Nghị lực của một nhà giáo ưu tú

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước, hiếu học nơi mảnh đất Can Lộc, khi đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giống như bè bạn đồng trang lứa, cô gái xinh đẹp Kim Từ mong muốn được tham gia công tác vận chuyển thương binh, ca hát phục vụ bộ đội tại tuyến lửa ác liệt ngã ba Đồng Lộc.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước, hiếu học nơi mảnh đất Can Lộc, khi đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giống như bè bạn đồng trang lứa, cô gái xinh đẹp Kim Từ mong muốn được tham gia công tác vận chuyển thương binh, ca hát phục vụ bộ đội tại tuyến lửa ác liệt ngã ba Đồng Lộc. Nhìn các anh bộ đội chiến đấu dũng cảm trên chiến trường bảo vệ quê hương, Kim Từ mơ ước được đứng vào hàng ngũ của Đảng như các anh và trở thành nữ quân nhân. Rồi với kết quả học tập xuất sắc ở trường phổ thông, Từ được gọi vào khoa Địa lý, Đại học Sư phạm I Hà Nội. Đầu năm học thứ 2 trên đường từ quê trở lại Hà Nội, tai hoạ bất ngờ giáng xuống làm chị bị mất đi một cánh tay. “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, giữa cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, Kim Từ phải sống trong mặc cảm, đau đớn. Có lúc chị thấy như mất niềm tin và muốn rời bỏ thế giới này. Nhưng với sự động viên, an ủi của gia đình, bạn bè, thầy cô, chị đã vượt qua mặc cảm, tiếp tục đến trường. Không phụ lòng tin của người thân, trong suốt những năm cuối của đại học, chị luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Câu thơ của Bác Hồ: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên” đã luôn là động lực tinh thần nâng đỡ chị mỗi lúc gặp khó khăn, chán nản.

 Cô giáo Kim Từ với học sinh trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Cô giáo Kim Từ với học sinh trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Năm 1972, tốt nghiệp đại học, Kim Từ tình nguyện xin về giảng dạy tại trường PTTH Trần Phú, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mặc dù lúc đó với hoàn cảnh của chị, nhiều người cho rằng chị sẽ về dạy nơi quê nhà Can Lộc để đỡ khó khăn trong cuộc sống. “Mình đã được học, đã có kiến thức, mình vừa muốn thử thách chính bản thân vừa muốn được góp sức lực nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục ở huyện miền núi vẫn còn quá nhiều khó khăn ấy” - chị tâm sự.

Không thể nói hết những khó khăn mà chị gặp phải trong những ngày đầu lên Đức Thọ dạy học. Buổi đầu tiên lên lớp, cô giáo trẻ Kim Từ không quên được cảm giác lo lắng, hồi hộp: Học sinh sẽ nhìn mình thế nào? Với một cánh tay, mình sẽ xoay sở thế nào với bảng đen, phấn trắng? Nhà trường và Ban giám hiệu liệu có tin tưởng vào mình? Cô hiểu rằng với người giáo viên, điều quan trọng là giảng dạy tốt, thật lòng yêu thương, nhiệt tình truyền đạt kiến thức cho học sinh và cô dồn hết tâm huyết cho những bài giảng. Có lẽ khó khăn nhất đối với cô là vẽ và treo bản đồ. Ngày đó, dụng cụ dạy học chưa được như bây giờ, giáo viên phải tự vẽ lấy bản đồ bằng bút dạ trên giấy. Có những đêm cô gần như thức trắng để vẽ bản đồ kịp cho giờ giảng hôm sau. Và hình như ông trời cũng thương cô, ngoài năng khiếu ca hát cô còn vẽ rất đẹp.

Sau nhiều đêm trăn trở, làm thế nào để môn địa lý không bị coi là “môn phụ”, cô quyết định mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy học mới, kích thích sự yêu thích của học trò. Không theo lối mòn - cô đọc trò chép, cô chủ động gợi ý để học sinh tích cực tham gia vào việc xây dựng bài. Ví như trước mỗi bài giảng mới, cô yêu cầu học sinh (được chia theo nhóm) sưu tầm nhiều bức tranh về từng vùng, miền địa lý. Đến lớp, học sinh thảo luận những vấn đề xung quanh một chủ đề gắn liền với bài giảng. Cô giáo là người hướng dẫn và bổ sung những gì cần thiết và đưa ra kết luận cuối cùng. Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, cô giáo Kim Từ  luôn cập nhật thông tin mới về tình hình kinh tế-xã hội qua báo chí, đặc biệt là chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam và cung cấp những thông tin chính yếu để học sinh có thể vừa tiếp cận với nội dung sách giáo khoa, vừa kịp thời cập nhật thông tin. Sau mỗi bài giảng, bao giờ cô cũng tạo điều kiện để học sinh phát biểu, liên hệ với thực tiễn xung quanh và cô lại bổ sung những thông tin liên quan đến bài giảng. Cô thổ lộ: “Giáo viên địa lý giỏi là người không chỉ cung cấp cho các em học sinh những kiến thức phổ thông về địa lý mà phải làm sao cho học sinh thêm yêu quý và có trách nhiệm với quê hương, Tổ quốc mình”. Những cố gắng của cô giáo Kim Từ đã mang đến cho học sinh hứng thú học bài. Lớp học của cô bao giờ cũng vui, sôi nổi. Giờ địa lý không còn là những bài giảng khô khan mà trở thành cơ hội cho chính các em khám phá về địa lý của đất nước. Học trò của cô dù đã ra trường rất lâu nhưng vẫn luôn nhớ về những giờ giảng của cô; có người công tác ở xa nhưng mỗi lần về quê đều không quên đến thăm cô giáo cũ. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người làm thầy.

Sau 13 năm cống hiến cho giáo dục miền núi, cô được điều về dạy tại Trường PTTH Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh. Và chính tại ngôi trường mới này cô đã gặp được người cảm thông, yêu thương và giúp đỡ cô hết mực. Anh là thầy giáo dạy cùng trường, con gia đình liệt sĩ và cô được hưởng niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Với một người phụ nữ bình thường nuôi con đã không phải là một việc dễ dàng,  người chỉ còn một cánh tay như cô khó khăn gấp nhiều lần. Các con cô dường như cũng thấu hiểu hoàn cảnh nên đều rất ngoan. Khi nói về gia đình của mình, trong mắt cô ánh lên niềm hạnh phúc. Cả ba người con của cô đều ngoan, học giỏi và đều trưởng thành. Hai người con gái tiếp nối truyền thống của bố mẹ trở thành giáo viên, anh con trai thứ hiện là kỹ sư xây dựng.

Trong thời kỳ bao cấp khó khăn, tiền lương không đủ nuôi sống gia đình, nhiều người đã khuyên cô bỏ nghề. Nhưng vợ chồng cô vẫn gắn bó với trường lớp, với học sinh. Để có thể đảm bảo cuộc sống, cô tranh thủ làm thêm nhiều nghề phụ và luôn giữ “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Tháng 5-1998, niềm ước mơ trở thành đảng viên từ ngày còn trẻ của cô đã thành sự thật. Cô không thể quên được cảm xúc trong ngày được kết nạp. “Trở thành đảng viên là niềm sung sướng vì tổ chức đã ghi nhận quá trình phấn đấu của mình, nhưng hạnh phúc là không ngừng nỗ lực, sống sao cho xứng đáng với danh hiệu đảng viên” - cô Từ tâm sự. Sau khi vào Đảng, cô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Nhà trường, cô được phân công phụ trách Ban Nữ công. Nhận trách nhiệm mới, là người mẹ, người vợ, cô hiểu những khó khăn vất vả của chị em trong việc vừa chăm lo cuộc sống gia đình, vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể. Cùng với tập thể Ban Nữ công, cô đã tổ chức nhiều hoạt động, tạo ra các phong trào phụ nữ giỏi việc dạy học, đảm việc nhà. 

Năng nổ, tích cực, vừa tham gia hoạt động phong trào, vừa đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, năm học nào cô cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô còn tham gia nhiều đề tài khoa học để nâng cao chất lượng giảng dạy như: “Sử dụng sơ đồ trong giảng dạy địa lý”. Cô đã được Công đoàn Ngành Giáo dục tặng bằng khen, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Năm 2007, vinh dự lớn nữa lại đến với cô giáo Kim Từ khi cô được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. 

đã ở tuổi hưu nhưng cô không nghỉ. Được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, cô tham gia giảng dạy tại Trường PTTH bán công Hồng Lam và bồi dưỡng học sinh giỏi. Hoàn toàn có thể nghỉ ngơi sau hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhưng nghĩ mình còn khỏe, được học sinh yêu mến, cô vẫn muốn tiếp tục truyền thụ kiến thức cho các em. Giờ đây, người dân Khối 3, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh vẫn thấy cô giáo Kim Từ trong cương vị tổ trưởng tổ đảng thường xuyên vận động bà con tích cực tham gia các hoạt động xây dựng khu dân cư văn hóa…

Theo xaydungdang.org.vn

Đọc thêm