Ông bà ta có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Thế nhưng, có một người phụ nữ, bằng trái tim nhân hậu và đức hy sinh cao cả của mình đã thay đổi quan niệm cổ hủ ấy. Yêu và lấy một người đàn ông đã “lỡ một lần đò”, có hai con, vậy mà chị vẫn vượt qua khó khăn để nuôi dạy hai con chồng ăn học thành tài. Chị là Lê Thị Hằng Ngân, hiện trú tại tổ 9, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.
Từ nhỏ, chị Ngân đã quen sống trong sự bảo bọc, chở che của cha mẹ, anh em, được gia đình yêu thương hết mực. Càng lớn, chị càng chứng tỏ với mọi người những đức tính tốt đẹp, đó là nhân hậu, cần cù và rất mực chịu thương chịu khó. 23 tuổi, lúc đang ở độ chín của nhan sắc, là tâm điểm chú ý của biết bao chàng trai, chị lại quyết định yêu và lấy anh Trần Văn Biên, người đàn ông đã một lần vợ. Lúc đó, họ hàng hai bên nội ngoại đều phản đối. Ngày anh Biên chính thức qua nhà chị thưa chuyện, mẹ chị ngất lên ngất xuống. Nhưng rồi chị Ngân tuyên bố rằng, nếu không lấy được anh Biên, suốt đời này chị sẽ ở vậy, không lập gia đình.
Trước quyết tâm của con gái, cha mẹ chị biết không thể khuất phục được nên đành đồng ý. Bấy giờ, vợ cũ của anh Biên đã qua đời do bệnh tật, để lại cho anh hai đứa con thơ dại. Con gái lớn đang học lớp 3, cậu con trai nhỏ đang đi mẫu giáo bé. Những năm này, anh Biên đang công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu Hòa Vang, do tính chất công việc nên anh thường xuyên đi công tác xa, có những lần hai ba tháng mới về nhà một lần. Sợ chị vất vả, anh đem gửi cháu lớn sang cho bà ngoại nuôi, còn cháu nhỏ để ở nhà với chị. Thế nhưng, không đành lòng nhìn hai chị em đã thiếu mẹ, nay lại phải sống xa nhau, chị xin đưa cháu lớn về. Khi anh Biên đi công tác về, thấy cảnh ba mẹ con quây quần bên nhau, anh chợt trào nước mắt. Và lúc đó, anh hiểu rằng, chị chính là người phụ nữ cần cho hai con anh và cho cả anh nữa.
Chị nhớ lại những ngày tháng đó, buổi sáng phải dậy sớm nấu cơm cho hai con ăn, rồi chở chúng đến trường học. Đến chiều, khi tan sở, chị lại vội vàng đạp chiếc xe cọc cạch đến nhà trẻ đón con trai về, tất bật tắm rửa và lo bữa tối cho các con. Xong đâu đấy, chị lại dạy đứa lớn học, cho đứa nhỏ ngủ. Khi con gái bước vào độ tuổi dậy thì, chị luôn bên cạnh con, chỉ dạy cho con những kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản vị thành niên, giúp con có một cái nhìn đúng đắn về tình bạn, tình yêu.
Và ngay cả với con trai, chị cũng chu đáo như vậy. Hai cháu luôn được hàng xóm khen ngợi vì rất mực lễ phép, ngoan hiền, biết vâng lời cha và dì. Bà con họ hàng anh Biên đã xem chị là con dâu thảo hiền. Mẹ chồng chị vẫn nói với hàng xóm rằng: “Thằng Biên nhà tôi có phúc lớn mới lấy được cô vợ đảm đang, nhân hậu”. Nhiều người hỏi chị, tại sao lại quyết định lấy anh Biên, chịu bao lời đàm tiếu của người đời như vậy, chị nói “Có lẽ đó là cái duyên cái số thôi. Tôi thấy thương hai cháu bơ vơ, thiếu hơi ấm của mẹ nên về chăm sóc các cháu thôi. Tôi không nghĩ là mình thiệt thòi gì hết, vì hai cháu rất ngoan và yêu thương, quý mến tôi như mẹ ruột. Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn con đường này”.
Chị bảo, niềm vui lớn nhất của chị là thấy hai con khôn lớn từng ngày. Hai cháu đều có thành tích học tập xuất sắc, là niềm tự hào của vợ chồng chị. Khi cháu gái đầu đỗ đại học luật, chị lặng người đi vì sung sướng, niềm hạnh phúc tưởng như chực vỡ òa. Đậu đại học, cháu vào thành phố Hồ Chí Minh học. Bốn năm trời ròng rã, chị Ngân ở nhà phải lo làm thêm, chắt chiu kiếm tiền gửi vào cho con ăn học. Mấy lần, nhớ con quá, chị phải đón xe đò vào thăm. Vừa rồi, khi tốt nghiệp, cháu được nhận vào làm việc ở Tòa án Nhân dân thành phố, chị đã bàn với chồng mua cho con chiếc xe máy và máy tính để con thuận tiện hơn trong công việc. Cháu thứ hai đang học Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, cứ nằng nặc đòi đi dạy kèm để đỡ cho chị, nhưng chị không đồng ý, bảo con cứ lo học hành chu đáo...
Chứng kiến những chuyện chị làm với hai con chồng, bà con lối xóm thật sự nể phục và có chung suy nghĩ: Thật không dễ gì tìm ra một người phụ nữ với đức hy sinh cao cả như vậy. Và chợt thấy lòng ấm áp biết bao khi nghe con trai chị thổ lộ: “Suốt đời này con biết ơn dì - người tuy không sinh ra con nhưng lại nuôi nấng con nên người, trở thành một người có ích cho xã hội. Con muốn nói với dì, công dưỡng nặng hơn cả công sinh, dì đã sinh ra chị em con lần thứ hai. Con mong dì sống mãi với chúng con để chúng con được báo hiếu cho dì”.
LÊ PHƯỢNG