Nghịch lý có bảo hiểm y tế nhưng bỏ tiền để khám dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do thủ tục rườm rà, nhiều bệnh nhân không đủ kiên nhẫn xin giấy chuyển nên tự bỏ tiền đi khám dịch vụ, không được thanh toán bảo hiểm y tế, dù hạn chế khả năng kinh tế. Một số người không tuân thủ tái khám, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Ảnh minh họa: Ngọc Nga
Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Cách đây khoảng 3 năm, anh Nguyễn Văn Tuấn (Thái Bình) bất ngờ phát hiện hở van tim, phải tiến hành đặt Stent. Hoàn thành cuộc phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội, anh Tuấn được các bác sĩ hẹn tái khám sau 1 tháng. Dù có bảo hiểm y tế, nhưng theo quy định, để được hưởng bảo hiểm phải có giấy chuyển tuyến, trong khi đó, thủ tục xin giấy không đơn giản, nên thay vì chờ đợi, anh Tuấn đã tự bỏ tiền đi tái khám dịch vụ.

Trước đó, báo chí đã phản ánh trường hợp bệnh nhân nam 54 tuổi ở Vĩnh Phúc mắc bệnh K hạ họng, đã được điều trị xạ trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Sau thời gian điều trị kéo dài, ông đã được cho xuất viện về nhà. Trước khi xuất viện, bác sĩ hẹn ông sau 2 tháng cần tái khám, trước khi tái khám ông phải qua bệnh viện huyện xin giấy chuyển viện để hưởng bảo hiểm y tế. Bệnh nhân tuân thủ quy trình tái khám của bác sĩ nhưng không qua bệnh viện huyện xin giấy chuyển viện. Đề cập đến lý do đi khám dịch vụ, bệnh nhân cho rằng, muốn được bảo hiểm chi trả, phải có giấy chuyển viện từ tuyến huyện. Thủ tục phức tạp, ông nghe lời nhiều người từng điều trị ung thư trước đó nên bỏ qua tuyến huyện lên thẳng Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp bệnh nhân dù có bảo hiểm y tế, nhưng do thủ tục rườm rà mà tự bỏ tiền đi khám dịch vụ.

Bộ Y tế đang nghiên cứu cách làm đơn giản hơn về giấy hẹn tái khám

Trả lời vấn đề này, ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho hay, không phải cơ sở y tế nào cũng xảy ra tình trạng trên. Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này.

ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Ngọc Nga

ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Ngọc Nga

Thứ nhất, theo Chỉ thị số 25 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ sở phải phân luồng người bệnh hẹn tái khám, thực hiện hệ thống hẹn lịch trên điện thoại, online… để bảo đảm không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi. Bộ Y tế thường xuyên có công văn đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện việc này.

Thứ hai, Bộ Y tế đang nghiên cứu cách làm đơn giản hơn về giấy hẹn tái khám. Theo đó thay vì bắt buộc phải là lãnh đạo cơ sở y tế ký giấy này như hiện nay thi có thể phân cấp cho các trưởng khoa, phòng trong cơ sở khám chữa bệnh để nhiều người có thể ký giấy này, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi.

Thứ ba, tại Nghị định 75 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT do Chính phủ ban hành vừa có hiệu lực từ 3/12 cũng có quy định liên quan giấy hẹn này, trong đó đã có những giải pháp để giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.

“Nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng thời gian 10 ngày của giấy hẹn khám lại, thì có thể liên hệ trước với cơ sở y tế để đề nghị một lịch hẹn khác. Như thế, bệnh nhân không phải xin giấy lại giấy hẹn và không phải chờ đợi”, bà Trang thông tin thêm.

Ngoài ra, sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và khám lại theo hình thức điện tử. “Chúng tôi đang xin ý kiến các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH về các trường thông tin số hóa các loại giấy tờ này. Sau khi được ban hành sẽ chạy thử 6 tháng, nếu phù hợp sẽ giúp giảm phiền hà cho người bệnh”, bà Trang nói.

Giấy chuyển tuyến điện tử có thể tích hợp vào ứng dụng thẻ BHYT, mã thẻ BHYT của người bệnh hoặc mã định danh công dân hoặc thông qua hệ thống VssID của BHXH Việt Nam. Khi đến cơ sở yêu cầu giấy hẹn tái khám, bệnh nhân có thể mang thẻ BHYT điện tử hoặc mã định danh công dân trình cơ sở tiếp nhận để được khám chữa bệnh, hưởng BHYT theo quy định. Hoặc thông qua hệ thống VssID, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự tra cứu. Sau thời gian chạy thử, Bộ Y tế sẽ có hiệu chỉnh và ban hành chính thức.

Cuối cùng, ngoài phân quyền ký giấy, một giải pháp để thủ tục đơn giản hơn đang được nghiên cứu là thực hiện ký bằng bản điện tử, dấu điện tử, chữ ký điện tử thay vì ký thường (ký tươi) để nhanh hơn. Theo đó, lãnh đạo các khoa, phòng có thể ký được giấy dù ở đâu.

Đối với các văn bản như giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại cấp trong năm 2023, Vụ BHYT sẽ có công văn đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở có thể cấp giấy cho người bệnh luôn trong tháng 12, chứ không phải chờ đến tháng 1/2024 mới cấp và thực hiện trong năm 2024.

“Đó là những giải pháp nhằm đảm bảo giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh và để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo đảm sự thuận tiện cho người bệnh”, bà Trang nhấn mạnh.

Đọc thêm