Nghệ nhân Bùi Viết Tưởng: Người tiếp nối và truyền lửa văn hóa cổ truyền xứ Kinh Kỳ

(PLVN) -  Võ sư, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng (xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) trưởng đoàn võ thuật - Lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường trong những năm qua không chỉ có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn nghề sản xuất đầu lân, rồng mà còn là người truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp nối, yêu mến văn hóa cổ truyền Việt Nam.
Làm đầu lân là “món ăn tinh thần” đối với nghệ nhân Bùi Viết Tưởng.

Gìn giữ một nét văn hóa truyền thống

Võ sư, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng đã có hơn mười năm dành trọn đam mê cho nghề chế tạo những chiếc đầu lân, đầu rồng. Từ nhỏ, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng đã có niềm đam mê đối với võ thuật, sau đó dần dần mới bén duyên với múa lân. Mỗi lần lân bị hư hỏng do sử dụng quá nhiều, anh phải tự tay chỉnh sửa. Lâu dần, anh đúc kết được những kinh nghiệm quý báu về việc làm đầu lân, đầu rồng. Sau đó, anh bắt đầu đi vào chế tạo sản phẩm của chính mình. Những chiếc đầu lân do gia đình anh làm ra cung cấp cho các đội lân khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu ra thế giới.

Anh Tưởng chia sẻ: “Việc làm ra những chiếc đầu lân là niềm đam mê của tôi chứ không phải công việc. Đó là món ăn tinh thần cho cuộc sống”. Thực tế, người thợ làm đầu lân, rồng khá vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Tùy vào từng kích cỡ, chất lượng, mẫu mã, số lượng của từng đơn đặt hàng mà quy định ra giá. Với thợ lành nghề phải mất 5 - 6 ngày mới hoàn thiện được một chiếc nhưng giá xuất bán cũng chỉ khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc.

Vì vậy, đối với anh Tưởng, việc làm ra những con lân là vì tình yêu với văn hóa cổ truyền. Anh chia sẻ hình ảnh con lân không chỉ là một con vật bình thường mà đó còn là một linh vật thiêng liêng trong văn hóa dân gian. Bởi Kỳ Lân là một trong Tứ Linh của văn hoá Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á, cùng với Long (rồng), Phụng (phượng hoàng) và Quy (rùa).

Kỳ lân có những đặc điểm giống rồng, nhưng mỗi nền văn hoá lại có một mường tượng riêng cho linh vật này. Theo truyền thống Việt Nam xưa, Lân trông giống một con sư tử cổ với chiếc đầu có sừng. Lân là biểu tượng đem lại may mắn, thậm chí múa Lân thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội hoặc ngày đặc biệt.

Ngoài ra, anh Tưởng còn say mê với môn võ cổ truyền. Cũng giống như việc anh yêu thích văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đối với anh Tưởng việc tập luyện võ và múa lân bổ trợ cho nhau rất nhiều. Việc luyện võ giúp cơ thể người tập vừa có sự cứng cáp, vững chắc, lại vừa có độ uyển chuyển, dẻo dai. Giống như một con lân, mặc dù mang hình dạng oai nghiêm, hùng dũng. Nhưng những vũ điệu khi múa của lân phải mềm mại, linh hoạt, bên cạnh đó người múa cũng phải thể hiện sự vững chãi, chắc chắn để cho người xem thấy được sinh khí của linh vật thiêng liêng này.

Liên tục cải biến và thay đổi

Theo anh Bùi Viết Tưởng, để sản xuất ra một đầu lân hay đầu rồng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ làm khung - công đoạn khó nhất, đến cắt, may, làm phụ kiện trang trí… tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mỗi khi làm một con lân, anh Tưởng đều đặc biệt chú trọng đến khâu chuẩn bị vật liệu. Từ thanh mây, thanh nứa, đến loại giấy, vải, lông cừu trang trí được chính tay anh tuyển lựa. Đặc biệt là phần phối màu sắc, đòi hỏi người nghệ nhân phải có mắt thẩm mỹ tinh tế, làm sao màu vừa có độ trang nhã, vừa có sự đậm nhạt đúng nơi, đúng chỗ, lại vừa bắt mắt thu hút người mua, người xem.

Chia sẻ về những hy vọng trong tương lai với giới trẻ, anh Bùi Viết Tưởng mong rằng các bạn trẻ sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ văn hóa cổ truyền, bởi đây chính là nét đẹp của mỗi dân tộc. Đồng thời anh cũng mong muốn thế hệ trẻ có thể tiếp nối, khôi phục lại những giá trị truyền thống, vì đó chính là tài sản tinh thần vô giá, liều thuốc vạn năng giúp con người tránh xa khỏi những tha hóa trong bối cảnh toàn cầu.

Anh Tưởng cho hay để tạo ra được một đầu lân đẹp đòi hỏi người làm phải am hiểu về lân. Nếu chỉ học để sản xuất thì sẽ chẳng thể hiểu được nguyên lý và hồn lân ra sao khi diễn. Khi vừa là người diễn, người sản xuất thì sẽ biết điều chỉnh độ dữ, hiền, độ co giật của mắt, tai, mũi, miệng lân ra sao để tạo ra sự sáng tạo phong phú, độc đáo hơn.

Ngày nay, với sự đổi mới thị hiếu của người tiêu dùng. Anh Bùi Viết Tưởng cũng luôn luôn sáng tạo không ngừng nghỉ cho mỗi con lân. Từ chất liệu để làm ra con lân, đến hình dáng để cho ra được sản phẩm đẹp và bền nhất. Anh Tưởng nói: “Hiện tại, tôi luôn có những mẫu mã mới để phù hợp với nhu cầu của khách hàng”. Mỗi năm, vào dịp cận Tết Nguyên Đán, anh sẽ sử dụng hình ảnh của 12 con Giáp để làm nguồn cảm hứng sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo. Như trong năm Nhâm Dần 2022, anh đã sản xuất đầu hổ để đáp ứng thị hiếu về văn hóa của người tiêu dùng.

Đối với anh Tưởng, một chiếc đầu lân đẹp không chỉ là sản phẩm đảm bảo được vẻ đẹp truyền thống, mà phải gắn liền với thẩm mỹ thời hiện đại. Trong dịp Trung Thu vừa qua, cơ sở sản xuất của anh đã có rất nhiều thay đổi trong chiếc đầu lân. Vẫn là hình dáng những chiếc đầu lân truyền thống thể hiện sự oai nghi, hùng dũng của con lân, nhưng anh Tưởng đã sử dụng màu sắc tươi sáng, bắt mắt hơn. Hoạ tiết ở trên đầu, trên mình con lân cũng được anh thay đổi.

Đặc biệt, với hình ảnh những con lân đã xuất hiện từ lâu đời, anh Bùi Viết Tưởng cho rằng để có thể đem chúng gần gũi với giới trẻ, bản thân người nghệ nhân phải thổi hồn vào sản phẩm của mình. Mỗi khi làm lân, anh thường suy nghĩ “Mình muốn hình ảnh con lân như thế nào?”, “Mình có thể truyền tải được cho những người khác thấy điều đó không?”. Đối với anh, một nghệ nhân khác người thợ bình thường ở chỗ họ đưa được sinh khí vào đồ vật mình làm ra, để những sản phẩm luôn khác biệt so với mặt hàng sản xuất công nghiệp ở bên ngoài. Như khi vẽ mắt con lân, việc khó nhất đó là vẽ làm sao phải để mắt lân có hồn và chiều sâu bởi lân có mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều được thể hiện qua đôi mắt. Do đó muốn thể hiện được cái hồn của một linh vật đòi hỏi người thợ phải làm bằng cả tâm hồn và cảm xúc của bản thân. Sau khi vẽ mắt, người nghệ nhân thường dùng bột màu sơn phủ lên đầu lân; đính kim sa làm vảy; đính lông làm râu, lông mi, lông mày.

Vì vậy, mặc dù khi vào dịp tết Trung Thu, xưởng sản xuất của anh Tưởng thường “cháy hàng” với khoảng 100 con lân được đặt trước. Anh, cùng vợ và các học viên trong xưởng phải làm việc hết công suất. Tuy nhiên, dù bận rộn, những con lân của anh vẫn giữ cho mình một nét đẹp riêng biệt, giữ được cái tỉ mỉ, tinh tế của sản phẩm được chế tác thủ công. Mỗi chiếc đầu lân được chăm chút từng hoa văn, họa tiết, ánh mắt. Mỗi công đoạn đều cần người thợ phải khéo tay, từ khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết để toát lên được cái thần thái của mỗi con lân. Bên cạnh đó, yêu cầu người thợ phải có năng khiếu nghệ thuật, từ khả năng pha màu cho tới những đường nét thanh mảnh khi vẽ để làm sao cho ra một con lân đẹp, trang nhã và có hồn.

CLB Lân sư rồng ra đời với mong muốn tạo sân chơi văn hóa bổ ích cho các bạn trẻ.

Người truyền lửa cho thế hệ trẻ

Ở xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội, chỉ cần nhắc đến tên Bùi Viết Tưởng, không ai là không biết đến anh và xưởng sản xuất lân Tưởng Nghĩa Đường. Rất nhiều thanh thiếu niên cũng đã được anh truyền cảm hứng đến với xưởng sản xuất để học và tạo ra những chiếc đầu lân. Không chỉ biết cách làm ra những con lân đẹp đẽ, kì công, nhiều bạn trẻ còn học cả nghệ thuật múa lân, võ cổ truyền. Đối với anh Tưởng đây chính là cảm hứng để anh mở ra Câu lạc bộ Lân sư rồng, với hy vọng sẽ giúp đỡ các thanh thiếu niên tìm hiểu văn hóa truyền thống. Đồng thời tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các bạn trẻ.

Anh Tưởng chia sẻ: “Có rất nhiều bạn trẻ tìm đến tôi xin học làm đầu lân, đầu rồng. Theo tôi, đây là một hoạt động văn hóa lành mạnh cho các em. Giúp các em tránh xa được những xô bồ, hỗn loạn trong đời sống hiện đại”. Tại xưởng sản xuất của anh, những người theo học nghề ở độ tuổi rất trẻ, có em đang là học sinh, có em là sinh viên, cũng có cả người đã đi làm. Đặc biệt, phần lớn là các bạn thanh thiếu niên. Có rất nhiều em cũng từng sa vào thú vui độc hại trong xã hội, như nghiện game, ham chơi, bỏ bê học hành,… Nhưng khi đến với việc làm đầu lân, các em hiểu hơn về văn hóa dân tộc, được hướng dẫn về nghệ thuật múa lân, học võ. Tại đây, các em cũng học được sự đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” với mọi người.

Vì vậy, sau mỗi lần đi biểu diễn múa lân hoặc võ cổ truyền về, cả thầy và trò Câu lạc bộ lân sư rồng lại cùng nhau trích một phần tiền công của mình, mỗi người từ 20.000 đồng - 50.000 đồng để nuôi lợn tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm được được thầy trò võ sư Tưởng dùng để thăm hỏi các học viên trong câu lạc bộ mỗi khi đau ốm, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, mỗi năm anh và các học trò sẽ trích quỹ tiết kiệm được để đi thiện nguyện, thăm tặng quà những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn.

Đọc thêm