Ngoại hối bớt căng thẳng, lãi suất sẽ giảm

Quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng với mức tăng lên tới 9,3% của ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua (11.2) được các ngân hàng, doanh nghiệp, giới phân tích kỳ vọng sẽ giúp thị trường USD bớt căng thẳng, giảm áp lực lên quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
Quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng với mức tăng lên tới 9,3% của ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua (11.2) được các ngân hàng, doanh nghiệp, giới phân tích kỳ vọng sẽ giúp thị trường USD bớt căng thẳng, giảm áp lực lên quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Tổng giám đốc ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) Nguyễn Phước Thanh nhận xét: mức tăng 9,3% của tỷ giá liên ngân hàng lần này là “đủ liều lượng”. Thị trường tự do có thể có dao động trong những ngày đầu thực hiện quy định mới, song sẽ sớm ổn định trở lại.
Chi phí nhập xe tăng khi tỷ giá tăng.
Cho đến cuối tuần qua, tại TP.HCM tỷ giá ngoài thị trường tự do vẫn cao hơn giá chính thức 400 – 500 đồng/USD, mua bán ở mức 21.350 – 21.500 đồng/USD, tại Hà Nội, giá USD từ trưa 13.2 có xu hướng tăng lên, giao dịch quanh mức: mua vào 21.620 – 21.640 đồng/USD; bán ra 21.700 – 21.720 đồng/USD, tăng hơn 100 đồng/USD so với ngày trước đó. Một số cửa hàng vàng bạc đã từ chối cho giá khi khách hàng yêu cầu báo giá trước, chỉ báo giá lúc tiến hành mua bán, với lý do giá biến động liên tục. Tuy nhiên, giá trên thị trường tự do không thay đổi nhiều so với trước khi tỷ giá chính thức điều chỉnh. Điều này phần nào cho thấy trước mắt tỷ giá khá ổn định. Trong khi đó, giá vàng không biến động lớn, vẫn quanh mức 35,95 triệu đồng/lượng. Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, giám đốc công ty vàng bạc đá quý ngân hàng ACB, trước đó các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đã nhập vàng với giá USD ngoài thị trường tự do, nên việc tỷ giá tăng sẽ không tác động nhiều đến giá vàng trong nước. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, chưa doanh nghiệp nào nhập vàng với hạn ngạch được cấp đến tháng 2.Cung ngoại tệ sẽ dồi dào hơn “Do quyết định điều chỉnh tỷ giá được đưa ra vào ngày cuối tuần, nên Vietcombank chưa ghi nhận những chuyển động trong giao dịch USD của hệ thống, song chắc chắn sẽ thuận lợi hơn”, ông Thanh nhận định. Tổng giám đốc Vietcombank phân tích: trước khi ngân hàng Nhà nước công bố quyết định điều chỉnh tỷ giá, cả ngân hàng, doanh nghiệp, người dân đều mang tâm lý giữ ngoại tệ. Trong khi, theo quy định, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng được phép “âm” tới 15% – tương ứng với hàng tỉ USD tính trên toàn hệ thống – đã không được đưa vào giao dịch do cả nền kinh tế đều lo đảm bảo trạng thái “dương”. Ông Thanh lấy ví dụ, nếu trước đó, trạng thái “âm” của Vietcombank vào khoảng 100.000 USD, thì với tỷ giá mới, ngân hàng này đã lỗ khoảng 2 triệu USD! Nay doanh nghiệp, nhất là các nhà nhập khẩu sẽ mạnh tay bán USD cho ngân hàng. Lượng kiều hối năm 2010 lên tới 8 tỉ USD nhưng các ngân hàng hầu như không được tiếp cận đồng nào, giờ ít nhiều có thể “chảy” vào hệ thống chính thức. Ông Thanh nói: “Ngân hàng dồi dào USD hơn, sẽ có điều kiện cân đối cho các doanh nghiệp, nền kinh tế, thay vì phải phân bổ chỉ định như vừa qua”. Theo tổng giám đốc ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) Trương Văn Phước, khi tỷ giá được chính thức xác nhận một mức hợp lý với thị trường hơn, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh bán USD để chuyển sang vốn tiền đồng (VND), bởi lãi suất VND hiện quá cao. Nhà đầu tư nước ngoài, sẽ giải ngân nhiều hơn, nhất là khi thị trường chứng khoán đã giảm sâu, hầu hết các mã cổ phiếu hiện đang khá rẻ hiện nay. Nguồn cung USD nhờ vậy sẽ tăng mạnh, giảm bớt áp lực lên thị trường, quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.Lãi suất có cơ hội hạ nhiệt? “Thị trường ngoại hối bớt căng thẳng, lãi suất USD cũng sẽ giảm dần xuống. Mặt khác, nếu doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh bán USD, cung vốn VND trong nền kinh tế cũng tăng lên. Cả hai lý do này sẽ góp phần tác động làm giảm lãi suất VND”, ông Trương Văn Phước dự báo. Trước những lo ngại, tỷ giá tăng sẽ đẩy giá cả nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu tăng, nâng mặt bằng giá cả lên cao, gây sức ép lên lạm phát, ông Phước cho rằng, về lý thuyết, tác động của tỷ giá vào lạm phát chậm, thường sau thời gian từ 6 – 9 tháng. Mặt khác, lâu nay, hàng hoá nhập khẩu vẫn được tính theo giá USD giao dịch trên thị trường tự do, nên mức tác động đến chi phí thực sự không đáng kể. “Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các nhà nhập khẩu vin vào cớ tỷ giá tăng để điều chỉnh giá bán hàng hoá, sản phẩm, nhưng mức tăng không thể nhiều”, ông Phước lý giải. Tại cuộc họp của thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu với lãnh đạo các ngân hàng thương mại cuối tuần vừa qua, các ý kiến đều tán đồng quyết định điều chỉnh tỷ giá mới. Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương khái quát: biên độ điều chỉnh tương đối mạnh lần này là cần thiết và hợp lý ở mức tương đương với giá giao dịch liên ngân hàng vừa qua; thị trường ngoại hối được kỳ vọng sẽ sớm ổn định. Tuy nhiên, để giảm lãi suất VND, bà Hương nhấn mạnh, cần có một giải pháp tổng thể, trong đó điểm mấu chốt vẫn là phải giảm bằng được lạm phát. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, với quyền hành điều tiết lưu lượng tiền nền kinh tế, ngân hàng Nhà nước có thể phát hành hoặc thu vào tiền tệ (mà lãi suất huy động tất nhiên bằng 0%). Ngân hàng Nhà nước có thể ứng ra số tiền cần thiết để giảm áp lực huy động vốn trong dân (vốn là một phần lý do đẩy lãi suất lên cao).
Theo Thảo Nguyễn – Hồng Sương (SGTT)

Đọc thêm