Cuộc đời thiếu niềm vui
Trong số 20 nghệ sĩ đang sống ở Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ, nghệ sĩ Thiên Kim là người duy nhất bận rộn đi tập kịch, lồng tiếng rồi đóng phim. Bà ở căn phòng nhỏ chỉ khoảng 6m2 ở lầu một của Viện với chiếc giường đơn, một tủ nhôm cũ và nhiều vật dụng đơn sơ được bà xếp đặt gọn gàng.
Chuẩn bị đón khách và chụp hình lên báo, lão nghệ sĩ đã trang điểm sẵn. Một chút phấn và son môi, trông bà tươi tắn, sang trọng, gợi nhớ nét xuân sắc của cô đào chánh trong vở “Lấp sông Gianh” nổi tiếng năm nào.
Cuộc đời riêng của nghệ sĩ Thiên Kim chất chứa biết bao nỗi niềm. Gia đình có ba chị em gái. Mẹ của bà rời nhà chồng, dắt díu theo hai đứa con gái lớn, phải để bà ở lại nhà nội, sống chung với mẹ kế từ năm ba tuổi. Thời thơ ấu của bà trải qua những trận đòn nghiệt ngã của mẹ kế. Thèm ăn cũng bị đánh. Nói nhớ mẹ cũng bị đánh. Bị đánh đau mà cấm được khóc.
Ký ức của bà vẫn còn giữ lại hình ảnh mỗi lần mẹ lén lút trở về thăm con gái, nước mắt hai mẹ con tuôn rơi; hình ảnh bà vào phòng lén vạch màn cửa nhìn mẹ cho đỡ nhớ. Lớn lên, bà lấy chồng, đến lúc con trai chập chững biết đi thì chồng mất. Lấy người chồng sau, bà sinh thêm được bốn người con (hai trai, hai gái) nhưng phải sống cảnh mẹ chồng nàng dâu khắc nghiệt. Rồi bà dắt díu năm đứa con nhỏ về sống với mẹ ruột ở Gò Vấp.
Từ đó, cả một quãng đời dài nghệ sĩ Thiên Kim tất tả đi lồng tiếng cho phim, rồi đi đóng phim, diễn kịch để nuôi mẹ và năm con, cộng thêm năm đứa con của người chị ruột. Thời đó, nếu hầu hết các nghệ sĩ đều thường thuộc biên chế một đoàn, một gánh hát cụ thể thì bà là nghệ sĩ tự do và cũng là nghệ sĩ hiếm hoi chạy show một cách chuyên nghiệp. “Phải chịu cực như vậy mới có thể gồng gánh nổi một gia đình chen chúc 12 miệng ăn” như bà nói.
Đau bệnh, nhập viện con cháu không hay
Quần quật một gánh hai vai nghệ thuật và gia đình, cống hiến và mưu sinh, bà quên bẵng đi hạnh phúc riêng tư của mình. Đến khi 5 con, 5 cháu đã lấy vợ, lấy chồng, mẹ già mất, bà nhìn lại đời mình sao quá hiu quạnh. Để lại căn nhà cho con trai út, bà xin vào Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ sống đến nay.
Hỏi sao bà không ở với một trong các con mà lại chấp nhận cảnh sống không gia đình, bà cười buồn: “Cả năm đứa con của tôi đều không khá giả gì. Tôi không muốn sống chung, trở thành gánh nặng cho tụi nó”.
Những lúc không có vai diễn, không khác cuộc sống của 19 nghệ sĩ còn lại ở đây, với bà, ngày như dài vô tận. |
Tấm lòng của một người mẹ làm nên một nghịch lý: Bà mẹ già tuổi 80 vẫn đều đặn đi diễn dành dụm tiền gửi phụ giúp các con, còn mỗi khi đau bệnh hoặc hữu sự, bà giấu nhẹm các con mà một mình chịu đựng. Vừa rồi bà nằm viện, các con bà không ai biết.
Cách đây mấy tháng bà bị ngộ độc thức ăn tưởng không qua khỏi, các con bà cũng chẳng ai hay. “Hình như tụi nó cũng yên tâm là tôi sống ở đây cũng ổn...”, bà bỏ lửng câu nói, giấu một niềm riêng trong ánh mắt.
Những lúc không có vai diễn, không khác cuộc sống của 19 nghệ sĩ còn lại ở đây, với bà, ngày như dài vô tận. Một chiếc tivi nhỏ ở tầng trệt của Viện Dưỡng lão này là thú tiêu khiển duy nhất. Nhưng tivi thường chỉ mở từ bảy giờ tối trở đi, nhằm tiết kiệm điện.
Mọi chi tiêu của nghệ sĩ ở Viện đều phải thật dè sẻn, bởi ngoài trợ cấp 21.000 đồng/người/ngày ăn và qui định tiền điện, nước trả trong khung, còn lại toàn bộ các chi phí phát sinh khác như đau ốm, các nghệ sĩ phải tự lo liệu.
Nghệ sĩ Thiên Kim lại ít xem tivi ở tầng trệt, nên bà cứ một mình một phòng, đọc sách báo cũ, xem lại rất nhiều hình ảnh của hơn nửa thế kỷ đời nghệ sĩ, ngẫm chuyện quá khứ, cám cảnh nỗi mình trong hiện tại.
Tình khán giả, tình bạn già
Nghệ sĩ Thiên Kim vẫn thấy may mắn, như bà nói: “Tôi được bù đắp, được an ủi bằng tình thương của khán giả”. Bà kể, bước ra đường có nhiều khán giả nhận ra, vồn vã gọi bà là “bà Mười đổ nước”, là “mẹ” hay “bà ngoại”. Có lần bà về Bạc Liêu đóng phim cho HTV, người dân xúm lại rất đông, nắm tay hỏi han nồng nhiệt, đến nỗi Đài cho đám đông vào phim làm khách mời luôn.
Lại có lần bà về Hồng Ngự, Đồng Tháp, có hai vợ chồng nọ thuyết phục sẽ cho hẳn bà một căn nhà gạch khang trang và phụng dưỡng bà như mẹ ruột. Đi đóng phim, bà cũng được ấm lòng với sự quan tâm của đoàn phim, khi những diễn viên trẻ thường trìu mến gọi bà là “má Thiên Kim”, là bà ngoại.
Sống ở Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ này, bà thân thiết nhất với nghệ sĩ Ngọc Đáng và nghệ sĩ Chính Đèn. Trời lạnh, bà nằm ngủ, bà Ngọc Đáng ghé tắt giùm bà cái quạt máy. Đến giờ cơm, bà Ngọc Đáng mang cà – mèn cơm lên phòng giùm bà. Bất cứ lúc nào bà đi diễn, ông Chính Đèn trở thành “xe ôm” đắc lực cho bà, đồng thời kiêm luôn vai trò “trợ lý”, giữ giùm bà tất cả hợp đồng với đoàn phim, nhắc bà lịch tập, lịch diễn đến tô màu sáng những đoạn thoại vai diễn của bà trong các xấp kịch bản. Sự quan tâm không lớn nhưng thầm lặng và tận tụy của những người bạn già cùng cảnh ngộ khiến bà cảm động.
Bà mang ơn nợ tổ nghiệp đã cho bà chén cơm, cưu mang bà cùng gia đình qua những năm tháng khốn khó nhất cho đến tận bây giờ. Cho nên, hễ ai gọi vai, bà nhận hết, dù vai khó đến mấy, đạo diễn chỉ kịp đưa kịch bản cho bà đọc nửa giờ trước khi quay, bà cũng cố gắng diễn cho đến nơi đến chốn, không nề hà cát xê. Mỗi phân cảnh phim được trả 200 ngàn đồng, bà thấy ổn.
Theo đoàn phim cả ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, người trẻ than mệt, riêng bà chưa bao giờ kêu ca. Dù lịch quay là năm giờ sáng thì bà cũng đến rất đúng giờ. Trước lúc bấm máy, bà đã hóa trang kỹ lưỡng, đọc lại cho nhuần nhuyễn lời thoại, hồi hộp như lần đầu đi diễn. Bà còn hào hứng nói về sự hiện đại của công nghệ làm phim hiện nay.
“Chứ còn hồi xưa, phim đen trắng, máy móc nghèo nàn, đóng khổ lắm. Tôi đóng vai chính phim Huyền Trân công chúa, đạo diễn đem tôi lên giàn hỏa đốt xém chút nữa cháy luôn, qua đến ngày hôm sau mà da vẫn còn cảm giác nóng” - bà vui vẻ kể.
Hơn 10 năm rồi, bữa cơm đầm ấm của gia đình đã xa xôi với bà. Nghĩ tới những năm tháng ngắn ngủi cuối đời mình, bà vẫn nguyện có đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Và xa hơn, nếu được sống cho mình, bà ước sẽ trút hơi thở sau cùng trong mái nhà nhỏ của riêng mình, trong vòng tay các con. /.