Nghịch lý đang diễn ra tại các trường mầm non (MN) trên địa bàn TP.HCM từ nhiều năm nay: học sinh con nhà khá giả vẫn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn học sinh con nhà nghèo phải tự lực cánh sinh. Tại Q.Gò Vấp, ngôi trường được nhiều phụ huynh tín nhiệm là Trường MN Hồng Nhung - trường đạt chuẩn quốc gia với sân chơi, phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, đa số giáo viên đều đạt giáo viên giỏi. Nhưng mỗi tháng phụ huynh Trường Hồng Nhung chỉ phải đóng 800.000 đồng/HS bao gồm tất cả các khoản: học phí, vệ sinh phí, tiền ăn, tiền bán trú... Trong khi đó, trên cùng địa bàn Q.Gò Vấp, một số nhóm trẻ gia đình cũng thu 800.000 đồng/tháng/HS nhưng chất lượng chăm sóc, nuôi dạy thì ngược lại: phòng học chật chội, nóng bức, thiếu đồ dùng, đồ chơi, người chăm sóc trẻ chưa đạt trình độ trung cấp sư phạm MN.
|
Giờ sinh hoạt của học sinh Trường mầm non Sơn Ca 5, Q.Phú Nhuận - ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nhưng mỗi tháng chỉ thu 600.000 đồng/học sinh - Ảnh: H.HG. |
Ai chịu bất công? Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở Q.Gò Vấp mà ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Ngay cả những trường nổi tiếng của TP.HCM như: Trường MN 19-5 thành phố, Trường MN TP.HCM, Trường MN Bé Ngoan, Q.1 hiện nay chỉ thu 1-1,2 triệu đồng/tháng/HS, trong khi những trường tư thục đạt chất lượng chăm sóc ở mức trung bình hiện đã thu 1,5-2 triệu đồng/tháng/HS. Cùng mức đóng góp như nhau, tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con mình được học ở trường tốt. Thế nhưng, ai sẽ được học ở những ngôi trường lý tưởng như các trường trên? Hiện chưa có cơ quan, ban ngành nào làm khảo sát cụ thể, nhưng chỉ cần dạo một vòng vào giờ tan học tại các trường trên cũng thấy không ít phụ huynh đi xe hơi nối đuôi nhau đưa đón con em mình đi học. Gần đây, trong buổi làm việc với HĐND TP.HCM, Ths Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng Phòng GD mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) - cũng nhắc đến vấn đề này: “Phần đông học sinh học ở trường MN đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến cấp TP đều thuộc diện gia đình khấm khá. Phụ huynh chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ bằng với mức phí của các nhóm trẻ gia đình chất lượng thấp nhưng con em họ được hưởng một môi trường giáo dục chất lượng cao, được hưởng trợ cấp về giáo dục của Nhà nước.Còn HS ở các nhóm trẻ gia đình rất khổ, đa số là con em nhân dân lao động đáng lẽ phải được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì lại không được gì. Cách đầu tư ngân sách như hiện nay là đầu tư theo kiểu nước chảy chỗ trũng”.Cần phân bổ lại ngân sách Một nghịch lý ít người biết đến: hằng năm kinh phí nhà nước vẫn cấp cho mỗi trường MN nổi tiếng ở TP.HCM từ 1-2 tỉ đồng (tùy số học sinh và số giáo viên trong trường). Như Trường MN TP.HCM mỗi năm nhận kinh phí trên dưới 2 tỉ đồng, Trường MN 30-4, Q.1: 1,2 tỉ đồng; Trường MN Hồng Nhung: 1,8 tỉ đồng... Nói như một hiệu trưởng ở Q.1: “Trường tôi đa số phụ huynh thuộc diện khá giả. Với điều kiện kinh tế của họ có thể đóng phí cao hơn. Do mức thu hiện nay ở trường quá thấp, không đủ cho hoạt động dạy và học nên ngân sách nhà nước mỗi năm vẫn phải cấp cho mỗi cháu từ 1,8-2 triệu đồng/HS. Trong khi đó, ở những khu vực khó khăn, phụ huynh thu nhập thấp thì lại phải học ở trường tư thục hay nhóm trẻ gia đình. Chính trẻ em là người hứng chịu hết sự bất công này”. Cùng mức thu như nhau nhưng trường công lập có sẵn cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng dạy học (do Nhà nước trang bị), còn trường MN tư thục đều phải lấy từ nguồn đóng góp của cha mẹ HS. Chủ một nhóm trẻ gia đình ở Q.Gò Vấp giải thích: “Thu 800.000 đồng/HS/tháng nhưng tôi phải tính toán rất chi li: nào tiền thuê nhà, tiền mua sắm đồ dùng nhà bếp, tiền lương giáo viên, tiền ăn hằng ngày của trẻ... Và cuối cùng cũng phải dư chút đỉnh gọi là lợi nhuận chứ”. Theo Ths Nguyễn Thị Kim Thanh: “Hiện TP.HCM có hơn 100 trường MN đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến cấp TP. Những trường này có được uy tín cao đối với phụ huynh bởi chất lượng chăm sóc giáo dục tốt.Gia đình có HS học tại các trường này cũng khá giả, họ có thể đóng góp nhiều hơn mức 800.000 đồng/tháng như hiện nay. Nhưng đáng tiếc chúng ta chưa huy động hết nguồn lực từ nhân dân.Hằng năm ngân sách vẫn phải cấp cho 100 trường này khoảng 2 tỉ đồng/trường, tổng cộng là 200 tỉ đồng/năm. Nếu 100 trường này có mức thu đủ để tự hạch toán thì 200 tỉ đồng từ ngân sách sẽ được chuyển qua hỗ trợ các vùng khó khăn. Ngành giáo dục sẽ có trách nhiệm sử dụng khoản tiền này một cách hợp lý như: dùng xây trường công lập có nhiều điểm lẻ, sửa chữa các trường xuống cấp, hỗ trợ các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình nghèo...”.
Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ