Bà Bình và cháu gái |
Ở nước ta, có lác đác vài cơ sở “tẩm quất giác hơi” của người mù. Không ít người dân tỏ ý nghi ngờ về những biển hiệu mang tên “tẩm quất giác hơi”. Họ nghĩ rằng đằng sau tấm biển đó là những tệ nạn xã hội. Có một người phụ nữ mù do chất độc da cam đã vượt qua mặc cảm, mọi nghi ngờ để làm nên cuộc sống mới từ nghề.
Buông cây súng, đời tôi đầy nước mắt.
Bà Lê Bình, Phó Chủ tịch Hội người mù thị xã Phủ Lý, sinh năm 1955, tham gia binh đoàn 559, sư 473 công binh từ năm 1973 đến 1975, cầm súng chiến đấu trong chiến trường từ Khe Sanh đến A Sầu, A Lưới... chẳng may bị nhiễm chất độc da cam. Bà nói lại rằng ngày đó chất độc da cam rơi ướt cả đầu. Sau năm 1977 bà phục viên và làm công tác đoàn ở địa phương, lấy chồng sinh được 1 con thì cháu mất vì chẳng thành hình người hoàn thiện, sức quá yếu.
Không còn chồng, mắt mù, bị đuổi ra một gian nhà nhỏ không đồ đạc. Bà Bình gần như hoàn toàn suy sụp, dắt con đi nhặt bã mía về đun, cả ngày tha thẩn đầu đường xó chợ. Vì đau đớn về tinh thần nên bà có những biểu hiện của một người điên. Mọi người cũng đã coi bà như một người điên thực sự, thi thoảng có người đi qua lại ném cho người mẹ điên một cái gì đó ăn được để nuôi con. Thế rồi chẳng cần đến thuốc thang, bệnh điên tự khỏi. Con trai của bà đã lên 5 tuổi, nằm nghĩ lại rằng phải sống khác, tự tìm cuộc sống cho mình.
Nhớ lại những ngày gian khổ đó, bà Bình xúc động: “Tôi từng nghĩ đến cái chết, rất tiêu cực, rất hận đời. Một số người bạn tôi đi buôn ở Lạng Sơn thấy mẹ con tôi lang thang, bảo tôi lên Lạng Sơn họ xin việc cho. Người khác doạ lên đó sẽ bị đem đi bán. Tôi không đi nữa. Kỳ thực, tôi thấy mình sống không phải cuộc sống của con người. Cả ngày mẹ con được 1 bữa. Có lúc, thấy nhà hàng xóm nấu ăn có mùi thơm bốc lên, tôi biết họ chuẩn bị ăn cơm, liền đầy con vào gầm giường chơi để nó khỏi thèm ăn. Có ai khổ như tôi ngày đó, buông cây súng, tưởng mình sẽ khác vì đất nước hết chiến tranh, nào ngờ đầy nước mắt”
Lối thoái và cuộc sống khác của bà Bình là bán bánh mỳ và nước ở ngoài bến tàu bến xe. Cậu con trai dẫn đường cho mẹ trên các chuyến tàu Nam - Bắc, ngoài bến của thị xã. Cuộc sống lang thang, đói khổ đó đỡ vất vả hơn khi nhà nước cấp tiền trợ cấp cho bệnh binh. Nhưng số tiền đó chỉ đủ đong gạo. Bà Bình gia nhập Hội người mù thị xã Phủ Lý, bắt đầu có một cuộc sống khá hơn. Những đau đớn, khổ ải của quãng thời gian qua cho bà hiểu về sự sẻ chia đối với những người có số kiếp bất hạnh. Bà vẫn thấy mình sung sướng hơn nhiều người khác.
Nhiều người đã mù loà còn không có con, không biết người thân mình là ai. Từ năm 2000, bà được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội người mù thị xã Phủ lý, và đương nhiệm cho đến nay. Năm 2002, các cấp các ngành, hàng xóm láng giềng và Hội giúp bà xây dựng ngôi nhà khá khang trang trên nền đất của căn phòng dột nát. Ngôi nhà đó giờ vừa là chỗ ở của gia đình bà, vừa là trụ sở tẩm quất giác hơi, bà mở ra để giúp những người mù khác có công ăn việc làm.
Tôi luôn trăn trở về cuộc sống của anh em Hội |
Bàn tay nhân ái đưa ra với đời
Giờ bà đã có cháu nội, đứa cháu kháu khỉnh xinh xắn làm vui cho cả nhà. Con trai và con dâu bà đều làm đầu bếp cho một nhà hàng lớn ở thị xã Phủ Lý. Công việc của bà giờ bận rộn nhiều với cương vị của một người làm từ thiện. Cuộc sống có Hội, có anh em bè bạn, có thu nhập từ chính đôi bàn tay của mình. Trụ sở của Hội, các bà tổ chức cho anh bà em làm tăm, chổi để bán. Số tiền đó thêm thắt vào tiền trợ cấp sẽ ổn định hơn. Bà lại đi học tẩm quất ở Trung ương Hội Người mù, về dạy cho anh em trong Hội và mở một trụ sở.
Ngoài ra bà còn mở tại nhà mình để anh Nguyễn Đức Vình (xã Tiên Ngoại, Châu Giang, Hà Nam) và chị Phạm Thị Hà làm việc. Bà khoe: “Nhà này đông khách lắm, khách thường là những cán bộ của thị xã. Họ đến sau những giờ làm vịêc căng thẳng, để ủng hộ chúng tôi. Mỗi tiếng tôi lấy 30 ngàn, nhưng có người trả đến 50 ngàn. Nhiều khi hai cô cậu của chúng tôi phải “chạy sô”, đến tận nhà tẩm quất cho một số ông bà già yếu là khách quen”.
Anh Vình, chị Hà là những người cũng được giúp đỡ tận tình. Cả hai người đều có gia đình riêng, có con. Nhờ công việc tẩm quất mà họ có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Anh Vình coi bà như một người mẹ, nhờ có người mẹ nhân từ ấy mà anh đã nuôi được vợ được con, phần lợi từ làm ruộng vợ chồng anh để ra làm của tích lũy.
Bà Lê Bình đang có hướng cho Hội viên đi học nghề. Ai muốn học tẩm quất, nghề mây tre đan thì tuỳ. Hội viên còn nhiều người khó khăn, cần được giúp đỡ. Để cải thiện cuộc sống cho họ bằng chính đôi bàn tay lao động luôn là trăn trở của bà. Đoạn đường phía trước còn nhiều vất vả, khó khăn. Năm 2007 bà Bình vinh dự được Trung ương Hội Người mù tặng bằng khen. Nhưng với bà, phần thưởng cao quý nhất chính là nụ cười và hạnh phúc của những người bất hạnh, cô đơn.
Những ngày này, sau khi xong việc ở trụ sở Hội trở về nhà, nếu đông khách, bà Bình lại xắn tay vào việc tẩm quất cho khách, giúp cho khách thư giãn, nói chuyện tếu táo vui vẻ. Cho nên, cơ sở của bà thường xuyên có tiếng cười.
Phú Tây