Ngoại lệ kiểu… chứng khoán Việt Nam

Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư Dragon Capital nhận định: "TTCK Việt Nam có thể đang giảm, nhưng lợi suất mang lại cho NĐT thì vẫn khá cao".
 

Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư Dragon Capital nhận định: "TTCK Việt Nam có thể đang giảm, nhưng lợi suất mang lại cho NĐT thì vẫn khá cao".

Động thái "bơm" tiền ra thị trường để mua lại trái phiếu chính phủ của Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không biết bao giờ chấm dứt đã góp phần đẩy dòng tiền "nóng" từ các thị trường này đến các thị trường mới nổi ở châu Á, làm cho các thị trường đó "nóng" lên. Tuy nhiên, Việt Nam đang và có thể vẫn bị coi là một ngoại lệ trong những điểm đến của dòng tiền này.

Theo Thời báo tài chính Financial Times (Anh), cổ phiếu của Việt Nam đang ở mức khá rẻ và lợi suất hấp dẫn so với cổ phiếu của các thị trường khác ở châu Á. Cụ thể, theo số liệu của Công ty Quản lý quỹ PXP Việt Nam, P/E của cổ phiếu Việt Nam là 10,6 lần, thấp hơn so với 14,4 lần của Thái Lan, 17,4 lần của Indonesia, 18,6 lần của Philippines…

Trong khi đó, Dragon Capital cho rằng, tốc độ tăng EPS của các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam trong năm nay sẽ dẫn đầu những quốc gia được đề cập, với mức tăng 27%. Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư Dragon Capital nhận định: "TTCK Việt Nam có thể đang giảm, nhưng lợi suất mang lại cho NĐT thì vẫn khá cao".

Vẫn theo Financial Times, VN-Index sụt giảm do mối quan ngại về lạm phát, đồng tiền mất giá, thâm hụt thương mại ngày càng lớn và những nguyên nhân khác. NĐT trong nước đang dần rút vốn khỏi thị trường, vừa chờ bắt đáy, vừa lựa chọn kênh đầu tư khác trong ngắn hạn.

Khối NĐT nước ngoài tăng mua trong 2 tháng vừa qua, nâng giá trị mua ròng từ đầu năm trên sàn TP. HCM lên hơn 400 triệu USD. Đôi khi khối ngoại được coi là lực đỡ cho TTCK, nhưng dòng tiền từ khối này vẫn khá e dè.

Ngoài một số quỹ quen thuộc như Dragon Capital, VinaCapital, Mekong Capital, thì các quỹ đầu tư nước ngoài lớn khác không mấy mặn mà đổ dòng tiền "nóng" vào Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do:

- Thứ nhất, rủi ro tỷ giá. Trong điều kiện lạm phát tăng, tiền đồng đã bị phá giá 3 lần kể từ tháng 11 năm ngoái; lạm phát năm 2010 đang tiến gần mức 2 con số. Rủi ro tỷ giá là một trong những rào cản lớn đối với các NĐT nước ngoài. Họ luôn phải tính toán về lợi suất để bù lỗ rủi ro tỷ giá. Tỷ giá là bài toán gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách khi nó gây ra hiệu ứng hàng loạt đối với lãi suất, nợ nước ngoài, lạm phát…

Tuy nhiên, gần đây, NHNN đã có những động thái để làm dịu tình trạng căng thẳng tỷ giá khi bơm ngoại tệ để ngân hàng bán lại cho DN. Điều này, theo nguyên tắc, sẽ có lợi cho NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, không ai có thể dám chắc về sự bình ổn tỷ giá khi số tiền bơm ra không phải là nhiều và chỉ giải quyết nhu cầu trong ngắn hạn.

- Thứ hai, dự trữ ngoại hối thấp và nợ nước ngoài cao. Nếu dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng, NĐT nước ngoài sẽ bớt e dè hơn. Khi nhập siêu tăng, thâm hụt thương mại lớn, liệu dự trữ ngoại hối có thể được đánh giá là an toàn để làm an lòng các NĐT nước ngoài?

- Thứ ba, bất ổn kinh tế vĩ mô và quy mô thị trường còn nhỏ. TTCK Việt Nam mới chỉ có 8 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD, thiếu tính thanh khoản, chất lượng không cao. Sự bất ổn của nền kinh tế không chỉ thể hiện ở mặt bằng lãi suất, tỷ giá, cán cân thương mại, các NĐT nước ngoài còn tỏ ra lo ngại về tính kỷ luật công việc, năng lực quản trị DN, nợ nước ngoài cao, đặc biệt là việc chậm cải cách DNNN.

Nếu những vấn đề trên được giải quyết, đặc biệt là bài toán tỷ giá, thì có thể hy vọng về một tương lai gần tươi sáng hơn cho TTCK Việt Nam.

Theo Ngọc Ánh, Ngân hàng SHB

CafeF

Đọc thêm