Ngày 23-6, Chính phủ ban hành Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 8-8-2010.
Hợp tác kinh doanh chia nhà ở: Tối đa 20%
Nghị định 71 quy định cụ thể hơn, phân chia việc huy động vốn của người mua nhà thành năm hình thức khác nhau: vay vốn; ký hợp đồng góp vốn; hợp tác đầu tư; hợp tác kinh doanh; mua bán nhà dự án. Kèm mỗi hình thức là các điều kiện cụ thể về hình thức hợp đồng, giai đoạn của dự án.
Cụ thể, Nghị định 71 cho phép chủ đầu tư được ký hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để chia lợi nhuận bằng nhà ở của dự án với điều kiện đã có dự án nhà ở được phê duyệt, đã giải phóng mặt bằng, có biên bản bàn giao mốc giới và phải thông báo cho Sở Xây dựng nắm. Chủ đầu tư chỉ được phân chia tối đa 20% số lượng nhà ở của toàn dự án. Việc xác nhận của Sở Xây dựng đối với 20% nhà ở đã phân chia sẽ thay thế cho giấy xác nhận đã mua bán, là căn cứ để được xét cấp giấy chứng nhận. 20% nhà ở này không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Với 80% căn hộ hình thành trong tương lai còn lại của dự án, chủ đầu tư chỉ được bán khi đã thi công xong phần đà giằng móng (bao gồm cả xử lý nền nếu có), hoặc tới độ cao mặt bằng của sàn thấp nhất của công trình nhà ở và đã nghiệm thu xong. Việc mua bán phải qua sàn giao dịch bất động sản và đã báo cáo với Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án tọa lạc. Quy định này đã định nghĩa rõ ràng thế nào là xong phần móng, đưa thêm hai điều kiện “báo cáo Sở Xây dựng” và “qua sàn giao dịch bất động sản” so với Luật Nhà ở.
Chỉ được phép bán, cho thuê nhà ở xã hội sau 10 năm sử dụng
Theo quy định mới, các địa phương được lập Quỹ phát triển nhà ở. Nguồn tiền phát triển quỹ được lấy từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc ở hữu Nhà nước, 10% tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, ngân sách địa phương... Quỹ này sẽ được dùng để phát triển nhà xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn. Nghị định cũng chỉ rõ, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán, cho thuê nhà ở đó sau khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua, thuê nhà. Trước thời điểm đó, người thuê, thuê mua không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, nếu người thuê không đóng tiền thuê nhà liên tục trong 3 tháng mà không có lý do chính đáng, hợp đồng thuê nhà sẽ bị đình chỉ và căn hộ sẽ được Nhà nước thu hồi.
Thuê nhà thầu có đủ năng lực
Theo quy định mới, từ ngày 8-8-2010, nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên hoặc có chiều cao từ 3 tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì hộ gia đình, cá nhân phải thuê nhà thầu có đủ năng lựcvề xây dựng thực hiện thi công xây dựng. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín thì diện tích mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2
Việt kiều có quốc tịch Việt Nam: Được mua nhiều nhà
Nghị định 71 cũng quy định rạch ròi hơn về dự án khu đô thị mới. Theo đó, sẽ là chủ đầu tư cấp 1 khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc kiêm luôn làm dự án nhà ở. Sẽ là chủ đầu tư cấp 2 khi chỉ thuần túy xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc. Từ đó, quyền và nghĩa vụ của các chủ đầu tư trên cũng phân biệt rõ ràng từ khâu thủ tục cho đến quyền huy động vốn.
Nghị định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có quyền sở hữu không hạn chế số lượng nhà đất tại Việt Nam. Người có gốc Việt Nam cũng được quyền này nếu thuộc một trong số các diện: người đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công với đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học, có kỹ năng đặc biệt hoặc có vợ/chồng là công dân Việt Nam, đang sinh sống trong nước và có giấy chứng nhận kết hôn. Khi không thỏa một trong các điều kiện trên thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam (không có quốc tịch Việt Nam) chỉ được quyền sở hữu một căn hộ riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.
PV