Phụ huynh của nhiều học sinh, sinh viên Hàn Quốc đang bỏ tiền ra thuê các nhà tư vấn để hoàn thành bài tiểu luận cùng các tài liệu khác nhằm đạt được tham vọng đưa con họ vào học những trường đại học uy tín của Mỹ...
Theo Korea Times, những “ghostwriter”(tạm dịch: người viết thuê tài liệu cho người khác và để người đó đứng tên luôn) đang thực sự “ăn nên làm ra” tại xứ sở kim chi. Những người này tiếp tay làm giả hồ sơ cho các ứng viên có nhu cầu vào học các trường đại học cả trong và ngoài Hàn Quốc.
Một số thí sinh Hàn Quốc đã được chấp nhận vào các trường nghệ thuật tại Mỹ bằng cách gửi bản vẽ và những tài liệu do chính những “chuyên gia” viết thuê tạo ra. Trong một số trường hợp, những sinh viên này chuyển sang các khoa khác sau khi “lọt” qua vòng tuyển sinh vào trường.
|
Một sinh viên đang tìm hiểu thông tin du học từ các đại diện trường ĐH nước ngoài tại một hội chợ du học được tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc). Hiện nay nhiều sinh viên xứ Hàn bỏ tiền thuê người viết tiểu luận và làm giả các tài liệu khác để có bộ hồ sơ du học đạt yêu cầu. (Ảnh: Korea Times) |
Không có năng khiếu, vẫn đỗ trường nghệ thuật
Một học sinh tốt nghiệp cấp ba tại tỉnh Gyeonggi đã được nhận vào học trường nghệ thuật trực thuộc Trường ĐH Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh (Mỹ) nhờ vào bộ hồ sơ đẹp do một nhà tư vấn tạo ra. “Tôi đã dành 6 tháng trời để chuẩn bị cho việc nhập học vào trường nghệ thuật này”, sinh viên này tiết lộ với phóng viên Korea Times.
Các quan chức Trường ĐH Carnegie Mellon không đưa ra một lời bình luận cụ thể nào khi được hỏi liệu phía nhà trường có nhận thức được những hành vi “giả mạo” này ở những sinh viên Hàn Quốc hay không.
Cậu sinh viên trên không có nền tảng ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Ở những trường nghệ thuật Hàn Quốc như ĐH Hongik, các ứng viên được yêu cầu phải trải qua những cuộc kiểm tra cực kì nghiêm ngặt.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một người được biết đến như một “ghostwriter” cho biết cô có thể tạo ra những bản vẽ dùng để xin vào học ĐH mà không làm dấy lên bất cứ mối nghi ngờ nào từ những người làm công tác tuyển sinh.
“Tất cả những gì mà các em học sinh cần phải làm là làm quen với việc sử dụng bút chì vẽ trong khoảng 3 tháng. Việc đó không phải để dành trong việc tuyển sinh mà dành cho quá trình học tại trường sau khi đã được nhận vào”, người này khẳng định.
Những bản vẽ như vậy thông thường có giá khoảng 300.000 won (khoảng 259USD), mặc dù chi phí còn phụ thuộc vào tỷ lệ thành công của của nhà tư vấn trong việc đưa những học sinh “không có kỹ năng” vào học các trường nghệ thuật nước ngoài.
Bộ hồ sơ của ứng viên thường phải bao gồm 15 đến 20 bản vẽ. Các trường nghệ thuật ở Mỹ coi trọng những bộ hồ sơ này trong việc xét tuyển sinh viên.
Một sinh viên khác đang theo học tại ĐH Carnegie Mellon cho biết việc những bạn học người Hàn Quốc của cô nhận sự giúp đỡ từ các giáo viên hướng dẫn để chuẩn bị hồ sơ đã là điều tự nhiên. “Rất nhiều sinh viên từ trường của tôi tìm đến các cơ sở tư nhân để được hướng dẫn làm hồ sơ”, sinh viên này cho hay.
Các bộ hồ sơ tuyển sinh không phải là thứ duy nhất mà những cơ sở tư nhân và các nhà tư vấn có thể làm giả. Yoo, một giáo viên luyện SAT (bài kiểm tra khả năng của học sinh trung học, được sử dụng để kiểm tra đầu vào của các trường CĐ và ĐH trên thế giới) tại Gangnam cho biết cô đã viết bài tiểu luận cho rất nhiều học sinh muốn được các trường ĐH Mỹ nhận vào học.
Nhiều sinh viên sử dụng các trường nghệ thuật như một bước đệm để sang học những khoa khác bởi các trường nghệ thuật thường không đặt ra yêu cầu cao về các điểm số trong đó có điểm thi SAT khi tuyển sinh đầu vào.
Hơn nữa, chuyện thay đổi chuyển ngành học tại Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều so với Hàn Quốc và các sinh viên chuyên ngành nghệ thuật thường chuyển sang học các chuyên ngành khác.
Ở Hàn Quốc, việc thẩm định hồ sơ tuyển sinh đã bị dỡ bỏ tại hầu hết các trường ĐH do những “điều tiếng” trong quá trình này. Một giáo sư nghệ thuật tại Hongik đã chỉ ra những kẽ hở của hệ thống đó. Giáo sư này nói rằng “một bức tranh có thể được thay đổi đáng kể nhờ vào tác động nhỏ của một chuyên gia”.
Trường nghệ thuật trực thuộc ĐH Quốc gia Seoul chấp nhận hồ sơ của ứng viên nhưng buộc ứng viên phải thể hiện khả năng của mình trước ban tuyển sinh.
Tuy nhiên, hầu hết các trường nghệ thuật Mỹ không tiến hành kiểm tra ứng viên theo kiểu như vậy. Khi phát hiện một loạt trường hợp gian lận trong kì thi SAT, các trường ĐH ở đây thường nói rằng họ có nhiều công cụ để phát hiện những ứng viên Hàn Quốc không đủ tiêu chuẩn.
Nhiều sinh viên Hàn Quốc được nhận vào học các trường ĐH Mỹ nhờ bộ hồ sơ “đẹp” do các cơ sở tư nhân “sản xuất” đã sớm bỏ học. Một sinh viên kiểu này đã không thể tốt nghiệp Trường thiết kế Rhode Island sau khi cô được trường này nhận vào học hồi năm 2004 nhờ sự giúp đỡ của một “ghostwriter”. Trong một cuộc phỏng vấn, phía Trường thiết kế Rhode Island cho biết trường không nhận thức được những trường hợp như thế.
“Nhiều sinh viên Hàn Quốc được nhận vào các trường ở Mỹ nhưng không thể hoàn tất khóa học kéo dài 4 năm của họ”, một sinh viên phải chuyển từ một trường ĐH danh tiếng của Mỹ về một trường ĐH ở Seoul tiết lộ.