Nghệ sĩ trẻ kế cận – còn đây một câu hỏi/ Hội chuyên ngành phải thực sự là cầu nối

Nhiều năm qua, khi chuyển sang cơ chế thị trường, giới nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng đã  xác định phải tự cứu mình bằng cách làm tất cả những việc có thể mưu sinh được từ nghề nghiệp bằng hai chân: chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa.

Nghệ sĩ trẻ kế cận – còn đây một câu hỏi

Nhiều năm qua, khi chuyển sang cơ chế thị trường, giới nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng đã  xác định phải tự cứu mình bằng cách làm tất cả những việc có thể mưu sinh được từ nghề nghiệp bằng hai chân: chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa. Đủ dạng, muôn vẻ, từ diễn các lễ hội và du lịch, hát và diễn mừng thọ đám cưới đến đóng phim truyện, phim quảng cáo! Diễn theo kiểu chào hàng “bán vé xen mua gìum” để tài trợ cho nghệ sĩ vì nhiều lý do, trong đó có cả ủng hộ người bị ảnh hưởng bão lụt, chống đói nghèo v.v…Nếu không diễn thì cho thuê trang phục, phục trang biểu diễn, đạo cụ sân khấu- làm âm thanh ánh sáng; làm bảo vệ, cho thuê rạp…Ai có khả năng sáng tác thuê cho các đơn vị thì cố làm- dàn dựng, dạy nghề truyền nghề cho các phong trào  thì làm. Cố gắng viết thuê - đạo diễn mướn, miễn là có tiền sống. Dù vậy, sự bươn chải này ngấm bao nước mắt chua cay. Nghệ sĩ già, hết thời là một nhẽ. Nhưng còn nghệ sĩ trẻ thì câu hỏi vẫn còn đây: Họ sẽ ra sao khi bản lĩnh nghề nghiệp dễ bị chao đảo trong biến động của nền kinh tế thị trường? Ai là người chịu trách nhiệm với tương lai cũng như định hướng nghệ thuật của đội ngũ này để đóng góp với sự phát triển của sân khấu Hải Phòng ?

NSUT Hồng Minh( Hội NSSK Hải Phòng)

Hội chuyên ngành phải thực sự là cầu nối

Hiện nay, hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng rất đông và ở 3 dạng: hội viên trong các đơn vị sân khấu công lập và cơ quan nhà nước, hội viên trong các đơn vị sân khấu ngoài công lập và các tổ chức xã hội hóa và hội viên độc lập. Tuy nhiên, điều đáng báo động về lực lượng nghệ sĩ trẻ kế cận cho sự phát triển sân khấu Hải Phòng hiện nay: yếu, thiếu và hết!

Yếu là do cơ chế, chính sách đãi ngộ của địa phương chưa thực sự được quan tâm nên không thu hút được nhân tài. Thiếu: cũng do chính sách giải quyết chế độ cho người nghỉ việc chưa thông thoáng.Và Hết vì không có nguồn đào tạo. Hiện nay Trường trung học Văn hóa nghệ thuật thành phố không có học sinh khoa Sân khấu.

Bên cạnh đó, cuộc sống của các nghệ sĩ, diễn viên 5 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp còn quá khó khăn, chế độ đãi ngộ quá ngặt nghèo, những chế độ quá cũ xưa mà vẫn không được thay đổi như tiền diễn ngoại thành, tiền thưởng cho các nghệ sĩ đoạt giải quốc gia, các NSUT, NSND… Lợi ích của hội viên chưa được quan tâm…

Do vậy, các hội viên, diễn viên, nghệ sĩ trông mong nhiều ở Hội nghệ sĩ sân khấu ở những thông tin không chỉ đơn thuần về mặt làm nghề. Để thúc đẩy, phát triển hoạt động sân khấu, Ban chấp hành Hội nghệ sĩ sân khấu thành phố nên gắn kết với các đơn vị nghệ - thuật trong hoạt động chuyên môn, bố trí cho các hội viên xem vở diễn mới, chương trình mới. Hội nghệ sĩ sân khấu thành phố phải tập hợp được nhiều hội viên, chứng tỏ rõ hơn vai trò một hội chuyên ngành, thực sự trở thành cầu nối, có tiếng nói cho tương lai của nghệ sĩ. ./.

 NSƯT Xuân Thấm

(Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng)

Đọc thêm