Nghề công tác xã hội: Sớm xây dựng khung pháp lý

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), cả nước có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ cấp, trợ giúp từ Nhà nước hàng tháng.

Thiếu cán bộ xã hội chuyên nghiệp
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), cả nước có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ cấp, trợ giúp từ Nhà nước hàng tháng. Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội nảy sinh, bức xúc như tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ, vấn đề phát sinh trong nhóm gia đình tại các đô thị, làng quê chịu ảnh hưởng trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa… cần có sự trợ giúp từ những người làm công tác xã hội (CTXH).
Trong khi có hàng chục triệu người cần sự hỗ trợ thì cả nước chỉ có gần 20.000 nhân viên làm CTXH bán chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng cần thiết, do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội  hạn chế... Tại hội thảo được tổ chức tại Đồ Sơn về nghề CTXH, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc khẳng định: CTXH là hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới từ gần thế kỷ nay. Hiệu quả của hoạt động này  thể hiện rõ qua việc huy động nguồn lực, tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng vào giải quyết các vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tải ngân sách Nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội.
Có mã ngành nhưng chưa có chức danh

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố tư vấn cho chị em về hôn nhân gia đình và đi lao động nước ngoài                                        Ảnh: Hải Đông

Việc giảng dạy và đào tạo chuyên ngành CTXH được Bộ Giáo dục-Đào tạo phê duyệt từ năm 2004, trong đó có khoảng 2.000 người đã được đào tạo bài bản tại 40 trường cao đẳng, đại học trên cả nước nhưng chưa đáp ứng  nhu cầu xã hội. Nguyên nhân khiến số nhân viên được đào tạo bài bản, chính quy ít và chưa thu hút nhiều người theo học là do chưa có văn bản pháp quy về nghề CTXH. Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF cho rằng việc chuyên môn hóa CTXH rất quan trọng, giúp giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp ở nước ta hiện nay. Nhưng quan trọng và cấp thiết hơn là cần sớm xây dựng và hình thành khung pháp lý nghề CTXH để hoạt động CTXH trở thành chuyên nghiệp. Theo UNICEF, để đạt được tỷ lệ 1 cán bộ CTXH chuyên nghiệp/10.000 người dân, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 8.500 người và 25.000 cán bộ CTXH bán chuyên nghiệp.

Mặc dù đã có mã ngành nhưng chưa có chức danh, ngạch, bậc lương nhiều cán bộ xã hội không mặn mà với công việc hiện tại. Thực tế, nhiều người đã bỏ các trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc người có HIV/AIDS, người già cô đơn  chuyển sang các cơ sở y tế để có được một mức thu nhập nằm trong hệ thống ngạch bậc, thang bảng lương.

Gỡ nút
Giải quyết vấn đề thiếu cán bộ CTXH chuyên nghiệp, Thủ tướng vừa phê duyệt đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (có hiệu lực từ ngày 10-5-2010) nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu chất lượng góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 2400 tỷ đồng.
Đề án được chia 2 giai đoạn, 2010-2015 và 2016-2020. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10% đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong cả nước. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 - 2 cán bộ, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Từ nay đến năm 2015, tiến hành xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH, áp dụng ngạch, bậc lương đối với ngạch viên chức.
Giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên CTXH theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và theo nhóm đối tượng; phát triển đội ngũ cán bộ viên chức CTXH ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%; hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố…Đề án này cũng đặt ra mục tiêu tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH.
                                                                                                                                                    Thanh Thủy

Đọc thêm