Nghề gia truyền

Nghề làm thuốc là nghề giữ tính mạng con người, nếu kiến thức không trọn vẹn, đức hạnh không đầy đủ, hành vi không thận trọng, tham lợi cầu danh thì khó mà theo nghề này được. Lương y Trần Đình Niên đã “gói” cái nghề mà mình gắn bó hơn 30 năm qua trong ngần ấy chữ.

Nghề làm thuốc là nghề giữ tính mạng con người, nếu kiến thức không trọn vẹn, đức hạnh không đầy đủ, hành vi không thận trọng, tham lợi cầu danh thì khó mà theo nghề này được. Lương y Trần Đình Niên đã “gói” cái nghề mà mình gắn bó hơn 30 năm qua trong ngần ấy chữ.

“Mua bao tải, bán cân tiểu ly”

Mô tả ảnh.
Lương y Trần Hữu Nam đang bốc thuốc cho bệnh nhân.

Đã một thời thuốc Đông y là nghề chính thống của nước ta. Cùng với sự phát triển của khoa học, Tây y đang dần thay thế. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đông y vẫn có vai trò nhất định trong đời sống con người.
Lương y Trần Hữu Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố Đà Nẵng, một trong 24 lương y giỏi nhất trên toàn quốc cho biết, trước đây nhiều người tìm đến với thuốc Đông y nhưng hiện nay, do thuốc phải nhập từ Trung Quốc, giá thành cao nên người bệnh thường tìm đến bảo hiểm y tế tại các bệnh viện để được điều trị. Bên cạnh đó, các loại thuốc Tây gọn, dễ sử dụng, đem lại hiệu quả nhanh chóng nên các phòng khám Đông y dần thưa khách. Để duy trì được phòng mạch, các thầy thuốc phải dựa vào các mối quen hoặc bạn bè để có được nguồn thuốc ổn định, một số phòng mạch khác thì chuyển dần sang thuốc Nam để giảm giá thành, đồng thời cũng tận dụng được những cây dược liệu quý quanh mình.

Bà Trịnh Thị Mơ, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay Hội có 526 hội viên sinh hoạt thường xuyên tại các quận, huyện. Do kinh phí hạn chế nên các chi hội cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc đặt văn phòng tại các xã, phường. Hội viên không bỏ nghề nhưng trước cái khó chung của nghề, chưa biết sau này sẽ thế nào.

Người ta thường nói vui Đông y là nghề “mua bao tải, bán cân tiểu ly” một phần cũng là để nhắc nhở những người làm nghề phải biết thận trọng trong việc kê đơn, bốc thuốc. Đã là người thầy phải biết bào chế các loại thuốc. Đây là công đoạn khó và đòi hỏi sự kiên trì của người làm nghề. Có như vậy mới tạo ra được những thang thuốc hiệu quả cho người bệnh. Lương y Trần Hữu Nam chia sẻ thêm về nghề.

Cha truyền con nối

Mô tả ảnh.
Lương y Trần Đình Niên bên những cây thuốc quý.

Lương y Trần Đình Niên (63 tuổi), hội viên Hội Đông y thành phố Đà Nẵng thường xuyên đi đến các tỉnh, thành để tìm cây thuốc quý, đưa về khu vườn thuốc Nam của gia đình. Được sự khuyến khích của Sở Y tế và Hội Đông y thành phố, hiện nay vườn thuốc của ông đã lên tới 120 loại cây với nhiều loại cây quý hiếm. Ngoài ra, ông còn có hơn 400 đầu sách phục vụ cho việc sưu tầm, nghiên cứu, bào chế các bài thuốc dân gian. Ông tâm sự “trồng vườn thuốc nam, hay sưu tầm các đầu sách hay, sách quý cũng là muốn để lại cho con cháu sau này”.

Ông luôn cho rằng người thầy thuốc Đông y cần có cái tâm và chuyên môn chuyên sâu. Nhiều người làm nghề bây giờ thường chú trọng vào cơ sở lý luận Tây y nhiều hơn cơ sở Y học cổ truyền. Mỗi lần bốc thuốc cho bệnh nhân, ông thường tự tay bào chế. Vườn thuốc Nam cũng giúp ông có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn những bài thuốc từ kinh nghiệm của người xưa để lại.

Gia đình ông có 7 người con, trong đó có 4 người chọn theo nghề của cha. Với ông, gia truyền là quý, nhưng như thế thôi chưa đủ, bởi nghề thuốc là nghề giữ tính mạng con người, nếu kiến thức không trọn vẹn, đức hạnh không đầy đủ, hành vi không thận trọng, tham lợi cầu danh thì không thể theo nghề này được.

Với các con, ông luôn dành cho họ những lời khuyên quý báu. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên động viên họ muốn là người thầy giỏi, trước hết phải có kiến thức cơ bản học được từ các trường lớp, cộng với những kinh nghiệm quý báu tích lũy từ gia đình, cuộc sống. Có lẽ nhờ đó mà các con ông khi ra nghề đều có chuyên môn tốt. Riêng anh con trai út hiện vẫn đang là sinh viên năm thứ 6 Trường Đại học Trung y Trung Quốc. Tuy nhiên những thời gian nghỉ hè hay nghỉ đông anh đều về nhà phụ giúp cha trong việc bào chế thuốc.

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông biết rằng hiện nay có rất nhiều bài thuốc hay của dân gian chưa được lưu hành rộng rãi, do vậy thường mới chỉ làm theo kinh nghiệm gia truyền nên ông rất mong những thế hệ kế tục sẽ nắm bắt được kiến thức chuyên sâu của Đông y, áp dụng được những kinh nghiệm quý báu đó vào trong đời sống thường ngày.

Có 3 người con theo nghề, lương y Trần Hữu Nam mừng vì nghề truyền thống của gia đình được các con đón nhận, nhưng ông vẫn không thôi lo lắng, một ngày nào đó Đông y sẽ bị mai một. Bởi nhiều người học nghề thuốc xong nhưng không hành nghề bốc thuốc, khám chữa bệnh mà chuyển sang kinh doanh rượu thuốc hoặc các dịch vụ về thuốc khác.

Bà Trịnh Thị Mơ cho biết “Con cái kế nghiệp cha mẹ là điều đáng mừng. Nhưng thực tế không phải nhà nào cha cũng truyền hết được cái tinh hoa cho con, cháu và không phải người con nào cũng lĩnh hội hết được cái giỏi của người thầy. Vẫn có gia đình 3 đời làm thuốc nhưng đến thế hệ thứ 4, nghề gia truyền không còn nữa. Vì vậy, thế hệ bây giờ cần được học bài bản, không chỉ riêng những kinh nghiệm từ cha truyền con nối”.

Là cái nghề luôn hướng đến việc cứu người khỏi bệnh, nhưng những người thầy thuốc cũng chỉ mong thong dong mà ngâm hai câu thơ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:

“Chỉ muốn người đời không có bệnh
Ngâm thơ uống rượu được thanh nhàn”.

Thu Hà

Đọc thêm