Khổ vì thuê “ô sin”
Chị Nguyễn Thanh Vân, 26 tuổi, nhà ở 42/261 phố Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) than thở: “Tôi phải nghỉ làm để ở nhà trông con vì quá mệt mỏi với những người giúp việc”. Chị thuê người giúp việc chăm sóc con gái 10 tháng tuổi để có thể yên tâm đi làm. Người giúp việc thứ nhất, trông con chị được 1 ngày thì xin nghỉ. Lý do bà giúp việc nói với chị “con chị nghịch quá, bế nặng lắm, tôi không trông được. Chị cho tôi xin tiền ngày công”. Lần thứ hai, chị Vân thuê người giúp việc qua trung tâm tư vấn. Thời gian làm việc thỏa thuận từ 9 giờ đến 18 giờ. Nhưng cũng chỉ gần một tháng, người giúp việc xin nghỉ, vì ở quê có việc bận. Ngoài số tiền thanh toán ngày công cho người giúp việc, chị Vân phải trả lệ phí 500.000 đồng cho trung tâm tư vấn.
|
Các học viên được đào tạo tại công ty CPTM Quốc Tế Perfect Việt |
Tiền công của người giúp việc mỗi tháng 2,5 triệu đồng, thêm bữa ăn trưa. Gần nhà tôi có một chị cũng thuê “ô sin” trông cậu con trai 2 tuổi. “Ô sin” ngủ đến 15 giờ, khi bị chủ gọi dậy còn sẵng giọng: “Tại con cô nghịch nhiều, cháu mệt, phải ngủ bù chứ!”, chị Vân kể như để trút nỗi bực dọc.
Nhiều gia đình ở thành phố khó khăn khi tìm thuê người giúp việc. Bà Phạm Thị Nga, số nhà 21, khu nhà thờ Nam Pháp kể: “Tôi có mấy đứa cháu nội, ngoại, không trông xuể, nên cô út phải thuê người giúp việc. Khi cháu đi vệ sinh, cô giúp việc nhất định không chịu rửa ráy cho cháu. Cô ấy bảo chỉ đưa cháu đi học, đón cháu về, cho cháu ăn thôi, chứ không phải làm những việc khác!”.
Giúp việc là một nghề cần được đào tạo
Hiện nay, mức thu nhập của người giúp việc ở Hải Phòng tương đương với Hà Nội, thường từ 2 đến 3 triệu đồng một tháng, khá cao so với các địa phương khác ở phía Bắc. Có hai hình thức người giúp việc lựa chọn: làm việc theo giờ hoặc ở lại với nhà chủ. Chỉ những người ngoại tỉnh mới chọn hình thức thứ hai.
Nhưng với mức thu nhập như thế, đội ngũ người giúp việc ở Hải Phòng lại chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Theo bà Hoàng Thị Dung, Giám đốc Công ty TDC, chuyên cung cấp đội ngũ người giúp việc ở Hà Nội cho biết: “Người giúp việc phần đông ở quê ra. Trước khi giới thiệu họ đến làm việc tại gia đình khác, phải có thời gian đào tạo để họ quen kỷ luật, quen tâm lý và coi đây là một nghề nghiêm túc. Nhưng hiện ở Hải Phòng, hầu như chất lượng người giúp việc của các trung tâm giới thiệu việc làm chưa bảo đảm yêu cầu”. Anh Đàm Anh Tuấn, nhà số 137 Hạ Lý (quận Hồng Bàng), phàn nàn: “Trung tâm nào cũng đòi tiền đặt cọc, nhưng người giúp việc về nhà mình được vài ngày, sinh chuyện, yêu cầu họ đổi người, nhưng người mới cũng không hơn người cũ, làm mấy ngày cũng nghỉ việc. Trung tâm coi như hết trách nhiệm, nhà chủ chịu mất tiền”.
Bà Phạm Thị Nguyên, ở xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) ra phố làm người giúp việc gia đình, cho biết: “Tôi có thể làm cho chủ những ngày nông nhàn thôi. Còn ngày mùa tôi phải về quê lo việc cày cấy, thu hoạch 2 vụ lúa, một vụ thuốc lào”. Trong khi nhiều người cần thuê người giúp việc với điều kiện biết làm việc và gắn bó lâu dài với họ.
Thực tế hiện nay, nghề giúp việc ở thành phố vẫn mang tính tự phát, lao động làm việc theo mùa vụ, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản, với mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Và thật thiệt thòi cho những người, nhất là những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ hay bố mẹ già ở nhà, dù có người giúp việc vẫn không yên tâm khi vắng nhà. Bà Vũ Thị Minh Thu, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường trung cấp Nghiệp vụ và Công nghệ Hải Phòng, trụ sở tại số 15/492 Thiên Lôi (quận Lê Chân) cho rằng: “Giúp việc gia đình là một công việc lao động chính đáng, người lao động bỏ công sức để kiếm thu nhập. Chúng ta cần phải coi giúp việc là một nghề nghiêm túc, cần quan tâm đào tạo về kỹ năng và kiến thức cho người lao động, như vậy mới có thể cung ứng nguồn lao động cho thị trường”.
Minh Tuấn