Thầy bói - chuyên gia tâm lý
Có một số câu hỏi được đặt ra rằng, người Nhật Bản có mê tín không? Hay Nhật Bản – một đất nước có nền khoa học phát triển tầm cỡ thế giới mà vẫn còn tin vào bói toán hay bùa sao? Câu trả lời được đưa ra rằng, người Nhật tiêu 1,2 tỷ yen (252 tỷ đồng) mỗi năm cho bói toán, và con số này không ngừng tăng lên khi nền kinh tế đi xuống.
Ngoài ra, trên 90% người Nhật đã từng mang bùa cho mình. Các chùa, đền thờ ở Nhật Bản rất giàu vì bán được rất nhiều loại bùa này. Những lá bùa này thật sự đẹp, bắt mắt, phong phú…
Theo Yuriko Kiwa, một thầy bói có tiếng ở Harajuku, Tokyo, sở dĩ người Nhật thường tìm đến thầy bói thay vì bệnh viện hay phòng khám để xin tư vấn vì định kiến về bệnh thần kinh trong xã hội Nhật Bản. Thông tin đại chúng về bệnh thần kinh không nhiều, và những nghiên cứu được công bố về sự lo lắng, trầm cảm cũng không nhiều, khiến mọi người lẫn lộn giữa các loại tư vấn tâm lý.
Kết quả là, ngày càng nhiều người tìm đến thầy bói. Cũng theo thầy bói Kiwa, bói toán là công cụ để tìm hiểu cuộc sống và tìm ra con người đích thực của mình, một số người xem việc bói toán như là trò giải trí, nhưng đa phần muốn chia sẻ về vấn đề trong cuộc sống.
Theo Kazunori Kawai, Tổng biên tập của Tạp chí Koiunreki - một trong ba cuốn tạp chí dành riêng cho bói toán tại Nhật Bản- cho biết, lý do một phần là vì văn hóa Nhật chấp nhận khá nhiều tôn giáo khác nhau. Đồng thời, khái niệm về “thần thánh” của người Nhật cũng góp phần giúp nghề bói toán trở nên phát đạt hơn ở Nhật.
“Hầu hết mọi người dù không theo bất kỳ tôn giáo nào, cũng dễ dàng chấp nhận về sự hiện diện của một vị thánh thần nào đó đang dõi theo và quyết định vận mệnh của mỗi chúng ta”, ông Kawai cho biết.
Hay theo một bài báo trên Asahi Shimbun, ngày càng nhiều nam giới từ 30-49 tìm đến thầy bói, họ nói chủ yếu về công việc, sự lo lắng về bị sa thải, và các vấn đề quản lý khác. Điều này có thể lý giải bởi khủng hoảng kinh tế khiến nhiều công ty phải sa thải nhân viên, nhân viên còn lại phải làm việc nhiều hơn, làm thêm nhiều hơn nên dễ bị stress, và kết quả là ngày càng nhiều nhân viên bị bệnh thần kinh, trầm cảm.
Mặc dù có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước, nhưng bói toán một cách quy củ bắt đầu xuất hiện kể từ thời kỳ Edo (1603 - 1867), khi Tokyo trở thành thủ đô của Nhật Bản dưới sự thống trị của Tokugawa Shogun. Vài thế kỷ sau, sự mê hoặc của bói toán vẫn tiếp tục, và qua thời gian các hình thức bói toán của người Nhật ngày càng đa dạng.
Từ bói toán dựa trên thuật hoàng đạo của phương Tây cho đến thuật phong thuỷ của Trung Quốc. Từ omikuji truyền thống (hình thức rút quẻ ở đền mỗi dịp đầu năm mới tại Nhật Bản) cho đến cung hoàng đạo, chiêm tinh... nhìn chung xã hội Nhật Bản cực kỳ xem trọng cái gọi là “vận mệnh”.
Nghề kiếm bộn tiền
Theo Misono, một thầy bói làm việc tại Tarim, một địa điểm bói toán nổi tiếng trên phố Takeshita ở Harajuku Tokyo, cô lấy 5.000 yen (tương đương 1 triệu đồng) cho 30 phút bói. Cô chỉ xem cho 8 người một ngày và chỉ làm việc 3 ngày trong tuần. Công việc không có bảo hiểm, và phần lớn thu nhập được nộp về cho người quản lý.
Tuy nhiên cô cho biết thu nhập từ nghề này thừa đủ để lo cho 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Đồi với các thầy bói nổi tiếng khác, “thù lao nhận được” sẽ cao hơn nhiều, và mức kỷ lục được biết là 30.000 yen (khoảng 6.3 triệu đồng) cho một lần xem bói.
Cũng như Misono, bà Hinoko đã ngoài 60 tuổi cũng rất nổi tiếng trong giới hành nghề bói toán. Không khí huyền bí bao quanh bà với chiếc khăn lụa màu da trời, cặp kính tròn to và thỉnh thoảng bà lại giở sách xem cắt nghĩa các biểu tượng.
Người ta nói bà là thày bói lâu nhất ở Ginza. “Có những ngày được gọi là ngày của tiền bạc, vì thế tôi có rất nhiều khách hàng trả 3.000 yen cho mỗi lần xem, giá này vẫn là một khoản phải chăng”, bà cho biết.
Hình minh họa |
Ông Hiroshi Takeshita - một thầy bói khác ở Yokohama cũng lấy 5.000 yen mỗi khách, nhưng khác ở chỗ đó là cơ sở xem bói do anh tự mở, nên không phải cắt lại chi phí cho bất kỳ ai. Là một thầy bói có tiếng, mỗi ngày ông Takeshita xem cho 10 người, luôn luôn kín khách và ai muốn xem đều phải đặt lịch trước cả tháng.
Terutsugu Eguma, cũng là một thày bói ngồi ở khu Ginza trung tâm Tokyo từ 8 năm nay, cho biết: “Người Nhật thích biết về tương lai của họ. Trước đây tôi là nha sĩ, nhưng giờ tôi đã nghỉ hưu”. Ông già 78 tuổi này học về thuật bói toán qua sách vở và một số lớp học đặc biệt.
Ông Eguma cho biết, khách hàng thường hỏi về chuyện hôn nhân và sự nghiệp. Tới 98% khách hàng của Eguma là các thiếu nữ băn khoăn về tình yêu. Họ đến khá thường xuyên trong khoảng 3 tháng hoặc trong thời gian mà mối tình đó kéo dài. Khách hàng trung thành nhất của ông Eguma là một phụ nữ đã “theo” ông suốt 6 năm qua.
Việc bói toán và mê tín này không chỉ được áp dụng cho những người Nhật với nhau, mà kể cả những người nước ngoài sang Nhật sinh sống, học tập và làm việc cũng thường hay được hỏi về nhóm máu, chòm sao…khi đi xin việc, tìm nhà thuê và đặc biệt là trước khi kết hôn.
Khu phố Shinjuko Tokyo là con phố tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống. Nơi đây có một thầy bói nổi tiếng lâu đời, được gọi là “Má Harajuku”. Bà hành nghề từ năm 1958 cho đến tận bây giờ và bà đã tiên đoán vận mệnh cho hơn 3 triệu lượt người, trong đó có rất nhiều người thuộc giới showbiz Nhật Bản đã tìm đến chỗ bà.
Thậm chí giờ đây nếu muốn xem bói, người ta phải đặt lịch trước và danh sách chờ đợi dài đến mức người ta không thể biết được đến khi nào mới tới lượt mình.
Cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng thầy coi bói ở Nhật Bản. Ở nước này, bất kỳ ai cũng có thể trở thành thầy bói, bởi nghề này được xem là một nghề hợp pháp và không cần giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, một thầy bói chuyên nghiệp, buộc phải làm chủ được 3 phương pháp sau.
Đầu tiên là “meisen” - phương pháp bói toán dựa trên ngày tháng sinh nhật, với các biến thể của chiêm tinh học của cả phương Đông lẫn phương Tây. Tiếp theo là “bokusen” - hình thức bói bằng vật thể, như bài tarot, bói cầu pha lê, thậm chí là kinh dịch. Cuối cùng là “sousen” - còn gọi là bói tướng số, dựa trên tướng mạo, ngoại hình của đối tượng. Có thể là bói chỉ tay, giải mộng…
Ngoài trực tiếp gặp thầy để coi bói, ngày nay dịch vụ coi bói qua điện thoại cũng diễn ra phổ biến. Ở Tokyo, với mức giá từ 5.000- 8.000 yen, người ta có thể coi bói trong vòng 20 phút. Cũng nhờ công nghệ phát triển, ở Nhật xuất hiện một mô hình kinh doanh mới đó là kinh doanh website về bói toán. Điển hình công ty Zappallas Inc., là công ty hàng đầu về lĩnh vực kinh doanh này với số lượng thành viên tăng đều qua các năm.
Thành viên nào sử dụng dịch vụ bói toán bất kỳ trên website bói toán nào trong 220 website bói toán của công ty này sẽ mất phí 300 yen/tháng (khoảng 60.000 đồng). Đối tượng khách hàng chủ yếu là các quý cô từ 20-39 tuổi, nội dung bói toán chủ yếu liên quan tới chuyện tình yêu.
Thị trường bói toán qua ứng dụng di động cũng tăng trưởng rất mạnh. Theo số liệu năm 2009, giá trị của thị trường này đạt 18 tỷ yen, và luôn tăng trưởng rất ổn định trong những năm kế tiếp. Tuy nhiên khi công nghệ phát triển quá nhanh, cách mạng công nghiệp 4.0 đến gần, ngành bói toán tại Nhật Bản cũng đang đứng trước một thay đổi rất lớn, kéo theo sự thất nghiệp của hàng ngàn thầy bói “lành nghề”.