Cùng hưởng ứng Ngày Pháp luật, luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty Luật TNHH VMF bày tỏ quan điểm: Có thể nói Ngày Pháp luật từng bước đi vào cuộc sống, trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015.
Người dân đã có tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức pháp luật cao hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ của người dân, quyền tự do của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Tuy nhiên, thực tế còn nhiều trường hợp, pháp luật chưa được đề cao, hiện tượng “đói pháp luật”, “nhờn luật”, coi thường pháp luật vẫn khá phổ biến.
Đơn cử như việc thi hành luật giao thông đường bộn vẫn còn thực trạng mạnh ai nấy đi, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, không tuân thủ quy định an toàn giao thông khiến giao thông ngày càng trầm trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác.
Tâm lý coi thường pháp luật cũng xảy ra như hiện tượng một bộ phận người dân, không kể tuổi tác, khi có tranh chấp, xung đột từ những nguyên nhân nhỏ nhất cũng có thể dùng vũ lực, thậm chí rủ rê nhiều người khác cùng tham gia đánh nhau, gây thương tích hoặc cướp mạng người...
Thực trạng trên là nghịch lý, khi mà pháp luật đang gõ cửa từng nhà, đến từng người và việc tìm hiểu pháp luật và sử dụng đúng pháp luật trở thành một nhu cầu tất yếu, thiết thực trong đời sống xã hội.
|
Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng Hải |
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh thêm, để xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp thì ngay trong tâm thức cán bộ công chức, mọi tầng lớp nhân dân cần luôn khắc sâu tư tưởng “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật“.
Trong đó, trách nhiệm cao cả của các cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức; các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội là phải nâng cao năng lực vận động nhân dân chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện pháp luật.
Mỗi người dân khi tham gia vào mọi quan hệ xã hội cần tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật, việc này phải được thực hiện từ những hoạt động như: tham gia giao thông, trong lao động, học tập, tạo thói quen, nề nếp thực hiện pháp luật trong sinh hoạt hàng ngày.
Năm 2013 Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật. Việc ra đời ngày Pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là vô cùng cần thiết.