Nghề trồng rau màu ở Hải Phòng- Được mùa, lo “mất” Tết

Giá rau lên xuống thất thường theo thời tiết khiến người trồng rau lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” dường như, chưa lối thoát.

Giá rau biến động theo thời tiết

 

Bà Bùi Thị Hoa ở xóm Trại, xã Thủy Đường (Thủy Nguyên) phấn khởi khi nói về giá rau mấy hôm nay. Đợt lạnh vừa rồi, rau bán được giá hơn. Cách đây khoảng 2 tuần, một mớ rau mùi chỉ bán được 600 -700 đồng những ngày qua, tăng lên 1.000 đồng/mớ. Rau cải cúc bán được 1.200 -1.500 đồng/mớ (trước đó 500 – 600 đồng/mớ); rau cải xoong 2.500 đồng/mớ; bắp cải 2000 đồng/cái; rau diếp 2000 đồng/kg…Đợt này các loại rau đều được giá. Đặc biệt các loại rau cải, rau ăn lá giá tăng 1,5- 2 lần.

 

Cùng tâm trạng ấy, bà Đào Thị Thử ở thôn Phú La, xã An Hòa (An Dương) cho biết, mấy ngày rét, su su cũng được giá. Trước đó 1.500 – 2.000 đồng/kg, này  bán tại vườn cũng 3.000 đồng/kg. Nhưng bà Thử lo lắng: “ Trời  lạnh, rau chậm thu hoạch thì được giá, nhưng khi thời tiết ấm lên, các hộ đều thu hoạch rau vụ đông chính vụ, giá rau sẽ lại đồng loạt giảm. Tầm này năm trước thời tiết ấm, nhiều hộ trồng rau ở An Hòa để cải bắp thối ngoài đồng không thiết thu hoạch vì giá rẻ bán như cho”.

 

“May là giá rau còn lên chút ít, không nhiều người bỏ ruộng, tìm việc khác kiếm thêm thu nhập hằng ngày”. Chỉ tăng về phía những mảnh ruộng để không ở cánh đồng Gia, chị Nguyễn Thị Hà ởThủy Đường (Thủy Nguyên) nói, “ Cũng có người đã để  ruộng không”. Tâm trạng chung của nhiều nông dân vùng chuyên canh rau hiện nay là phấp phỏng, mừng mừng lo. Người trồng rau đang thấp thỏm lo tới Tết. Bà Hoa, chị Hà đều cho biết, dịp Tết này nếu thời tiết ấm hơn, người trồng rau mất Tết. Tết mấy năm trước, giá rau rẻ, nhiều người để rau chất đống ở góc ruộng.

 

Theo bà Đào Thị Hà, Trưởng Phòng trồng trọt, lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), điều nông dân lo lắng là có cơ sở. Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm thu hoạch rộ cây vụ đông. Những cây vụ đông đang thu hoạch đều cho năng suất cao gấp 1,5 lần năm trước. Với vụ đông được mùa lớn như năm nay, khả năng giá lại xuống thấp khi thời tiết ấm trở lại.     

 

Lấy công làm lãi

 

“Nói là giá rau tăng, nhưng chỉ là so với đợt trước. Còn tính chung, người trồng rau chúng tôi chỉ lấy công làm lãi”, chị Vũ Thị Huyền  ở thôn Phú La xã An Hòa (An Dương) bộc bạch. Vừa thu hoạch 1 sào cà rốt, nhưng vẻ mặt chị Huyền không vui. Bởi, 1 sào chị thu hoạch 950kg sản phẩm, với giá bán tại ruộng 2.000 – 2.500 đồng/kg, tất tần tận chỉ được hơn 2 triệu đồng/sào. Trong khi đó, các khoản chi phí bỏ ra để trồng 1 sào cà rốt: 1,7-1,8 triệu đồng. Với hơn 1,7 sào ruộng, bà Thử trồng su su và một số loại rau  khác, tính riêng vụ này, chi phí gần 4 triệu đồng. Vậy mà giá rau thay đổi theo thời tiết, kể cả khi tăng cũng vẫn không bù nổi chi phí. Người chịu thiệt nhất vẫn là nông dân. Khi đưa rau ra chợ bán, lợi dụng việc nông dân đi xa và ngại mang rau ế về, tiểu thương éphọ bán với giá rẻ. Sau đó, chuyển sang bán lẻ tại các chợ nhỏ trong nội thành, giá  được đẩy lên cao gấp nhiều lần. Rốt cuộc, người tiêu dùng vẫn phải mua rau với giá cao hơn nhiều so với thực tế.

 

Mô hình nông dân+ doanh nghiệp cùng sản xuất tiêu thụ

 

Tại vùng rau  xã An Thọ (An Lão) với 5,3 ha trồng rau an tòan, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Bà Phạm Thị Thuận, nông dân vùng rau an toàn, cho biết: “Nhờ Công ty Cổ phần thương mại Quảng Ích cùng tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm với giá ổn định, sau đó sản phẩm được sơ chế, đóng gói có thương hiệu nên rau an toàn An Thọ không lo tiêu thụ”. Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng, cho rằng: “Trước tình trạng giá rau lên xuống thất thường theo thời tiết như hiện nay, không nên để nông dân “tự bơi”. Chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp cần “vào cuộc” giúp bà con. Việc mở rộng rau màu là cần thiết vì trồng rau cho thu nhập gấp 2-3 lần cấy lúa, giúp quay vòng sản xuất nhanh. Trước mắt, các địa phương nên tìm hướng giúp nông dân tiêu thụ rau màu với giá ổn định, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con, tránh để tư thương ép giá. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng rau màu trên cơ sở quy vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất với nông dân, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện sản xuất theo hợp đồng”

 

Hoàng Yên- Minh Châm

Đọc thêm