Nghịch lý của hòa hợp

“Nỗi khổ tâm lớn nhất của người phụ nữ là có một ông chồng vui tính” – câu châm ngôn đó xuất phát từ phương Tây cổ đại, thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng với chị sao mà nó thấm thía thế. Anh đích thị là người đàn ông vui tính, có khiếu hài hước tuyệt vời, chỗ nào có anh là rộn rã tiếng cười. Bực nhất là các bà các cô cứ tít mắt lại, há mồm nghe anh kể chuyện, lại còn nhìn anh một cách đắm đuối nữa.

“Nỗi khổ tâm lớn nhất của người phụ nữ là có một ông chồng vui tính” – câu châm ngôn đó xuất phát từ phương Tây cổ đại, thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng với chị sao mà nó thấm thía thế. Anh đích thị là người đàn ông vui tính, có khiếu hài hước tuyệt vời, chỗ nào có anh là rộn rã tiếng cười. Bực nhất là các bà các cô cứ tít mắt lại, há mồm nghe anh kể chuyện, lại còn nhìn anh một cách đắm đuối nữa. 

hình minh họa
Song, nếu thế thì còn chịu đựng được. Anh chỉ vui tính giữa bạn bè, đám đông ở bên ngoài mà thôi. Cứ về đến nhà là sự hài hước biến mất, thay vào đấy là vẻ mặt khó đăm đăm, nhận xét về cái gì đó về vợ con là đầy sự châm biếm, chị nghe mà tức anh ách. Tuy nhiên, khó mà cãi lại anh, bởi ngay lập tức anh “trả đũa” bằng từ ngữ gây cười, mà lúc đó có cố nhịn cười để giữ nghiêm nghị cũng là sự khó chịu. Lâu dần, chị hóa ra người khô khan, có chọc cũng không cười.
Cô em gái chồng cũng hệt tính anh trai (có lẽ họ có gen di truyền). Cô ham vui, nhiều buổi mải tán chuyện với bạn bè, tối vẫn chưa về. Chồng cô lại là người hiền lành, có cậy răng cũng chẳng nói, lẳng lặng làm hết việc nhà, kể cả giặt giũ cho vợ. Hai nhà ở gần nhau, cô em thường sang nhà chị kể chuyện trên trời, dưới bể, tự thưởng cho mình những tràng cười giòn giã, chồng gọi cũng không chịu về ngay. Có ở nhà thì cô cũng lên mạng chát chít. Chị thường nghe cô em réo chồng: “Anh ơi, con ị!” hoặc “Kẻng đổ rác kìa anh!”, thậm chí: “Quần em anh để đâu rồi?”.
Có cái lạ là hai anh em họ giống tính nhau nhưng chẳng bao giờ chuyện trò được với nhau, mở miệng ra là ông anh mắng cô em: “Con đoảng!”. Chị thương thằng em hiền lành, thường sang giúp các công việc đàn bà hoặc trông cháu hộ.  Một lần chị thổ lộ nỗi buồn của mình về ông chồng vui tính bên ngoài, khó chịu trong nhà, cậu em tròn mắt: “Anh tính cách quá hay, em chỉ mong có một phần của anh thôi cũng không được”.
Chị ngạc nhiên bởi chú em không biết nói dối để làm đẹp lòng người khác. Chị chuyển đề tài: “Chú để cô ấy rong chơi suốt ngày, chú thì đủ thứ việc, không thấy khó chịu sao?”. Chú em lại tròn mắt: “Cứ để cô ấy vui, em thích làm việc nhà mà, có sao đâu!”.
Những lời nói của chú em buộc chị phải suy nghĩ, ồ nhỉ, hai đứa sống với nhau có thể nói là rất hạnh phúc, chẳng cãi cọ, mỉa mai nhau bao giờ. Chỉ có tiếng cười ngự trị mà cô ấy cười nhiều hơn còn chú ấy cùng lắm là mủm mỉm.
Chị nhận ra sự khác biệt căn bản của hai gia đình là bên ấy, người vợ vui ở ngoài khi về đến nhà vẫn vui, còn nhà chị, anh chỉ vui bên ngoài. Thế thì tại ai nhỉ?
Chị chợt hiểu ra, không phải tính cách giống nhau thì tạo ra sự hòa hợp mà trái lại chính tính cách trái ngược nhau thì sự bổ sung cho nhau tạo ra sự hòa hợp. Cái quan trọng là hai người có chấp thuận cùng nhau về sự bổ sung đó không.
Nhiu Nhíu

Đọc thêm