Nghịch cảnh và... vượt qua nghịch cảnh

Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được thỏa mãn khát khao làm bố, làm mẹ. Tuy nhiên, cũng có không ít giọt nước mắt chảy vào trong ở những căn nhà vắng tiếng trẻ thơ.

Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được thỏa mãn khát khao làm bố, làm mẹ. Tuy nhiên, cũng có không ít giọt nước mắt chảy vào trong ở những căn nhà vắng tiếng trẻ thơ. Trong nhiều trường hợp, người trong cuộc đã biết chấp nhận số phận, để mong giữ lại hạnh phúc gia đình vốn đã rất mong manh.

Những câu chuyện cầm lòng không đặng

Mô tả ảnh.

Bác sĩ Chu Hoàng Khánh Hương, khoa Sản, Bệnh viện Đà Nẵng đang tư vấn cách chữa trị cho cặp đôi hiếm muộn.

Yêu nhau khi còn ngồi trên giảng đường, anh T.M.T (35 tuổi) và chị N.K.N (33 tuổi), cùng ở Sơn Trà, Đà Nẵng thầm hứa với nhau sẽ giữ gìn sự trinh trắng cho đêm tân hôn. Mối tình trong sáng ấy được nuôi dưỡng với bao thêu dệt về một mái nhà hạnh phúc. Chị N. nhớ lại: “Ngày ấy, trong những câu chuyện của hai đứa, đã hiện lên cảnh vợ chồng ngày đi làm, tối về cùng chăm sóc nhà cửa, con cái. Chúng tôi còn nghĩ ra vài cái tên thật dễ thương như Thảo Miên, Bình Minh… để đặt tên con sau này”.

Rồi mọi chuyện không như mong muốn, cưới nhau đã 6 năm nhưng ước mơ có một đứa con vẫn còn là chuyện rất xa vời. Thời gian đầu, hai vợ chồng tự an ủi nhau. Đến năm thứ 4, vợ chồng anh T. như ngồi trên đống lửa. Chuỗi ngày đó với chị N. thật nặng nề. Chồng buồn đi nhậu triền miên. Gia đình bên chồng thất vọng. Thỉnh thoảng chị lai phải nghe đâu đó lời bóng gió “cây độc cây không trái, gái độc gái không con”, khiến tim chị như có ngàn mũi kim châm.

Trường hợp chị L.T.H, 31 tuổi, quê Quảng Nam lại khác. Làm việc tại Đà Nẵng, chị kết hôn với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Gia đình nhà chồng tạo điều kiện cho anh chị căn hộ để ở với điều kiện duy nhất, hai vợ chồng phải mau mau cho ông bà đứa cháu để ẵm bồng . Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, chị H. vẫn “chưa có gì”. “Áp lực từ gia đình chồng quá lớn khiến tôi một mình chạy chữa từ tâm lý đến uống thuốc Bắc, Tây y, Đông y... Từng ấy năm, tiền bạc làm ra chỉ để chữa bệnh nhưng kết quả vẫn chẳng thấy đâu. Từng được gia đình chồng yêu quý, nhưng bây giờ, mẹ chồng lúc nào nhìn thấy con dâu cũng mặt nặng mày nhẹ”. Chị H. chua xót nói.

Cùng chung cảnh ngộ hiếm muộn, nhưng trường hợp của chị N.T.H, 29 tuổi (Sơn Trà, Đà Nẵng) lại mang một nỗi đau đớn khác. Cưới chồng từ năm 23 tuổi, sau 3 năm, chị H. vẫn chưa có dấu hiệu gì là ốm nghén. Chồng chị lại là con một trong gia đình nên mỗi khi ai đó nhắc “sao không sinh cho ông bà nội một đứa cháu ẵm bồng”, chị lại mang mặc cảm có tội với gia đình chồng vì không làm tròn bổn phận dâu con.  Đắn đo mãi, vợ chồng chị tìm đến Khoa Sản, Bệnh viện Đà Nẵng. Sau nhiều tháng chữa trị theo bác sĩ hướng dẫn, chị vui mừng báo với mọi người kết quả mình đã có thai. Biết được tin ấy, chồng chị bỏ cả công việc ở cơ quan để về chở vợ đi khám. Nhưng đáp lại niềm hy vọng đang khấp khởi trong lòng họ, là kết luận: “thai ngoài tử cung, phải mổ bỏ”. Một bác sĩ ở Phòng Hiếm muộn, Khoa Sản, Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp khám và chữa trường hợp này cho biết: “Đây thực sự là cú sốc quá lớn đối với họ. Không có con đã đành, nay có thai lại phải bỏ đi. Chỉ có ai gặp phải tình cảnh đó, mới thấu hiểu nỗi đau mà họ đã trải qua”.

Cùng một sự chia sẻ

Tại Trung tâm (TT) Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đà Nẵng, bình quân có khoảng 15 người/ngày đến xin tư vấn về cách chữa trị bệnh hiếm muộn. Tuy nhiên, không phải ai đến đây cũng đều thu được kết quả như mong muốn. Trường hợp vợ chồng anh N.V.M (Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng vậy. 6 năm trước, anh chị cũng từng tìm đến TT tư vấn, chữa chạy với niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ. Tại đây, anh được chẩn đoán là tinh trùng yếu, cộng với vợ rối loạn rụng trứng nên rất khó đậu thai. Sau nhiều tháng cần mẫn làm theo hướng dẫn của bác sĩ, vợ chồng anh vẫn nhận về con số 0 tròn trĩnh. Có người mách vào Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) để làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng với người lao động tay chân như anh chị, chi phí cho việc thụ tinh trong ống nghiệm là quá sức.

Sau nhiều năm buồn nản, phần vì muốn có con, phần vì bị áp lực từ gia đình chồng, chị Ng., vợ anh đề nghị ly dị để giải tỏa áp lực cho nhau. Anh chia sẻ: “Ngày ấy, khi nghe vợ nói thế, tôi hoảng thật sự. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu cô ấy cũng ngày đêm mong có một đứa con. Nhưng nếu vì không có con mà vợ chồng đứt gánh giữa đàng, thì tôi không đành lòng. Vợ chồng tôi đã tâm sự với nhau rất nhiều và nhận ra, hạnh phúc gia đình không hoàn toàn mất đi dù không có con”. Vượt qua những năm tháng khủng hoảng ấy, vợ chồng anh M. vẫn sống hạnh phúc trong gia đình thiếu vắng tiếng cười con trẻ. Nhưng anh chị vẫn ở bên nhau, chăm sóc cho nhau và làm trọn bổn phận của dâu hiền, rể thảo.

Xin con nuôi là cách mà nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn lựa chọn để thỏa mãn khát khao làm cha, làm mẹ. Bà Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc TT nuôi trẻ mồ côi Đà Nẵng (55 Thủ Khoa Huân) cho hay, thỉnh thoảng vẫn có những cặp vợ chồng hiếm muộn đến TT để xin con nuôi. Một số em bé mồ côi (từ 0 đến 4 tuổi) được chăm sóc ở TT có cơ hội tìm được mái ấm gia đình. Người đến đây xin con nuôi phần lớn tập trung ở độ tuổi trên 35. Ở tuổi này, hầu hết mọi người đã biết chấp nhận số phận để giữ vững hạnh phúc gia đình.

Vợ chồng anh T.V.H (Sơn Trà, Đà Nẵng) sau hơn 8 năm đi khám và điều trị khắp nơi không đem lại kết quả, cách đây 3 năm, họ đã tìm đến TT để xin một đứa con nuôi. Anh bộc bạch: “Lúc vợ chồng tôi đến, tại TT có khoảng 20 đứa trẻ bụ bẫm, rất dễ thương đang chơi đùa với nhau. Vợ tôi cầm lòng không được, đã bật khóc ngay giữa TT. Bởi nghịch cảnh, người có con lại bỏ, người thì mong mãi không thấy. Được TT giúp đỡ, chúng tôi đã đón một bé trai về nuôi. Bây giờ, con tôi cũng đã vào mẫu giáo. Tuy không phải là con ruột nhưng bằng tình yêu thương, tôi tin gia đình mình sẽ sống hạnh phúc”. Anh H. nở nụ cười mãn nguyện.

Tiểu Yến

Đọc thêm