Nghi án chôn hóa chất “ám sát” cánh đồng?

Những ngày này, hàng trăm hộ dân thuộc xóm 8 và xóm 10, xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy (Nam Định) đang rất lo lắng khi chính quyền cho phép chôn vùi, xử lý hóa chất độc hại giữa cánh đồng, cách khu vực dân sinh chỉ chừng 500m. Sau khi có kiến nghị của người dân, dự án xử lý chất thải tạm dừng. Tuy nhiên, số hóa chất đã được chôn vùi vẫn khiến dư luận địa phương rất hoang mang.

Những ngày này, hàng trăm hộ dân thuộc xóm 8 và xóm 10, xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy (Nam Định) đang rất lo lắng khi chính quyền cho phép chôn vùi, xử lý hóa chất độc hại giữa cánh đồng, cách khu vực dân sinh chỉ chừng 500m. Sau khi có kiến nghị của người dân, dự án xử lý chất thải tạm dừng. Tuy nhiên, số hóa chất đã được chôn vùi vẫn khiến dư luận địa phương rất hoang mang.

Trước đó, ngày 12/6/2013, sau khi xử lý một trong bốn bể chứa hóa chất độc hại, một luồng khí đã bốc hơi làm nhiều người xung quanh khu vực bị tức thở, nôn nao, chảy nước mắt, nhiều hộ gia đình sợ hãi phải đi sơ tán.

“Kho thuốc độc” giữa cánh đồng?

Một ngày cuối tháng 7/2013, PV Xa lộ Pháp luật đã đến mục sở thị  hố chôn hóa chất. Người dân gọi đó là “kho thuốc độc giữa cánh đồng”. Trên đường đi, người dân chỉ vào con đường lồi lõm, lầy lội, cho biết nhiều chuyến xe chở hóa chất cày ải mỗi ngày, đường thôn mới thành ra thế.

Họ bức xúc bởi chuyện chôn hóa chất dân làng không hề biết, chính quyền cũng không bàn bạc gì. Chỉ khi người làng phát hiện ra, kéo nhau lên hỏi xã thì nhận được câu trả lời: "Dự án của tỉnh, xã không liên quan...".

Khu vực chôn vùi hóa chất ngập nước thành hồ nhỏ giữa cánh đồng
Khu vực chôn vùi hóa chất ngập nước thành hồ nhỏ giữa cánh đồng.

Trên cánh đồng diện tích chừng hơn 3.000 m2, có xây một bể chứa lớn bằng bê tông cốt thép, bên trong chia thành bốn bể nhỏ. Qua nhiều ngày mưa liên tiếp, nước tràn ngập, biến bể chứa thành cái hồ nhỏ giữa cánh đồng.

Người dân cho biết hóa chất đã đổ đầy vào một bể, chuẩn bị đổ tiếp bể thứ hai thì nhân dân phát hiện, ngăn chặn không cho làm. Hiện tại, công trình đang dở dang, việc che lấp đất ở trên rất đơn giản nên chuyện ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hoàn toàn có thể xảy ra.

Một người dân ở xóm 8 cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, dân chúng tôi đã hiến mỗi hộ hơn 30m2 đất ruộng, theo chính quyền là để xây bãi rác thải sinh hoạt. Nhưng không hiểu sao đến khi thực hiện, lại cho xây dựng cái bể khổng lồ kia, nằm cạnh bãi rác thải sinh hoạt của địa phương.

Khi dân hỏi, chính quyền giải thích là xây bể xử lý nước thải của hố rác dân sinh, đến lúc xây xong, lại thành nơi chôn hóa chất độc hại cùng các loại thuốc trừ sâu tồn đọng đã bị cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp”.

Tại sao một vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến môi trường sống mà nhân dân không phản đối từ đầu?. Với câu hỏi đó, nhiều người dân bức xúc: “Khi chúng tôi hỏi xây bể này làm gì, chính quyền và người thi công nói là xây bể chứa nước thải chứ có ai nói là xây bể chứa hóa chất độc hại đâu. Họ không hề bàn bạc cũng như thông báo mục đích sử dụng thực sự với người dân, vì thế, chúng tôi có biết đâu mà phản đối”.

Theo người dân hai xóm, sự việc chỉ được phát hiện khi quá trình thi công hố bê tông không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, các loại hóa chất độc hại bị rò rỉ tràn ra ngoài, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước, khí độc bốc hơi đã làm nhiều người xung quanh khu vực bị tức thở, nôn nao, chảy nước mắt, nhiều hộ gia đình sợ hãi phải đi sơ tán.

Ngay sau đó, người dân đã kéo lên xã hỏi cho ra nhẽ, được chính quyền cho biết: Đang đợi ý kiến chỉ đạo từ tỉnh thì mới trả lời được.

Trong thời gian chờ đợi đó, người dân hai xóm vẫn “sống trong sợ hãi”. Nguồn chất độc bị chôn lấp chưa kỹ càng đang là mối nguy hại, tiềm ẩn nhiều căn bệnh hiểm nghèo sau này.

“Chúng tôi già rồi, nếu có bệnh tật gì chết cũng được, chứ để thế hệ con cháu nhiễm độc rồi mắc các bệnh nan y thì đáng lo ngại lắm. Vì tương lai, chúng tôi phải tranh đấu, yêu cầu không được chôn các hóa chất độc ở đây nữa”, một nông dân bộc bạch.

“Chất độc ở mức cho phép”?

Sau khi có khiếu nại của người dân hai xóm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Nam Định đã có công văn phúc đáp gửi UBND huyện Giao Thủy và xã Bình Hòa. Theo đó, việc này nằm trong Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy. Bởi trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở lập dự án, xử lý các điểm tồn lưu.

Người dân cho rằng đường làng bị cày xới bởi nhiều chuyến xe chở hóa chất mỗi ngày
Người dân cho rằng đường làng bị cày xới bởi nhiều chuyến xe chở hóa chất mỗi ngày

Giải trình về việc xây hố chứa chôn lấp hóa chất BVTV, Sở này cho biết: Đã được sự đồng ý của UBND huyện Giao Thủy, xã Bình Hòa và xã Hoành Sơn. Ngoài ra, địa điểm chôn lấp có khoảng cách 500m do với khu dân cư gần nhất, là đã vượt độ an toàn cho phép (Sở cho biết theo quy định an toàn, khoảng cách này là 300m). Đối với việc người dân khiếu nại, Sở thừa nhận: Do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân.

Thông tin từ Sở cho biết thêm, theo kết quả phân tích nồng độ tồn lưu hóa chất, khối lượng đất cần xử lý tại bể là khoảng 1.600m3. Cùng với đó là các dung dịch khử trùng các loại vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn, để chất độc không phát tán ra ngoài môi trường. Sở khẳng định bể chứa hóa chất đã xây đúng quy định, không bị phát tán chất độc ra ngoài, cô lập tuyệt đối với lượng đất đã qua xử lý.

Vậy tại sao lại có sự cố xảy ra ngày 12/6/2013, khi xử lý hóa chất tại bể chứa đã có mùi khí lạ, gây khó thở, tức ngực cho nhân dân trên diện rộng?. Trả lời vấn đề này, Sở cho biết: Đơn vị thi công đã sử dụng oxy già để xử lý, khi tiến hành phản ứng oxy hóa tạo ra hơi nước, nhiệt và các gốc hydroxyl tự do bay lên.

Các chất này không gây hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc xử lý đúng lúc người dân đốt rơm rạ, đã tạo ra sự cộng hưởng khói - khí thải với nồng độ đậm đặc, gây cảm giác khó chịu cay mắt.

Trở lại dư luận người dân, họ đều không đồng tình cách trả lời trên. Theo đó, nhìn vào hiện trạng của bể chôn hóa chất độc hại, người dân cho rằng đơn vị thi công chưa xử lý tốt như công văn trình bày. Nhiều người dân cho biết trong bể còn chôn rất nhiều can nhựa, không ai biết bên trong chứa gì.

Hơn nữa, không chỉ chôn lấp nguồn gốc đất bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, nghi vấn còn chôn cất các nguồn hóa chất độc hại từ nơi khác tới mà bà con không biết ở đâu.

Một người dân nói: "Hàng ngày, các xe chở hóa chất chạy ầm ầm, cày xới tan nát đường hàng. Khi chúng tôi hỏi nguồn gốc hóa chất này từ đâu tới, không ai trả lời thỏa đáng”.

Tại sao lại chọn xã Bình Hòa làm nơi chôn hóa chất độc hại?. Trả lời Xa lộ Pháp luật, ông Mai Tiến Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Giao Thủy cho biết: Việc chọn địa điểm đã được UBND xã Bình Hòa đồng ý, trước đó không thấy ai phản đối, chỉ sau sự cố chiều 12/6, người dân mới khiếu nại.

"Theo sơ đồ xây dựng, khi xây xong cái bể đó, sẽ làm cái sân phơi rác cho xã để xử lý luôn. Nhưng bây giờ, người dân phản đối, chúng tôi đã yêu cầu dừng lại. Quan điểm của huyện, sức khỏe nhân dân là trên hết. Khi nào Sở TN&MT giải thích mà người dân đồng tình thì mới làm tiếp”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm