Xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có diện tích đất tự nhiên gần 1.500 ha. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địch đã dựng trên địa bàn xã và các xã xung quanh nhiều đồn bốt: Quỹ Nhất, Ngọc Lâm, Văn Giáo, Đồng Văn để kiểm soát chặt chẽ cửa sông Đáy, một điểm giao thông huyết mạch; đồng thời giữ chặt mảnh đất đầu cầu nối Phát Diệm, Kim Đài (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) với miền hạ Nghĩa Hưng để sang các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, gây khó khăn cho phong trào cách mạng địa phương. Ngay từ khi mới giành chính quyền, chi bộ Đảng ở Nghĩa Hải đã được thành lập, vừa thực hiện nhiệm vụ củng cố chính quyền, ổn định đời sống nhân dân, vừa tổ chức xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến. Từng đảng viên đã ngày đêm bám đất, bám dân, làm chỗ dựa cho hoạt động của lực lượng vũ trang. Chi bộ và quần chúng nhân dân đã chú trọng quan tâm xây dựng, tham gia các đoàn thể chính trị như phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc. Xã thành lập một đại du kích gồm 165 đồng chí. Các khu vực trọng điểm được xác định, xây dựng các công sự hình thành trận địa phòng ngự, đặc biệt tại cửa ngõ đi vào xã như Ngọc Lâm, làng Văn Giáo, Thượng Trại. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nhân dân và lực lượng vũ trang Nghĩa Hải ngày đêm hăng hái tăng gia sản xuất, chi viện cho chiến trường, tích cực đào hầm, đắp ụ, luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Du kích và nhân dân trong xã đã đào 2.800m giao thông hào, 526 hầm hố chiến đấu. Các phong trào “Thi đua ái quốc”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Mùa đông binh sỹ”… được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân Nghĩa Hải đã kiên cường, dũng cảm tổ chức đánh trả 105 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hơn 200 tên địch, thu 70 khẩu súng, nhiều đạn dược các loại, giải tán 9 ban tề… Tháng 3-1948, làng Ân Phú, Văn Giáo đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen: “Tôi được biết đồng bào đã bỏ sự ăn uống hàng ngày đem ruộng hậu và huê điền đấu giá được 2.000 đồng giúp quỹ “Mùa đông binh sỹ”. Tôi thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào và thay mặt chiến sỹ cảm ơn đồng bào. Đồng bào đã bỏ sự ăn uống hoang phí thế là thực hành chữ tiết kiệm, thực hành đời sống mới, lại đem số tiền tiết kiệm được giúp chiến sỹ, thế là thực hành ủng hộ kháng chiến…”. Không chỉ dũng cảm chiến đấu bảo vệ quê hương, người dân Nghĩa Hải còn đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, Nghĩa Hải có 30 người đi tham gia quân đội, 20 người đi thanh niên xung phong, 216 lượt người tham gia du kích, 120 người đi dân công; ủng hộ 10 tấn thóc, 17.000 đồng công phiếu, công trái, 100 tấn thóc thuế; 32 người hy sinh anh dũng được công nhận là liệt sỹ, 6 thương binh. Toàn xã đã đóng góp cho kháng chiến hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, riêng phụ nữ đóng góp trên 3.000 ngày công lao động lấy tiền ủng hộ nuôi quân kháng chiến. Nhiều gia đình, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến và Bằng khen của Chính phủ.
|
Ngư dân Giao Thủy thu hoạch hải sản. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Phát huy truyền thống anh hùng, trong thời kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghĩa Hải ra sức thi đua lao động, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xã đã nỗ lực tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thường xuyên chỉ đạo chăm lo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị vững mạnh. Tiếp bước cha anh, những năm qua, nhiều lớp thanh niên trong xã hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đến nay, Đảng bộ xã có 293 đảng viên sinh hoạt tại 21 chi bộ. Xã luôn giữ vững danh hiệu là một trong những đơn vị dẫn đầu huyện Nghĩa Hưng về năng suất lúa với mức bình quân đạt 125 tạ/ha/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 650 kg/người/năm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã còn phát triển nhiều ngành nghề khác như trồng nấm, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại…, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm…, quan tâm, chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục. Các công trình phúc lợi đã phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh cho nhân dân. Trạm xá, trường học được xây dựng kiên cố, đạt chuẩn quốc gia. Các trục đường giao thông liên xã, liên thôn, đường dong ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, nhiều nhà văn hóa được xây dựng. Đời sống nhân dân được nâng cao, 100% gia đình có điện sinh hoạt, dùng nước sạch và các phương tiện hiện đại. Kinh tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của xã được giữ vững. Những năm gần đây, nhiều học sinh của các trường trong xã đã tham dự và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, mỗi năm có hàng chục em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, Nghĩa Hải có gần 500 đối tượng chính sách, trong đó có 216 gia đình liệt sỹ, 145 thương bệnh, 51 bệnh binh, 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 118 người bị nhiễm chất độc da cam. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, xã đã huy động được 60 triệu đồng, lập 300 sổ tiết kiệm tình nghĩa để tặng các đối tượng chính sách, làm 4 nhà tình nghĩa trị giá 215 triệu đồng. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ổn định, phát triển, cuộc sống của người dân Nghĩa Hải hôm nay đang hối hả đi lên. Phát huy truyền thống anh hùng, nhân dân Nghĩa Hải đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương trong công cuộc đổi mới để xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước, những người đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp của đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân xã Nghĩa Hải trong kháng chiến, năm 2010, Nhà nước đã phong tặng xã Nghĩa Hải danh hiệu “Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp”./.
Thanh Thủy