập khá cao.

Mô tả ảnh.
Đến nay, bà Nghĩa (ngồi, áo đen) đã có thể yên tâm vì tìm được cô nhân viên điều dưỡng vừa ý.
Có tâm mới nuôi được nghề

Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó ban Thường trực Hội Người cao tuổi (NCT) thành phố cho biết, hiện Đà Nẵng có 756 chi hội và 2.278 tổ Hội NCT, thu hút trên 60 nghìn người tham gia, đạt tỷ lệ 83% trong tổng số NCT. Dịch vụ chăm sóc người già ốm đau, bệnh tật ra đời là rất đáng hoan nghênh, nhưng hạn chế là đối tượng chỉ tập trung vào những gia đình có điều kiện, vẫn còn hàng ngàn cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng dịch vụ này.
Cách đây gần 5 năm, từ quê Quế Sơn, Quảng Nam, chị Lê Thị Tám (58 tuổi) ra Đà Nẵng tìm việc để kiếm tiền nuôi cô con gái duy nhất đang học ĐH Quảng Nam. Qua sự giới thiệu của người quen, chị đến làm “người ở” cho một gia đình khá giả. Công việc chủ nhà giao cho chị là chăm sóc cụ ông trong gia đình đang ở tuổi “gần đất xa trời”. Từ đó, chị Tám cũng theo ông cụ vào, ra bệnh viện như cơm bữa, hơn cả người thân trong gia đình. Cũng từng ấy năm, chị Tám trải qua mấy lần đổi chủ, nhưng với ai, chị cũng hết lòng tận tụy vì một chữ tâm.

Công việc này đòi hỏi lòng trung thực, sự kiên nhẫn, tính chịu đựng và lòng yêu thương con người. Bởi, để chăm sóc những “khách hàng” ốm yếu, hầu như chị Tám phải lo tất cả, từ miếng ăn, giấc ngủ đến tắm rửa, tiểu tiện cho họ. Đến bữa, chị xuống căng-tin ăn cơm hộp, tối đến phải trải chiếu ngủ dưới nền đất lạnh. Chị bảo rằng, nếu không có chữ “tâm”, không được gia chủ cảm thông và giúp đỡ thì rất khó sống được với nghề.

Trên thực tế, đã có không ít nhân viên thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Nhân Ái phải nghỉ việc oan hoặc thay đổi công việc liên tục vì gặp phải “khách hàng” khó tính, hay những gia đình không coi trọng người làm. Một nữ nhân viên chia sẻ: “Có lần mình gặp một ông cụ bị đãng trí, mới bảo thế này lại chỉ thế kia làm mình không biết đâu mà thực hiện. Trong nhiều trường hợp, chủ nhà còn vào hùa với cụ để chỉ trích mình. Vì không thể chịu được áp lực, mình đã xin nghỉ để tìm địa chỉ khác”.

Không chỉ vì mưu sinh

Mô tả ảnh.
Nhiều gia đình neo đơn, không có điều kiện đã rất vất vả để thu xếp công việc chăm sóc người ốm tại nhà.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, không phải ai chọn nghề này cũng vì mục đích mưu sinh. Như trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiết và bà Nguyễn Thị Cúc (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) là một ví dụ. Dù đã hơn 60 tuổi, ông Thiết vẫn cùng vợ vào Đà Nẵng nhận việc chăm sóc người già. Từng là điều dưỡng viên, nên những việc mà các nhân viên khác chưa quen như vệ sinh cho người bệnh… đã rất quen thuộc với ông. Điều khó khăn nhất là ở tuổi trên “lục tuần”, sức khỏe không còn tốt nhưng không ít lần ông Thiết phải thức trắng đêm để trông chừng giấc ngủ cho “khách hàng”. “Được sống chết với nghề điều dưỡng, chăm sóc người bệnh là niềm vui, hạnh phúc khi tuổi đã xế chiều”, ông tâm sự.

Là nghề “làm dâu trăm họ” nên những gian nan, vất vả, lắm khi là cả nỗi oan ức khi chăm sóc người già là điều không tránh khỏi. Nhiều người đã xin nghỉ việc. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên may mắn được gia đình khách hàng yêu quý, như trường hợp chị Phạm Thị Yến Hương, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, chị đầu quân vào Công ty TNHH Dịch vụ Nhân Ái tháng 12 năm 2010. Khách hàng đầu tiên của chị là một cụ ông 90 tuổi. Lần đầu tiên đối mặt với những khó khăn trong thực tế công việc khiến chị không khỏi ngượng ngùng, xấu hổ. Nhưng cũng may cho Hương, chị được gia đình khách hàng giúp đỡ, xem như con cháu trong nhà, giúp Hương có được tâm lý thoải mái nhất để làm việc. Với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng, Hương đã có thể lo cho cuộc sống giản dị của mình, thỉnh thoảng gửi về quê phụ má nuôi em. Hương bộc bạch: “Sống xa gia đình, được chăm sóc những người lớn tuổi, tôi có cảm giác như mình đang chăm sóc cho ông, bà ở quê. Điều đó khiến tôi yêu quý công việc mình đang làm”.

Mô tả ảnh.
Vẫn còn nhiều người già có hoàn cảnh khó khăn chưa thể tiếp cận với dịch vụ "chăm sóc người cao tuổi, bệnh tật".
Thiếu hụt nguồn cung

Công ty TNHH Dịch vụ Nhân Ái-địa chỉ duy nhất tại Đà Nẵng cung cấp nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp- chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2008. Ngoài công ty chính tại TP. Hồ Chí Minh, công ty còn có các chi nhánh tại Đà Nẵng, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận).
Thời gian gần đây, nhiều gia đình có điều kiện tại Đà Nẵng đỏ mắt tìm kiếm dịch vụ chăm sóc người già. Như gia đình bà Đặng Thị Nghĩa ở địa chỉ 66 Nguyễn Trãi, phường Hải Châu 2, có cha là ông Đặng Bồi năm nay đã 90 tuổi, sức khỏe ốm yếu nên phải thường xuyên vào, ra bệnh viện. Gia đình neo người, lại làm nghề kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng nên mỗi lần cha ốm, bà Nghĩa phải bỏ tất cả công việc để vào viện chăm ông. Có lần, tìm được người giúp việc, nhưng chưa đầy một tuần sau, cô “ô-sin” đã bỏ nhà đi cùng với một số tài sản có giá trị.

Mới đây, gặp lại bà Nghĩa khi bà đang chăm sóc cha tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ, bà khoe: “Gia đình tôi vừa tìm được cô bé vừa hiền lại ngoan ngoãn, là điều dưỡng viên”. Cô bé đó tên Nguyễn Thị Mỹ Phụ (1989), quê Điện Bàn, Quảng Nam. Phụ chia sẻ, cùng với những kiến thức được học ở trường, em xem những người mình nhận nhiệm vụ chăm sóc như ông, bà của mình. Có như thế, Phụ mới có đủ tình yêu thương lẫn sự kiên nhẫn để theo đuổi công việc
mà mình lựa chọn.

Đà Nẵng hiện rất thiếu dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt là ở các bệnh viện, các bác sĩ ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, còn kiêm luôn công việc giới thiệu người chăm sóc cho bệnh nhân. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, Công ty TNHH Dịch vụ Nhân Ái, Chi nhánh Đà Nẵng đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2008 nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Đây là công ty đầu tiên tại Đà Nẵng cung cấp dịch vụ này.

Sau 16 đợt huấn luyện (mỗi đợt 10 ngày), công ty đã đào tạo khoảng 200 nhân viên chuyên nghiệp nhận nhiệm vụ chăm sóc người cao tuổi, bệnh tật. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, đào thải, hiện chỉ còn khoảng 100 người xem đây là một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình.

Anh Phùng Thế Luân (1984), Giám đốc Chi nhánh tại Đà Nẵng cho biết, phần lớn khách hàng là những gia đình khá giả, không có điều kiện, thời gian chăm sóc ông bà, bố mẹ. Họ cần những người có kinh nghiệm, địa chỉ rõ ràng để toàn tâm, toàn ý giao phó công việc. Hiện, công ty có khoảng 30% nhân viên là điều dưỡng, có độ tuổi từ 20-30, còn lại là lao động phổ thông có tuổi từ 30-50 với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 1,8 triệu đến 3 triệu đồng. Khoảng 10 ngày, công ty lại có một đợt tuyển dụng mới. Tuy nhiên, với yêu cầu “tâm, tình, tính, tụy”, việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn vì không phải ai cũng thích hợp để làm công việc này, dù họ được đóng bảo hiểm đầy đủ và không phải chi trả một khoản chi phí đào tạo nào.

Ít ai biết rằng, gia đình anh Luân cũng từng trải qua một khoảng thời gian vất vả khi chăm sóc bà nội ở tuổi 78, bị ung thư dạ dày. Những khó khăn, trải nghiệm này đã giúp Luân, một người tốt nghiệp khoa Đồ họa vi tính, ĐH Duy Tân quyết định đầu tư và mở rộng dịch vụ cung cấp nhân viên chuyên nghiệp ở lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi tại Đà Nẵng. 

Vẫn còn nhiều người cho rằng nghề chăm sóc người già chẳng khác gì “ô-sin”, người giúp việc. Tuy nhiên, đằng sau công việc này, ở mỗi người đều có một điểm chung, đó là tình yêu thương, lòng tận tụy, xem khách hàng lớn tuổi như cha, mẹ, người thân để có thể chăm sóc một cách tốt nhất. Và, dù công việc khá vất vả, họ luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm được việc tốt cho đời.

Phóng sự của TIỂU YẾN

Đọc thêm