Một bài mới đăng trên mạng xã hội với tiêu đề "Ở nhà quá dài, các bạn có ngại đến lớp?" thu hút rất nhiều người trẻ tương tác với đa phần câu trả lời là "Có". Các ý kiến đưa ra nhiều lý do để ủng hộ việc học online như: lo sợ dịch bệnh, thời tiết, phải dậy sớm...
Comment tại bài đăng trên Facebook. Ảnh chụp màn hình |
P.L.D.Q, sinh viên năm 3 khoa Quản trị Du lịch, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, chia sẻ: "Hơn 2 năm COVID hoành hành, có lẽ thời gian học online nhiều hơn thời gian học ở trường. Lâu dần tôi cũng đã quen với việc học này, dù không được gặp thầy cô và các bạn cũng buồn. Nếu bình thường 7 giờ vào lớp, 6 giờ tôi đã phải dậy để chuẩn bị đến trường, thì học online thoải mái hơn, 6 giờ 55 tôi mới mở mắt, bật máy tính rồi điểm danh là kịp".
Đ.H.T, sinh viên năm 2 trường Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội, cũng thích học online. Theo T, không chỉ mùa đông mà mùa hè, học online cũng dễ chịu hơn vì trường không có điều hòa. Hơn nữa, khi học trực tiếp T phải ở trọ tại Hà Nội, cơm hàng ngày đều mua ăn ngoài hàng. "Tôi thích học online để ngày nào cũng được ăn cơm mẹ nấu. Giờ đi học lại phải dọn dẹp phòng trọ dưới Hà Nội, đã hơn nửa năm không ở, chắc bẩn lắm, nghĩ đến đã thấy mệt rồi", T nói.
Học online lâu, T đã quen với thời khóa biểu, sinh hoạt hằng ngày. Theo T: "Học online thoải mái và tiện hơn rất nhiều, phần nào không nghe được hay không biết tôi thường lưu rồi xem lại. Vậy nên giờ tôi cảm thấy "lười" đi học ở trường".
Còn đối với L.T.P, sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Hà Nội: "Em chưa được đến trường ngày nào và bản thân cũng háo hức gặp thầy cô, các bạn. Nhưng vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, em và bố mẹ đều mong được học online cho đến khi hết sạch COVID-19, chứ cứ một thời gian lại bùng dịch, cả nhà ai cũng lo lắng".
PGS.TS Trần Thu Hương - Giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học quốc gia Hà Nội |
PGS.TS Trần Thu Hương - Giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, "lười và sợ đến trường" sau thời gian dài thực hiện giãn cách vì dịch bệnh là một tâm lý rất dễ hiểu.
"Một phần cũng do tâm lý lo lắng về dịch bệnh. Trường học là nơi tập trung đông người, các bạn sợ cũng đúng. Nhìn xa lại là câu chuyện các bạn lười dậy sớm trong mùa đông và học online thoải mái, không nhiều quy tắc như học trực tiếp, các bạn muốn ăn uống lúc nào cũng được. Tuy nhiên, việc đến trường là rất quan trọng, nhất là đối với các bạn học nghề và sinh viên năm cuối cần đi thực tập. Học online sẽ khiến các bạn không được giao lưu, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, điều này kìm kẹp bản năng con người rất nhiều. Còn bản thân tôi nghĩ lý do về dịch bệnh, thời tiết... đều có thể thay đổi dễ dàng, khi nhà trường có yêu cầu bắt buộc phải đến trường, lúc đó các bạn sinh viên sẽ được rèn luyện lại vào trong khuôn khổ, mọi thứ sẽ trở lại bình thường", PGS.TS Trần Thu Hương cho biết.
Nhiều trường đại học đã lên phương án đón sinh viên trở lại trường. Ngày 31/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng học, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để đáp ứng phòng chống dịch khi sinh viên trở lại học tập trung.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể, dự kiến sinh viên có thể trở lại trường vào đầu tháng 11.
Thông tin từ Ban đào tạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhà trường dự kiến giữa tháng 11 sẽ cho sinh viên trở lại trường. Tuy nhiên, việc trở lại trường của sinh viên sẽ không phải cùng một lúc, mà ưu tiên sinh viên năm cuối đến trường, chuẩn bị bài tốt nghiệp. Sau đó, trường mới cho sinh viên năm 1, 2, 3 đến trường học trực tiếp.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng ra thông báo, sinh viên năm cuối và năm thứ tư sẽ được bố trí lịch đến trường sau ngày 25/11, sinh viên năm thứ ba và thứ hai sau ngày 15/12. Riêng sinh viên năm thứ nhất chưa được xếp lịch tới trường.