Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “công viên” có khả thi?
Ngày 15/9/2020, Công ty JVE đã gửi công văn đến TP Hà Nội về việc đề xuất: Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Khi đề xuất được đưa ra, có nhiều ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng rất hay. Ông Nguyễn Văn Nam (Khu đô thị Linh Đàm) cho rằng, sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử đất nước, nếu khôi phục được thì sẽ làm sống lại cảnh quan đô thị, thêm sức sống và là điểm nhấn văn hóa gắn với lịch sử của Thủ đô và đất nước. Với ý tưởng xây dựng không gian văn hóa trên dòng sông Tô Lịch tôi cho là một việc rất hay và cần thiết.
“Tuy nhiên, việc cải tạo sông Tô Lịch từ trước đến nay không phải là việc đơn giản. Vấn đề ô nhiễm môi trường khiến sông Tô Lịch bị biến thành dòng sông “chết” từ nhiều năm nay. Do vậy, muốn xây dựng thành công viên lịch sử - văn hóa theo tôi việc đầu tiên vẫn là xử lý vấn đề ô nhiễm trước đã”, ông Nam nói.
Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết, dự án cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” chính là tình cảm của Chính phủ, nhân dân Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Khi đề án được phê duyệt, dự kiến sẽ thực hiện trong 5 năm (2021-2026).
|
Quang cảnh buổi gặp mặt |
Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh tới tính khả thi của dự án và cho rằng, sông Tô Lịch trước đây rất trong, sạch. Sau này, Hà Nội đông dân, lượng nước thải ngày ngày xả ra, đã biến sông Tô Lịch trở nên ô nhiễm, thành dòng sông “chết”.
“Cải tạo sông Tô Lịch thành dòng sông trong xanh, gắn liền với lịch sử, văn hoá là tâm tư, khát vọng của tất cả người dân Thủ đô “nghìn năm Văn hiến”.
Tuy nhiên, để làm được việc này thực sự không dễ dàng, bởi sông quá ô nhiễm. Do đó, chúng ta phải kiên trì để đạt được mục đích, cải tạo, cải tiến dần sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh”, GS.TS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
|
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. |
Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam): “Sông Tô Lịch có chiều dài 13 km, có ý nghĩa giá trị lịch sử. Từ hiệu quả của một số dự án xử lý ô nhiễm nước thải mà Nhật Bản thực hiện tại Việt Nam, chúng tôi tin tưởng tính khả thi của dự án cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa -Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn Nhật Bản từ đề xuất của JVE.
Đáng quan tâm nhất, dự án thành công, người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ích thiết thực về chất lượng môi trường, ý nghĩa văn hóa, lịch sử của sông Tô Lịch. Để dự án này thành hiện thực, chuyên gia, những người thực hiện đề xuất cần thời gian, tiến hành cải tạo từng bước”.
|
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ |
Theo các chuyên gia, để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng như: thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông, thoát nước chống ngập khi mưa bão...
"Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên là dự án công ích"
Đại diện Công ty JVE cho biết, đến nay, công ty chưa nhận được phản hồi của TP Hà Nội về việc xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh.
Thông tin chính thức về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên, ông Tuấn Anh khẳng định, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh sẽ không lấy thêm quỹ đất bên ngoài sông, nếu được thực hiện sẽ chỉ triển khai bên trong phạm vi sông. Thời gian thực hiện, trong khoảng 5 năm, từ 2021 – 2026.
|
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE |
Dự án sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay. Sau đó kè đáy khu vực sát hai bờ sông tạo thành hành lang đi dạo bộ, không kè đáy sông mà để tự nhiên, giữ nguyên chiều rộng lòng sông.
Để xử lý ô nhiễm bên trong sông: Mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ… sẽ sử dụng công nghệ Bio – Nano để phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên.
Phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết, sẽ kết hợp đồng bộ với các dự án mà TP Hà Nội đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đảm bảo không chồng chéo, tránh lãng phí đầu tư.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập cho lưu vực sông Tô Lịch (khoảng 77 km2) tương tự hệ thống tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Kèm với việc xử lý ô nhiễm, hồi sinh dòng sông sẽ xây dựng hệ thống cảnh quan Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh.
Về phương án tài chính, sau khi được TP Hà Nội phê duyệt, sẽ công bố chi tiết về nguồn vốn Nhật Bản, tổng mức đầu tư, đơn vị tổng thầu… còn hiện nay mới chỉ ở giai đoạn xin chủ trương cho nghiên cứu.
Về phương án quản lý khai thác sau đầu tư, dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh là dự án công ích cho TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Công ty JVE và liên danh tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với TP. Hà Nội. Chúng tôi thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch, không phải mục đích tạo ra “BOT tâm linh”, để làm giàu, kiếm lợi nhuận. Sau khi cải tạo sông Tô Lịch thành công, công ty sẽ bàn giao lại cho TP Hà Nội. Việc quản lý, vận hành sẽ thuộc thẩm quyền của TP".
Nói thêm về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, ông Tuấn Anh cho biết, theo dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, nước sạch sau khi xử lý sẽ được bổ cập trở lại sông Tô Lịch qua kênh dẫn nước N1, N2 trước thượng lưu đập Thanh Liệt khoảng 5km, bằng phương pháp đóng cửa đập này để dâng nước sau xử lý lên mực nước khống chế, làm cho sông Tô Lịch có tác dụng trữ nước như "hồ dài cảnh quan".
Như vậy, nước trong hồ sẽ không được lưu thông, nước tĩnh và tù, dễ phát sinh ô nhiễm, biến thành một "hồ tù" nếu như không có giải pháp sục khí Nano Nhật Bản để xử lý tận gốc chất ô nhiễm hữu cơ, mùi hôi thối do các khí độc tích tụ trong tầng bùn đáy ở cả bên trong "hồ dài cảnh quan" thì vẫn không hết được ô nhiễm.
Theo Chủ tịch HĐQT JVE, khí hậu ở nước ta là nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều nên tác động rất mạnh đến chất lượng của hệ thống sông, hồ tự nhiên. Về giải pháp dùng nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua hồ Tây, nếu chưa xử lý được ô nhiễm mà cho nước chảy qua thì chẳng khác nào đổ thải sang "nhà hàng xóm", ô nhiễm bị lan rộng. Việc bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây vào sông Tô Lịch chỉ có ý nghĩa khi ô nhiễm trong lòng sông được xử lý triệt để, tạo dòng chảy, nâng mực nước.
Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đề xuất dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa, du lịch, tâm linh là khá mạnh dạn và táo bạo. Nếu dự án được triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ mang đến cho Hà Nội sự mới mẻ, điểm nhấn trong việc tham quan, du lịch. Tuy nhiên, cần thận trọng hơn khi quảng bá những phác thảo mô hình gắn liền với con sông di sản. Việc này cần có chủ trương và quyết định một cách cụ thể từ nhiều cấp khác nhau chứ không thể làm đơn giản được.
Vấn đề cốt lõi, chúng ta phải giải quyết được việc ô nhiễm môi trường, sau đó mới tính đến khía cạnh khác. Nói chung, dự án cải tảo sông Tô Lịch thành công viên là vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng, cùng với sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, qua đó mới có thể đưa ra được những phác thảo ấn tượng, cô đọng.