Ngõ phố gắn liền sự tích vị vua có cái tên dân dã

(PLO) -Có thuyết bảo chúa Chổm là Lê Ninh. Có thuyết lại bảo ông là Lê Duy Bang. Dân gian không minh định rõ.
Ngõ Cấm Chỉ đầu đường Hàng Bông (Hà Nội) được cho là gắn với sự tích chúa Chổm
Ngõ Cấm Chỉ đầu đường Hàng Bông (Hà Nội) được cho là gắn với sự tích chúa Chổm

Cuộc đời của ông vua này tuy ngắn ngủi nhưng có điều lạ là ông rất được nhân dân chú ý. Người ta đã thêu dệt, tưởng tượng xung quanh ông một câu chuyện cổ tích rất vui và đặt cho ông một cái tên dân dã là Chúa Chổm, và cho ông là chàng trai đã đi vay nợ khắp cả mọi người. Già trẻ, giàu nghèo, hiền hay ác đều có thể là chủ nợ của ông. Chuyện được kể như sau:

Cha của ông cũng là một ông vua nhà Lê (không nói là vua nào) khi còn trẻ, bị Mạc Đăng Dung bắt giam. Tại trại giam có cô hàng rượu vẫn thường qua lại bán rượu cho lính canh. Cô thấy người bị giam khôi ngô tuấn tú thì có cảm tình, liền đem rượu pha thuốc mê chuốc cho bọn lính để tự do vào trò chuyện với nhà vua. Thân quen rồi thành có tình ý với nhau, cô hàng rượu có thai còn nhà vua thì bị giết. Đêm trước khi chết, vua đã kịp giao cho cô chiếc ấn ngọc và dặn phải giữ lấy.

Cô hàng rượu trở về sống ẩn dật hết nơi này nơi khác. Và đúng là cô sinh được một đứa con trai hay ăn chóng lớn. Cô đặt tên nó là Chổm và cho ở tại một ngôi chùa. Cậu bé học hành sáng dạ nhưng rất nghịch ngợm. Có lần dám ăn vụng chuối oản bị sư bắt được đánh đòn. Cậu tức giận cho là thần tiên không chịu bảo vệ, liền viết lên lưng tượng mấy chữ: "Không giúp cho ta, phải đày đi xa".

Không ngờ đêm ấy thần tiên hiện lên bảo với sư: “Sao lại đánh nhà vua để nhà vua đuổi ta đi. Phải mau mau xin nhà vua tha cho ta”. Sư gọi chú bé lại bắt xoá những chữ viết đi thì thần tiên mới về báo mộng cảm ơn đã được ân xá. Từ đó, sư hay chú ý đến cậu bé và có vẻ quý trọng hơn. Chổm lớn lên vẫn tiếp tục học hành, làm quen với nhiều người, lại tập cả võ nghệ, thường giỏi đánh gậy, lúc nào có một cây côn cầm ở tay.

Sống ở chùa ít lâu, chàng Chổm trở về, mẹ con rau cháo nuôi nhau, vì anh không có ý định đi tu, mà sư cụ cũng khuyên bà mẹ nên chăm sóc anh, vì anh là người có tướng lạ. Sư không dám nói ra chuyện vì sợ lộ thiên cơ, nhưng rất tin vào điều dự đoán của mình. Chổm về kiếm củi hái rau, đi làm thuê làm mướn lấy tiền.

Nhiều lần bị đói anh vào các cửa hàng ở khắp các cửa ô mua cơm ăn, song thường thường phải ăn chịu vì không sẵn tiền trả. Các cửa hàng lúc đầu còn ngần ngại, nhưng sau đó họ nghiệm ra rằng hễ hàng nào có Chổm vào ngồi ăn, là hàng ấy thấy khách ra vào nườm nượp. Hàng nào không được Chổm đến, thì chủ hàng ngồi không xua ruồi từ sáng đến chiều.

Vì thế họ một mực săn đón, chèo kéo Chổm. Cứ như vậy, thành quen lệ. Chổm được người ta mời vào, chưa có tiền trả thì họ sẵn sàng bán chịu. Vài tháng sau, Chổm nhớ ra và trả nợ đàng hoàng, nhưng dần dần anh cứ vào ăn uống bạt mạng. Ai hỏi tiền, anh cười:

- Ông, bà cứ yên tâm, mai mốt ăn nên làm ra tôi xin trả hết, không để nợ ai đồng nào.

Mọi người cười:

- Nhưng bây giờ thì anh đã nợ nhiều rồi đấy. Người ta đã nói: "Nợ như Chổm".

- Được được. Xin cứ cho nợ. Sẽ trả thôi mà!

***

Thời gian này Nguyễn Kim đang cố gắng tìm con cháu nhà Lê để mưu đồ công việc khôi phục. Ông đem các thủ hạ đi khắp nơi dò la vẫn không tìm ra tung tích. Một đêm nằm mơ ông thấy có vị thần bảo:

- Ra cửa ô ngoài chợ, đúng ngày tháng ấy, ở đâu có rồng đen quấn cột thì đó chính là thiên tử.

Nguyễn Kim và những người đi theo ông, theo lời thần mách đi khắp các nhà hàng chẳng thấy có chỗ nào rồng đen quấn cột. Chỉ thấy ở một nhà kia, có Chổm đứng ôm cột nhà đứng nhìn bọn khách đang chơi bài, nhưng tất nhiên là anh ta chẳng có gì đặc biệt khiến cho mọi người để ý.

Nguyễn Kim trở về đang băn khoăn ngơ ngác thì lại mộng thấy ông thần hiện ra, trách là sao không đi đón nhà vua. Thần dặn phải đi lần thứ hai. Lần này cứ ra bờ sông thấy ai đội mũ sắt, cưỡi thuyền rồng là đúng. Nguyễn Kim lại ra chờ đến chiều, chẳng gặp người nào. Chiều tối mới có chuyến đò ngang cuối cùng, Chổm cũng đi trong đám khách bộ hành.

Đò vừa nhổ sào thì trời đổ mưa, ai cũng có tơi nón mang theo, riêng Chổm thì để đầu trần. Mưa nặng hạt, anh ta mượn ngay cái chảo trên cùng của một người bán chảo gang đội lên đầu, vắt chân bỏ thõng trên cái then ngang của con đò để ngồi cho vững. Trời đã chập choạng, Nguyễn Kim cũng không kịp để ý các khách trên đò, vả lại cũng chẳng thấy ai cho ra dáng con người đặc biệt. Ông trở về buồn bực thao thức. Ông thần lại hiện ra, trách cứ:

- Sao ông không chịu nghe ta. Ta chỉ bày cho ông một lần nữa thôi. Ngay mai ông cứ đến hàng cơm bữa trước, tìm xem người nào đi chữ đại, trở lại chữ vương, thì đón về. Không sai đâu.

Ngày hôm sau, Nguyễn Kim và thủ hạ ra chỗ hàng cơm kia, nhất quyết tìm cho được. Lúc ấy một số khách đã tản đi, trên chiếc phản chỉ có một anh chàng say rượu nằm ngủ. Vài người nhìn anh ta rồi nháy nhau:

- Thằng cha nằm kia có láo không kìa?

Đúng là anh chàng này có vẻ rất ung dung thoải mái. Đầu anh ta gối lên ngọn côn để ngang, hai tay bỏ xuôi, hai chân thì chạng ra hai bên, chiếm cả tấm phản không muốn cho ai ngồi vào nữa. Nguyễn Kim nhớ lại câu nói của thần, và nhìn kỹ hình thù: Quả thật anh ta nằm giống như chữ (đại). Đã có phần tin, nhưng Nguyễn Kim muốn kiểm tra lại cho chắc chắn.

Ông bảo người hầu đi chung quanh xem có chỗ nào đáng để ý nữa không. Nhưng không có gì. Họ cùng quay trở lại. Trên tấm phản, anh chàng nằm ngủ kia đã đổi tư thế. Lúc này ngọn côn đã trật ra khỏi cổ nằm ngang trên đỉnh đầu anh ta. Hai tay anh ta lại xếp bằng ngay trước ngực, hai chân cũng quắp lên, hai đầu gối chìa ra hai bên, bàn chân cùng khép kín chính giữa, trông có dáng dấp như chữ (vương).

Nguyễn Kim hiểu ra ý thần: lúc mình đi thì thấy chữ đại, lúc mình trở lại thì thấy chữ vương. Ông khấp khởi mừng thầm: ngồi chờ cho chàng Chổm tỉnh dậy, lân la trò chuyện. Chàng ta một mực chân thành:

- Tôi chẳng biết họ hàng quê quán nào cả. Tôi chỉ là Chổm thôi.

Nguyễn Kim yêu cầu anh ta đưa ông về nhà. Bà mẹ sau khi hỏi han kỹ lưỡng, mới kể thực câu chuyện và đưa cái ấn ngọc ra. Tất cả quan lại vong thần đều cúi đầu sụp lạy. Ngay lập tức, hai mẹ con được bí mật đưa đi. Và thế là Chổm trở thành vị chúa của đội quân khởi nghĩa.

***

Ít lâu sau, quân khởi nghĩa toàn thắng, Chổm được lên ngôi vua. Ngày khải hoàn, toàn thể quân tướng rước Chổm trở về Thăng Long. Tiến vào cửa ô, đạo ngự đang đi từ từ thì có một số ông chủ hàng cơm ngày xưa nhận ra vị vua đang ngồi uy nghi trên kiệu, chính là anh chàng Chổm hay đến đây ngày trước. Họ liền chạy đến gần chào mừng rối rít. Vua Chổm vốn là người bình dân, cũng sẵn sàng xuống kiệu, tay bắt mặt mừng, hết người này đến người khác. Một ông chủ hàng mạnh dạn nói:

- Thưa vua Chổm, ngài có nhớ ngày xưa Ngài còn mấy bữa cơm chưa thanh toán cho tôi, hẹn khi làm nên thì trả. Nay ngài đã làm vua, chúng tôi mà đòi thì thất lễ, xin nhắc lại cho vui thôi.

Chúa Chổm cười to:

- Ấy! Không, không. Trẫm nhớ và trẫm xin trả hết. Trả ngay bây giờ! Bao nhiêu nhỉ? Bốn lạng à? Quan coi kho đâu. Trả tiền ngay cho ông này đi.

Quân hầu vâng lệnh. Những người khác thấy vậy đều ùa nhau kéo đến. Có ít họ xít ra nhiều, cứ nói ra là được trả tiền, nên hết người này lại người khác ào vào. Người giữ tiền phát không kịp. Chúa Chổm cứ ngồi trên kiệu, cười như nắc nẻ. Nhìn thấy ai, ông cũng gật, cũng nhận là chủ nợ của mình.

Cuối cùng, tính toán và ghi chép không kịp, ông cho người hầu đứng trên ném bạc xuống cho mọi người xô nhau nhặt. Đi đòi nợ chúa Chổm mà như đi hội. Vừa vui, vừa buồn cười, mà cũng rất ồn ào, lộn xộn, đám rước vua mà như một đám đông hò hét quấy phá chẳng còn ra thể thống gì. Viên quan chỉ huy đạo ngự phải vội vàng dàn quân sĩ, ngăn không cho đám đông sấn đến nữa.

Ông cho làm ngay một cái biển đề hai chữ cấm chỉ, đóng giữa ngã tư đường. Cấm chỉ, nghĩa là cấm không được đến gần, cấm không được đòi nợ nữa. Ai trái lệnh sẽ chém đầu. Nhờ thế mà kiệu vua đi thoát để vào được hoàng thành. 

Ngày nay, ở vườn hoa Cửa Nam, đầu đường Hàng Bông (Hà Nội) còn có ngõ Cấm Chỉ, là do sự tích này. Và câu tục ngữ “Nợ như chúa Chổm” cũng ra đời từ câu chuyện kể trên.

Đọc thêm