Nghiên cứu ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các ý kiến cho rằng, ChatGPT có thể ứng dụng tốt vào việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, ChatGPT cũng đặt ra nhiều thách thức, rủi ro như việc đảm bảo tính minh bạch, tính chính xác và an toàn thông tin...
Hình ảnh tại Tọa đàm.
Hình ảnh tại Tọa đàm.

Ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM và Thành Đoàn TP HCM tổ chức Tọa đàm về “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý Nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”.

Người dùng phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT

Tọa đàm là một trong số các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2020-2030”. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý tìm ra các giải pháp và xây dựng kế hoạch tương lai trong việc sử dụng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Phát biểu tại Tọa đàm, Giám đốc Sở TT&TT TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết, ra mắt vào tháng 11/2022, chỉ sau 2 tháng, ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo nên “cơn sốt” trên toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp, kết quả khảo sát tại 1.000 doanh nghiệp được công bố vào ngày 25/2 vừa qua cho thấy, có khoảng 48% số doanh nghiệp cho biết ChatGPT đã bắt đầu thay thế một số vị trí nhân sự ở các công ty đó, giúp các công ty này tiết kiệm hàng trăm ngàn USD. “Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, có nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể ứng dựng tốt vào việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ChatGPT đặt ra nhiều thách thức, nhiều rủi ro như việc đảm bảo tính minh bạch, tính chính xác và an toàn thông tin; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT”, ông Thắng nói.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Sở TT&TT TP HCM cho rằng, để sử dụng ChatGPT hiệu quả, cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khách quan, khoa học. Những vấn đề có thể tận dụng được lợi thế để phục vụ tốt cho công việc thì bằng mọi cách chúng ta tận dụng, nhưng bên cạnh đó cũng phải nhận thức đúng và có giải pháp cho những rủi ro có thể phát sinh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng hiện nay, các đơn vị, cơ quan quản lý có thể ứng dụng ChatGPT để phục vụ công việc trong các cơ quan hành chính nhằm tiết kiệm công sức cho cán bộ, người dân khi quản lý, tra cứu và trích xuất dữ liệu. “Ví dụ mỗi ngày, một cơ quan hành chính có thể nhận hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu có thể ứng dụng ChatGPT để tạo câu trả lời sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều công sức”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Điền cũng cho rằng ChatGPT chỉ là một công cụ mang tính hỗ trợ, tham khảo chứ không nên phụ thuộc vào. Bởi nó cũng có sai số, thiếu chuẩn xác trong cung cấp kiến thức về lịch sử, kinh tế...

“ChatGPT không phân định được đâu là thông tin đúng và thông tin sai. Muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì người dùng phải tự trang bị kiến thức thông tin kỹ càng để có thể kiểm chứng độ chính xác mà nó cung cấp”, ông Điền phân tích. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT. Người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn ChatGPT để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp...

Nhanh nhẹn, sáng suốt trong nắm bắt các cơ hội mới

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức khẳng định, thành phố rất quan tâm đến việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào mọi mặt, mọi lĩnh vực. Hiện nay, ChatGPT là một công cụ có rất nhiều điểm mạnh đang được nhiều người quan tâm, có sự hấp dẫn nhất định nên thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nghiên cứu ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa vào phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố. “ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo là cơ hội mới, chúng ta cần nhanh nhẹn nắm bắt, nhưng cần sáng suốt, không chạy theo một cách mù quáng và tiếp nhận một cách có chọn lọc”, ông Dương Anh Đức nêu rõ.

Phó Chủ tịch TP HCM đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tiếp tục tạo cơ hội cho các nhóm nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài thành phố tham gia cùng thành phố tìm hiểu về ChatGPT, hướng đến mục tiêu tiếp cận ứng dụng này nhằm định hướng đưa trí tuệ nhân tạo vào phục vụ người dân, phục vụ chính quyền thành phố một cách hiệu quả nhất.

Nhằm phát huy hiệu quả khai thác công cụ ChatGPT, Sở TT&TT TP HCM đã đặt hàng các chuyên gia nghiên cứu ứng dụng ChatGPT trong 4 lĩnh vực. Cụ thể, nghiên cứu ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ, bao gồm ứng dụng vào việc trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho Lãnh đạo thành phố như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu, các nội dung liên quan.

Trong lĩnh vực giáo dục, TP HCM đặt hàng các chuyên gia nghiên cứu ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh trên địa bàn; nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.