Tiếp nhận phản ánh, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 2359/VPUBND-TNMT chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý tình trạng trên.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 8/7/2019, UBND huyện Quảng Ninh đã có Báo cáo số 553/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Sở TN&MT.
Báo cáo một đằng, thực tế một nẻo
Báo cáo trên cho rằng: Trước khi đi vào cải tạo, hộ gia đình ông Trúc hợp đồng với Cty Trường Đạt và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Quá trình cải tạo trong hai năm 2017 và 2018, Trường Đạt bán đất dư thừa tại chỗ cho Công ty TNHH Hoà Đại Phát (đóng tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) để xây dựng các công trình trên địa bàn.
“Sau khi cử tri phản ánh về việc hộ gia đình và đơn vị thi công trong quá trình cải tạo không sử dụng đất dư thừa để san lấp cho các công trình mà để bán làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng, cung cấp cho Nhà máy Xi măng Vạn Ninh (đóng tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân), UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức kiểm tra; và có Thông báo số 301/TB-UBND ngày 8/11/2018 tạm dừng việc thực hiện cải tạo mặt bằng của ông Ngô Minh Trúc để kiểm tra làm rõ việc khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Hiện tại hộ gia đình và công ty chấp hành việc tạm dừng cải tạo”, báo cáo này viết.
Tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của người dân địa phương, sau khi có Thông báo số 301 của UBND huyện, hộ gia đình ông Trúc và Trường Đạt không hề tạm dừng cái gọi là “cải tạo” mà vẫn cho xe tải, máy móc ồ ạt khai thác diệp thạch sét bán ra ngoài.
Ghi nhận tại hiện trường của PV trên khu vực núi Xà Cạ cho thấy, đến tháng 6/2019 (tám tháng sau khi có lệnh cấm), máy móc vẫn ồ ạt hoạt động, từng đoàn xe tải trọng lớn vẫn ngang nhiên nối nhau chở đầy khoáng sản ra ngoài. Điều khó hiểu là trong quá trình ghi nhận tình hình, PV đã thông báo cho UBND xã Vạn Ninh và Phòng TN&MT huyện Quảng Ninh nhưng không một ai đến kiểm tra và việc khai thác trộm diệp thạch sét vẫn vô tư diễn ra.
Trong báo cáo UBND huyện Quảng Ninh gửi tỉnh cũng không có một ý kiến nào về việc sẽ xử lý sai phạm của hộ ông Trúc và Trường Đạt ra sao. Ngược lại, báo cáo còn đề nghị rằng: “UBND tỉnh, Sở TN&MT cho ý kiến để tiếp tục cải tạo mặt bằng có tận thu đất có hiệu quả thu ngân sách, trồng cây theo phương án được duyệt”.
Có trách nhiệm quản lý trực tiếp trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho hay, chỉ nắm được việc hộ gia đình ông Trúc và Trường Đạt thực hiện dự án cải tạo đất trên địa bàn và được UBND huyện cho gia hạn thời gian thực hiện dự án trong Quyết định 1532/QĐ-UBND (ngày 2/11/2018). Còn với văn bản thông báo tạm dừng dự án ngày 8/11/2018, UBND xã này không hề nhận được từ UBND huyện nên không biết để ngăn chặn, xử lý.
Xe tải chở đầy diệp thạch sét từ khu vực núi Xà Cạ về nhập cho Nhà máy Xi măng Vạn Ninh |
Khoáng sản bị cho rằng chỉ là… đất san lấp
Suốt một thời gian dài theo dõi việc hộ gia đình ông Trúc và Trường Đạt “xẻ thịt” những quả đồi ở thôn Phúc Sơn (xã Vạn Ninh), PV ghi nhận thực tế rằng, phương tiện vận chuyển diệp thạch sét ra bên ngoài chủ yếu là dàn xe tải của Công ty Hòa Đại Phát. Hàng chục chiếc xe tải nối đuôi nhau ra vào tấp nập ở khu vực núi Xà Cạ mỗi ngày và điểm đến “đổ hàng” của tất cả các xe tải chở đầy diệp thạch sét là Nhà máy Xi măng Vạn Ninh. Các ý kiến phản ánh và dẫn chứng của cử tri địa phương cũng khẳng định chắc chắn điều này.
Lãnh đạo của Nhà máy Xi măng Vạn Ninh khi trao đổi với PV đã thừa nhận, hiện nhà máy chưa hoàn thành thủ tục để được cấp mỏ khoáng sản nguyên liệu phụ gia để sản xuất xi măng mà phải mua lại diệp thạch sét được khai thác từ trong mỏ khu vực núi Xà Cạ. “Chúng tôi mua diệp thạch sét này từ Hòa Đại Phát sau khi họ đã lo đủ các thủ tục, giấy tờ về thuế rồi”, vị lãnh đạo nhà máy này nói.
Thế nhưng Báo cáo số 553/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Quảng Ninh lại cho rằng vật chất tại khu vực trên chỉ là… đất san lấp: “Ngày 17/6/2019, Trường Đạt phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm tỉnh Quảng Bình lấy ba mẫu đất để phân tích hoá toàn diện, trọng sa toàn phần tại thửa đất. Theo phiếu kết quả thử nghiệm, các mẫu đất có chỉ tiêu Al2O3 (<1%) không đạt theo TCVN 6701:2013 (sét để sản xuất clanhke xi măng pooclang)”. UBND huyện đã căn cứ vào việc thử nghiệm này để cho rằng “hộ ông Trúc và Trường Đạt không khai thác diệp thạch sét mà lấy… đất san lấp đúng như mục tiêu dự án”.
Văn bản báo cáo của UBND huyện Quảng Ninh |
“San lấp người ta chuộng đất mềm mịn, đây nhìn mắt thường cũng thấy xe tải chở đi toàn cục to nhỏ đủ kiểu cứng như đá vậy, chẳng công trình nào dại gì mua đất ấy. Mà cải tạo, tận thu đất san lấp sao lại chở vào nhà máy xi măng? Đó chỉ là “vỏ bọc” để trốn thuế mà thôi. Cả vùng này ai cũng biết đất khai thác từ trong đó chở ra là diệp thạch sét, chỉ một số cán bộ huyện là như cố tình không biết thôi”, một cử tri bức xúc.
Thêm điều lạ lùng khác nằm trong báo cáo của UBND Quảng Ninh là khi nhận được ý kiến cử tri phản ánh là diệp thạch sét bị khai thác trái phép và đã ra văn bản tạm dừng từ tháng 11/2018; nhưng không hiểu vì lý do gì, mãi đến tháng 6/2019, sau thời điểm PV liên hệ chính quyền các cấp để tìm hiểu thông tin về dự án này, UBND huyện này mới ra văn bản đề nghị Sở TN&MT hỗ trợ và yêu cầu Trường Đạt phối hợp lấy mẫu chất đất để thẩm định mà không làm ngay từ tháng 11/2018? Chưa kể trong văn bản báo cáo với UBND tỉnh và Sở TN&MT, không thấy đề cập đến tiến độ dự án; khối lượng, trữ lượng, diện tích cấp phép đã khai thác đúng hay chưa?
Từ những bất thường nói trên, vẫn còn những câu hỏi chưa được trả lời: Phải chăng hàng chục nghìn m3 diệp thạch sét đã bị khai thác “núp bóng” dưới danh nghĩa cải tạo đất nông nghiệp, những khoản thuế lớn của Nhà nước đã bị thất thu để chảy vào túi doanh nghiệp? Phải chăng có một “thế lực” nào đó đang đứng sau lưng những hoạt động vi phạm pháp luật nêu trên?