Làng Khuốc, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, mộc mạc giản dị như bao làng quê khác, nhưng từ lâu nó đã được coi như cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống và đi vào câu ca dao xưa: " Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có xem chèo Khuốc với anh thì về". Chúng tôi đến tìm nghệ nhân Đào Văn Xó, người còn lưu giữ nghệ thuật chèo truyền thống, để tìm hiểu thêm nét đẹp trong văn hóa dân tộc của làng chèo xứ này…
Làng Khuốc, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, mộc mạc giản dị như bao làng quê khác, nhưng từ lâu nó đã được coi như cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống và đi vào câu ca dao xưa: " Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có xem chèo Khuốc với anh thì về". Chúng tôi đến tìm nghệ nhân Đào Văn Xó, người còn lưu giữ nghệ thuật chèo truyền thống, để tìm hiểu thêm nét đẹp trong văn hóa dân tộc của làng chèo xứ này…
|
Ông Đào Văn Xó giãy bày tâm sự |
“Thương hiệu” chèo làng Khuốc
Ông Đào Văn Xó, là người con của làng Khuốc với tiếng chèo đã tạo nên thương hiệu từ lâu. Ổng kể rằng, không ai biết được chèo có từ khi nào, chỉ biết rằng ông bà, tổ tiên truyền lại và văn tế giỗ tổ làng đều cho rằng làng Khuốc là cái nôi của chèo truyền thống.
Làng Khuốc hiện còn giữ được 18 làn điệu chèo độc quyền mà không làng nào có được như: Tình thư hà vị, Đắp chăn giời, Hề đơm đó, Con trai xinh, Duyên phận chẳng thuận chiều, Tuyết dạt song Thương, Ván cờ tiên, v…v. Những điệu chèo này không phải làng nào cũng có ngoài làng Khuốc. Nét đặc sắc của chèo làng Khuốc đó là hát trung thành với kịch bản.
Độc đáo hơn của chèo làng Khuốc đó là có giáo đầu, là người có uy tín trong nghề, tài hoa trong đất chèo, trước khi diễn sẽ giới thiệu sơ yếu lí lịch của nhân vật. Câu hát chèo làng Khuốc bao giờ cũng dài hơi, có nhịp điệu âm ư, bắt đầu làn điệu bao giờ cũng bằng chữ ư nhằm mục đích lấy hơi và kéo cao kéo thấp nên câu hát không bị gãy khúc. Giai điệu và cách đánh nhịp trống luôn cũng luôn được chú trọng.
Ông Xó chậm rãi kể chuyện: “Thông thường, người hát nghỉ 1 phách rồi đập tiếng trống. Ở làng Khuốc ru kệ 7 nhịp, các đoàn khác chỉ có 6 nhịp thôi”.
Nói rồi ông hát minh họa cho chúng tôi nghe với giai điệu nhẹ nhàng du dương đầy xúc động:
“ Cha…con…ta…í…a…tính…tinh…tinh…”
“ Ăn no rồi lại nằm khoèo
Thấy giục trống chèo bế bụng đi xem”…
Cái duyên nghiệp chèo...
Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết gia đình không ai theo nghiệp chèo, ông xuất thân từ nông dân, không được học theo bài bản trường lớp. Cái duyên đã đưa đẩy ông đến với nghệ thuật chèo mà thôi. Ông học hát chèo từ năm 16 tuổi, lại được ông trời phú cho giọng hát hay, có năng khiếu nghệ thuật, nên được ông chú dạy cho các ngón điệu của nghề. Nhắc đến đất Phong Châu làng Khuốc là người ta nghĩ ngay đến chèo. Làng Khuốc khi xưa có tên là Khúc (khúc ở đây nghĩa là nhịp), từ tình yêu quê hương nơi chôn rau cắt rốn mà ông đã yêu và gắn bó với nghề cho đến bây giờ.
Ông nghẹn ngào nhắc lại kỉ niệm với vai diễn đầu tiên trong đời, vai Đào Đình Trưởng. Khi diễn vai đó ông đã phải tập ho súc giống như người bị hen, ho lấy từ cuống họng lấy ra. Trong vở “Hương thiên lí”, ông đã vào vai tỉnh trưởng, một nhân vật rất đáng ghét. Vào vai đó, bọn trẻ con bắn cao su vào mặt ông. Đó chính là niềm hạnh phúc của ông, đó là khi đó ông vào vai nhân vật đạt, diễn được cái thần của nhân vật tỉnh trưởng bị mọi người căm ghét.
Trong suốt cuộc đời, ông luôn trăn trở và tìm tòi, quan sát các hình tượng cho nhân vật của mình như hình ảnh ông cụ già lụ khụ, hình ảnh đỏng đảnh của mẹ đốp, dáng vẻ của người đi đường v..v. Khi đi đâu, nếu thấy hình tượng nhân vật nào hay ông sẽ nhớ và ghi lại. Về nhà, ông thường đứng trước gương, lặp lại những hành động đó, tập luyện một cách nhuần nhuyễn để khi diễn nhập tâm hơn.
Ông luôn quan niệm, muốn làm nghệ thuật “đỉnh” phải khổ tâm tìm tòi, phải có cái “tâm”, cái “đức” và tính “nhẫn nại” mới theo được nghề gian khổ này. Ông chia sẻ: “ Cả đời tôi dồn tâm huyết vào nghệ thuật chèo nên cái nghèo đói cũng bám dai dẳng, nhưng cứ bám trụ lấy nó, trước đây gia đình phải đi vay 10 năm khê sản, kinh tế bấp bênh, bây giờ thì đời sống gia đình tôi cũng khấm khá hơn …”
Tên tuổi những nghệ nhân gắn bó với chèo làng Khuốc như Cao Kinh Điển, Cao Kim Trạch, Vũ Văn Phụ, Bùi Văn Ca, Đào Thị Na, Phạm Văn Điền. Cao Kinh Điển chính là giám đốc nhà hát chèo đầu tiên đưa chèo sang nước ngoài, giới thiệu với bạn bè thế giới. Giọng bồi hồi, xúc động, ông kể về sự thăm trầm của chèo làng Khuốc: “ Chèo làng Khuốc đã được biết đến rộng hơn không chỉ ở trong nước mà còn ở thế giới. Bản thân ông đã từng được đi lưu diễn ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hà Nội…”
Trước đây, làng Khuốc chỉ hát vo (hát chay), đến những năm 70 các nghệ nhân mang nhạc nền về. Năm 86- 99, chèo làng Khuốc bị mai một, lắng đi một thời gian. Mãi về sau này, Nhà nước có chính sách chủ trương bảo tồn phát triển nghệ thuật truyền thống nên chèo làng Khuốc phát triển đi lên, mở rộng hơn. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà thờ tổ chèo, dựng lại 1- 2 vở chèo cổ.
Tuy chèo làng Khuốc có lúc thăng, lúc trầm nhưng người dân nơi đây vẫn luôn gắn bó và thủy chung với nó. Hi vọng tiếng chèo làng Khuốc sẽ còn bay cao, bay xa hơn nữa. Chúng tôi ra về với một niềm tin về tương lai làng chèo truyền thống sẽ còn được biết đến nhiều hơn nữa, với những nghệ nhân nhiệt huyết như ông Đào Văn Xó, để lớp trẻ như chúng tôi có cơ hội tìm hiểu những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc…
Chu Việt Nga