Nghiêm ngặt trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp

Chiến dịch tranh cử chính thức cho vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 9/4 đã được khởi động và sẽ hoàn tất vào giữa đêm 20/4 tới với những quy định hết sức nghiêm ngặt. Nhiều biển quảng cáo, áp phích, những tuyên bố nguyên tắc quan điểm, những chương trình truyền hình về các ứng cử viên được tung ra để thu hút sự chú ý của người dân Pháp.

  Chiến dịch tranh cử chính thức cho vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 9/4 đã được khởi động và sẽ hoàn tất vào giữa đêm 20/4 tới với những quy định hết sức nghiêm ngặt. Nhiều biển quảng cáo, áp phích, những tuyên bố nguyên tắc quan điểm, những chương trình truyền hình về các ứng cử viên được tung ra để thu hút sự chú ý của người dân Pháp.   

Một số người đi qua các biển quảng cáo bầu cử tại Paris hôm 9/4.

Những biển quảng cáo được lắp đặt theo yêu cầu của các thị trưởng có thể bị phủ lên bởi các tấm áp phích về bầu cử ngay sau ngày cuộc tranh cử được chính thức phát động. Theo quy định, mỗi ứng cử viên tổng thống có quyền, trong mỗi vòng bỏ phiếu, được dán hai áp phích cho mỗi điểm quảng cáo. Các tấm áp phích này có kích cỡ theo quy định phải thống nhất trên khắp cả nước, không được sử dụng nền trắng (vốn được sử dụng cho văn phòng) cũng như không được sử dụng 3 màu giống như màu cờ của nước Pháp. Tuy nhiên, việc sao chép biểu tượng của một đảng hay nhóm chính trị mà sử dụng 3 màu này lại được phép.

Trong khi đó, Franco O hôm 9/4 đã phát trên các đài phát thanh và truyền hình nhà nước các điểm tranh cử của các ứng cử viên. Việc bốc thăm đã chọn ra diễn giả đầu tiên là Francois Bayrou, sau đó là Nicolas Dupont-Aignan, Nathalie Arthaud, Jean-Luc Melenchon, Marine Le Pen và Eva Joly. Nicolas Sarkozy sẽ là người cuối cùng phát biểu vào ngày 20/4 trước chương trình Soir 3 trên France 3.

Kể từ ngày 9 đến ngày 20/4, mỗi ứng cử viên được sở hữu thời lượng phát sóng 43 phút, gồm mười đoạn phim ngắn 1,5 phút và tám đoạn phim dài 3,5 phút. Ngoài ra, các đài phát thanh và truyền hình cũng sẽ phải tôn trọng sự bình đẳng về thời lượng phát biểu của mỗi ứng cử viên, nhưng mỗi đài có quyền tự do ấn định chương trình nào và phát lúc nào.

Trong chiến dịch tranh cử chính thức, nhiều ứng cử viên đã lựa chọn một hình ảnh mới, thậm chí là một khẩu hiệu mới. Ứng cử viên Francois Hollande đã lựa chọn cảnh quan của Corrèze để trang trí cho biển quảng cáo của mình và chọn khẩu hiệu “thay đổi, đó chính là sự giữ gìn”. Ứng cử viên Eva Joly thì đeo cặp kính nhỏ và khẳng định: “Sinh thái học, sự thay đổi thực sự”. Về phần mình, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy giữ nguyên hình ảnh và slogan như cũ.

Cũng trong thời điểm này, các tuyên bố nguyên tắc quan điểm của ứng cử viên cũng được gửi tới khoảng 45 triệu cử tri Pháp. Các quy định liên quan cũng hết sức chặt chẽ, đặc biệt là các ứng cử viên không được sử dụng các biểu tượng quốc gia. Theo các nhà khoa học chính trị, tuyên bố về quan điểm của các ứng cử viên là rất quan trọng vì số đông cử tri lựa chọn nhà lãnh đạo của mình sau một lần đọc duy nhất các tuyên bố này.

Theo luật của Pháp, các ứng cử viên tổng thống còn phải tuân thủ nhiều quy định cấm khác, chẳng hạn như cấm sử dụng với mục đích quảng cáo bầu cử theo hình thức quảng cáo thương mại trên báo chí hoặc các phương tiện truyền thông nghe nhìn. Tuy nhiên, các ứng cử viên có thể công khai kêu gọi tài trợ trên báo chí. Kể từ ngày chiến dịch tranh cử chính thức kết thúc, tức là sau 00h00 ngày 21/4, các ứng cử viên cũng bị cấm phân phát tài liệu bầu cử, tiến hành gọi điện tới hàng loạt cử tri, đưa ra yếu tố mới liên quan đến bầu cử gây tranh cãi. 

Cuối cùng, không một kết quả bầu cử nào, dù là từng phần hay quyết định, có thể được thông báo trước khi đóng thùng phiếu cuối cùng. Ngoài ra, việc phát đi bất kỳ cuộc thăm dò dư luận nào vào ngày hôm trước mỗi vòng bỏ phiếu và ngày bỏ phiếu cũng bị cấm. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt 75.000 euro.

Quang Minh (theo AFP)

Đọc thêm