Nghệ sĩ Việt kết hợp nghệ sĩ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm qua, trong vòng xoáy của thời đại mới, âm nhạc Việt Nam đang tích cực chuyển mình với tinh thần hội nhập quốc tế. Trong đó, xu hướng nghệ sĩ Việt hợp tác với nghệ sĩ quốc tế được coi là “con đường rút ngắn” để đưa nhạc Việt tiệm cận gần hơn với khán giả trong khu vực và trên thế giới.
Ca sĩ Đức Phúc và nhóm nhạc 911 tái hiện ca khúc huyền thoại “I do”. (Ảnh: Đức Phúc)
Ca sĩ Đức Phúc và nhóm nhạc 911 tái hiện ca khúc huyền thoại “I do”. (Ảnh: Đức Phúc)

Những màn kết hợp đình đám

Nhìn lại đầu năm 2023, cộng đồng yêu âm nhạc trong nước và quốc tế đã cực mãn nhãn, đã tai với màn “chào sân” ấn tượng của ca sĩ Đức Phúc cùng bài hát “Em đồng ý - I do” kết hợp với nhóm nhạc huyền thoại 911. Bản tình ca song ngữ Việt - Anh đã đạt được thành tích “khủng” mà không dễ gì các MV khác đạt được chỉ sau 6 ngày ra mắt.

Đồng thời sản phẩm “Em đồng ý - I do” còn xuất sắc đạt thành tích #1 trên nhiều nền tảng âm nhạc tại Việt Nam. Cũng như liên tiếp xuất hiện trên bảng xếp hạng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể thấy “cú bắt tay” giữa ca sĩ Đức Phúc và nhóm nhạc 911 đã tạo nên một “cú nổ” cho thị trường âm nhạc Việt Nam vào dịp đầu năm 2023 và mở đầu cho hàng loạt sự kết hợp bùng nổ khác.

Vào tháng 3, ca sĩ Min - “ngôi sao” trăm triệu view của làng nhạc Việt đã kết hợp cùng nữ ca sĩ gốc Việt, Thuy cho ra mắt MV phiên bản remix của ca khúc “Girls like me don't cry”. Ở phiên bản remix, “Girls like me don't cry” không chỉ được phối lại hoàn toàn mới mà còn được Min thể hiện phân đoạn lời Việt do nhạc sĩ Hoàng Tôn viết lời một cách đầy mượt mà, bắt tai. Ngay khi ra mắt, màn hợp tác giữa Min và Thuy lập tức thu hút sự chú ý của người hâm mộ, ca khúc đã tạo hiệu viral nổi bật và nhận “cơn mưa” lời khen trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook…

Không chỉ dừng lại ở MV, 2023 còn là năm bùng nổ concert của cá nhân cùng nhóm nhạc trong và ngoài nước. Nổi bật trong số đó phải kể đến những màn kết hợp hoành tráng của các nghệ sĩ Việt gạo cội với nghệ sĩ quốc tế.

Trong live concert “Bống là ai” của ca sĩ Hồng Nhung tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế. Dưới bàn tay của các nghệ sĩ - nhạc công nước ngoài đến từ Pháp, Ba Lan, Ý… cùng giọng ca đầy nội lực của ca sĩ Hồng Nhung đã khoác áo mới cho 20 nhạc phẩm Trịnh Công Sơn theo phong cách blue jazz. Trong đêm nhạc, nữ ca sĩ Pháp Clara Simonovier đã hát 2 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dịch sang tiếng Pháp là “Bống bồng ơi” và “Như cánh vạc bay”, trong đó có 1 bài song ca với ca sĩ Hồng Nhung.

Vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, cầu nối giữa các nghệ sĩ chính là âm nhạc và giai điệu. Cũng trong dự án, ca sĩ Hồng Nhung giới thiệu tới khán giả 1.000 đĩa than độc bản, bao gồm 8 ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh được hát bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Trong đĩa than có sự tham gia của nghệ sĩ, chuyên gia âm thanh nổi tiếng người Mỹ là Mark Levinson.

Một cái tên khác cũng khiến khán giả “đứng ngồi không yên” chính là ca sĩ Hà Anh Tuấn với 2 đêm nhạc trong live concert “Chân trời rực rỡ” diễn ra tại Ninh Bình. Với sự góp mặt của huyền thoại âm nhạc Nhật Bản Kitaro, live concert đã diễn ra thành công rực rỡ và níu chân 20.000 khán giả qua hai đêm. Bên cạnh những bài hát thân thuộc của chàng ca sĩ sinh năm 1984, các tiết mục kết hợp giữa Hà Anh Tuấn khách mời Kitaro là điểm nhấn của chương trình.

Sự kết hợp hài hoà, tinh tế không chỉ mang đến dáng vẻ đẳng cấp quốc tế cho live concert của Hà Anh Tuấn mà còn giúp khán giả Việt có cơ hội thưởng thức âm nhạc của một huyền thoại. Theo ca sĩ Hà Anh Tuấn, âm nhạc của cả hai có điểm chung là tìm về cội nguồn, tình người nên không khó để kết hợp. Anh luôn nuôi giấc mơ được đứng chung sân khấu với ông trong sự nghiệp và đã thành sự thật.

Trên thực tế, từ lâu nền âm nhạc Việt cũng đã xuất hiện những dự án kết hợp giữa nghệ sĩ Việt và quốc tế, như: Vũ với Lukas Graham (bài Happy for you); Sơn Tùng M-TP với Snoop Dog (bài Hãy trao cho anh); Thu Minh với So Hyang (bài I believe I can fly); Soobin Hoàng Sơn với thành viên Jiyeon nhóm nhạc T-Ara (bài Đẹp nhất là em); Thanh Bùi với Tata Young (bài Tình về nơi đâu); Hồ Quỳnh Hương với Davichi (bài Hoang mang);… Theo đó, điểm chung của những ca khúc này là đều gây được tiếng vang với khán giả, nhiều bài hát đã vượt xa tầm thành công trong nước, vươn ra khu vực và chạm ngưỡng quốc tế với những thành tích không tưởng.

Những thành tích trên chính là minh chứng rõ ràng cho sự đón nhận của khán giả trong và ngoài nước đối với những dự án kết hợp giữa nghệ sĩ Việt và quốc tế. Quả thật, “âm nhạc là không biên giới” dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng cả ca sĩ và khán giả đều đã xích lại gần nhau qua sự đồng điệu, thấu cảm và gắn kết mà âm nhạc mang lại.

Huyền thoại âm nhạc Kitaro cùng ca sĩ Hà Anh Tuấn trong live concert “Chân trời rực rỡ”. (Ảnh: viez.vn)

Huyền thoại âm nhạc Kitaro cùng ca sĩ Hà Anh Tuấn trong live concert “Chân trời rực rỡ”. (Ảnh: viez.vn)

Ước mơ nhạc Việt “phủ sóng” thế giới

Trong thị trường âm nhạc luôn không ngừng phát triển thì việc nghệ sĩ Việt kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài không phải là điều quá mới mẻ. Đã từng có thời gian, đây được coi là xu hướng tất yếu để đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra quốc tế. Nhưng thời điểm đó chính vì là xu hướng nên nhiều nghệ sĩ thi nhau kết hợp “vô tội vạ” với mong muốn tạo ra những bản “hit”.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm âm nhạc nào cứ gắn mác “ngoại” là sẽ thành công. Đã từng có nhiều dự án kết hợp giữa các ca sĩ Việt và quốc tế dù có đầu tư nhưng lại không để lại ấn tượng với khán giả. Do vậy, việc bắt tay với “sao” ngoại không phải là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của một sản phẩm âm nhạc. Dù biết rằng việc hợp tác giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế là xu hướng tất yếu.

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, bản chất của các tác phẩm thành công không chỉ xuất phát từ cái mác “ngoại”, xu hướng lai căng, “tây hoá” mà ở những sáng tạo âm nhạc nghiêm túc, đầy tâm huyết. Nếu không có những định hướng thẩm mỹ rõ ràng thì những màn kết hợp có thể sẽ trở thành thảm họa, âm nhạc Việt Nam sẽ mất dần bản sắc vốn có.

Nhìn chung, một sản phẩm âm nhạc có vươn tầm thế giới hay không chủ yếu vẫn dựa vào “ánh hào quang” của người nghệ sĩ, “ánh hào quang” ở đây chính là các tố chất liên quan đến giọng hát và phong cách trình diễn. Như nhìn vào các sản phẩm của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, dù không hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế nhưng cô ca sĩ sinh năm 1988 đã có những màn “chào sân” quốc tế ấn tượng.

Bài hát “See tình” ra mắt năm 2022 của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã lan truyền khắp các mạng xã hội không chỉ ở Việt Nam, ca khúc còn nổi tiếng ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là châu Á. Hàng loạt người nổi tiếng trên thế giới đã cover hoặc nhảy theo giai điệu bắt tai của ca khúc. Hơn một năm sau khi ra mắt, sức hút của ca khúc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số lượt nghe của giai điệu này tổng hợp trên mọi nền tảng đã vượt qua con số 1 tỉ.

Với “See tình”, Hoàng Thùy Linh và nhóm sáng tác DTAP đã khai chất liệu văn hoá dân gian, mà cụ thể là miền Tây Nam Bộ vào trong MV ca nhạc. Giai điệu bắt tai, vui nhộn, phần điệp khúc mang một chút âm hưởng ngũ cung kết hợp với chất liệu dân gian phủ ngập hình ảnh MV đã khiến “See tình” trở thành tác phẩm “đốn tim” nhiều khán giả.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên ca sĩ Hoàng Thùy Linh đưa chất liệu văn hoá dân gian Việt Nam vào trong ca khúc. Trước đó, các bài hát như “Để Mị nói cho mà nghe”; “Đánh đố”; “Gieo quẻ”; “Bánh trôi nước”;… đều khiến cho khán giả bất ngờ trước sự kết hợp độc đáo, có “một không hai” này. Điểm khác biệt của Hoàng Thùy Linh đến từ việc làm mới các chi tiết văn hoá dân gian, đưa chúng vào MV mà không bị dập khuôn, lạc quẻ trong bối cảnh hiện đại.

Có thể thấy, ước mơ về một ngày nhạc Việt “phủ sóng” thế giới có lẽ vẫn còn xa vời nhưng không phải là không thể khi tư duy âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam đang ngày càng phát triển.

Đọc thêm