Nghi án chưa buộc được tội nhưng vẫn tạm giam bị cáo suốt 5 năm

(PLVN) - Ngày chị Tuyết bị tạm giam, con gái mới hơn 3 tuổi. Đứa trẻ mồ côi cha, nay lại tạm xa mẹ. Bị cáo buộc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của công ty, bị hầu tòa nhiều lần, nhưng tòa vẫn chưa thể kết án bị cáo suốt năm năm qua.
Theo quy định pháp luật, thời hạn tạm giam với bị cáo đến nay đã hết, nhưng bị cáo vẫn không được tại ngoại.
Theo quy định pháp luật, thời hạn tạm giam với bị cáo đến nay đã hết, nhưng bị cáo vẫn không được tại ngoại.

Nhiều tình tiết chưa rõ ràng 

Mới đây, lần thứ hai TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với Trần Thị Tuyết (SN 1984, ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

TAND Cấp cao nhận định, bị cáo cho rằng công ty “âm” số tiền trên 732 triệu trong khi bị hại cho rằng không có số tiền này. Theo tòa, phải khi có căn cứ chứng minh, xác định được số tiền tồn thì mới chứng minh có thất thoát tiền hay không? Và Cơ quan điều tra (CQĐT) phải chứng minh được số tiền thất thoát bao nhiêu?

Về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, CQĐT phải chứng minh được tại thời điểm chiếm đoạt và thực hiện hành vi, thủ đoạn gian dối nào? Ngoài ra, phải làm rõ cụ thể thời gian, địa điểm, hành vi phạm tội, số tiền bị cáo chiếm đoạt thông qua vụ việc nào. Trong khi đó, phía công ty cũng mâu thuẫn trong việc xác định số tiền bị chiếm đoạt… 

Theo hồ sơ, tháng 4/2007, Trần Văn Lên (SN 1987, em trai Tuyết) mua lại Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ Thiên Long với giá 200 triệu. Hoạt động chưa đầy năm, do thua lỗ liên tục, tháng 8/2008, Lên bán lại công ty cho ông Hồ Tấn Định (SN 1959, đã chết năm 2011) với giá 50 triệu. Công ty đổi tên thành Công ty TNHH Dịch vụ vệ sĩ – bảo vệ Bảo Định.

Từ năm 2007, Tuyết làm thủ quỹ. Đến ngày 11/4/2013, Tuyết xin nghỉ việc và bàn giao lại cho bà Nguyễn Thu Cúc, là giám đốc Bảo Định. Biên bản bàn giao gồm hai cuốn sổ ghi chép với số tiền còn tồn là 47 triệu. Nghi ngờ Tuyết chiếm đoạt tài sản công ty, giám đốc Bảo Định làm đơn tố giác.

CQĐT cáo buộc, từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2013, Tuyết đã lợi dụng sơ hở trong quản lý tài chính Bảo Định để chiếm đoạt của công ty trên 732 triệu. Tuyết bị bắt tạm giam.

Vụ án từng được nhiều lần đưa ra xét xử nhưng suốt năm năm qua vẫn chưa thể kết án.

Đầu tiên, năm 2015, Tuyết bị TAND tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên 12 năm tù, bồi hoàn cho Bảo Định 732 triệu. Ngày 24/2/2016 TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy án vì chưa có cơ sở vững chắc kết tội.

Ngày 9/6/2017, TAND Tiền Giang mở phiên phúc thẩm lần 2, tuyên trả hồ sơ điều trả bổ sung do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Đến ngày 27/4/2018, Tuyết bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 12 năm tù.

Liên tục kêu oan

Từ ngày bị bắt tạm giam, Tuyết liên tục kêu oan. Theo Tuyết, từ tháng 3/2010 đến cuối tháng 6/2010, Bảo Định hoạt động không hiệu quả, vì vậy các hội đồng thành viên (HĐTV) trong công ty huy động vốn nội bộ từ những người này để góp vào hoạt động của công ty lúc khó khăn. Tuyết sử dụng số tiền mượn này để chi cho hoạt động của Bảo Định chứ không chiếm đoạt.

Sau đó, Tuyết dùng nguồn lãi của công ty để thanh toán trả nợ cho 5 người trong HĐTV công ty từ tháng 7/2010 đến ngày 31/12/2012 thì hết nợ. Tất cả khoản tiền mượn, Tuyết khai tự nhớ và theo dõi trả không có chứng từ và cũng không được kế toán ra phiếu thu cập nhật vào sổ quỹ để theo dõi công nợ.

Tại phiên tòa lần này, HĐXX xét hỏi xung quanh số tiền 732 triệu thực hư ra sao, từ đâu mà có và bị chiếm dụng khi nào, như thế nào? Tại sao Bảo Định lại có 2 sổ sách ghi chép? Tuy nhiên, bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan không trả lời được hoặc “vụ việc diễn ra quá lâu nên quên”.

Trong phần tranh luận, VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vì còn nhiều tình tiết liên quan đến sổ sách, chứng từ. Việc thu thập hồ sơ tài liệu chứng cứ chưa khách quan, đầy đủ. Đồng thời, đề nghị cho bị cáo tại ngoại do thời gian tạm giam đã hết.

Các luật sư bào chữa đề nghị tòa tuyên vô tội, vì vụ án được đưa ra xét xử nhiều lần, những tình tiết mà VKS nêu ra đều được tòa nhiều lần trả cho CQĐT làm rõ nhưng đến nay không thể làm rõ được. “CQĐT không thu thập được chứng cứ chứng minh Tuyết phạm tội”, LS Phương Văn Thêm (Đoàn LS TP HCM) nói. 

Tuy nhiên, tòa chỉ chấp nhận hủy án, trả hồ sơ điều tra lại, không chấp nhận việc cho bị cáo tại ngoại.

Bị cáo Tuyết tại phiên phúc thẩm lần 2
Bị cáo Tuyết tại phiên phúc thẩm lần 2

Dấu hiệu vi phạm thời hạn tạm giam

Bị cáo Tuyết có hoàn cảnh rất đặc biệt, vô cùng khó khăn. Vừa sinh con được ba tháng, chồng Tuyết bị tai nạn giao thông tử vong. Tuyết một mình nuôi con. Cha mẹ cho phần đất nhỏ, Tuyết cất căn nhà lá làm nơi che nắng che mưa.

“Ngày Tuyết bị bắt, đứa con gái mới hơn 3 tuổi. Trong suốt năm năm qua, cháu chưa gặp được mẹ. Mấy lần cháu theo bà ngoại lên trại giam nhưng theo quy định không được vào. Cháu lên tòa cũng không được gặp mẹ, chỉ đứng từ ngoài cổng nhìn vào. Hoàn cảnh hết sức bi đát. Tôi tham gia bào chữa vụ án năm năm, nhiều lúc ngậm ngùi khi nghĩ đến cảnh nhà của Tuyết”, LS Thêm kể.

Hiện cháu bé sống với bà ngoại, đang đi học. “Cháu nhớ mẹ, nhiều lần viết thư xin cơ quan chức năng cho mẹ tại ngoại nhưng cũng không ăn thua. Nhiều lần chúng tôi ghé thăm nhà Tuyết, cháu đều hỏi “khi nào mẹ được ra tù”. Cháu chỉ mong được gặp mẹ nhưng có lẽ rất khó. Không hiểu vì sao phải cố tạm giam một người chưa đủ chứng cứ buộc tội”, LS Thêm nói.

Theo quy định pháp luật, với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (loại tội danh cao nhất), thời hạn tạm giam các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử tối đa không quá 36 tháng (tức 3 năm). Tuy nhiên, bị cáo Tuyết bị giam đến nay hơn 5 năm. LS Thêm nói: “Nhiều lần chúng tôi và gia đình làm đơn xin bảo lãnh cho Tuyết được tại ngoại. Ngay sau phiên tòa phúc thẩm vừa qua, chúng tôi cũng có đơn nhưng gần 1 tháng qua chưa thấy trả lời. Chúng tôi hi vọng, Tuyết được tại ngoại trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm đơn kiến nghị”.  

LS Thêm nói “bị cáo Tuyết vẫn rất lạc quan, tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật, tin tưởng vào các luật sư bào chữa sẽ làm sáng tỏ vụ án, minh oan cho Tuyết”.

Biết hoàn cảnh rất khó khăn nên 37 luật sư đã từng đăng ký bào chữa miễn phí cho bị cáo. Đây là số lượng kỷ lục luật sư tham gia bào chữa cho 1 bị cáo trong 1 vụ án từ trước đến nay.

Đọc thêm