Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Clinton dự kiến sẽ có một chuyến thăm khu vực Nam Thái Bình Dương, động thái được các nhà phân tích cho rằng nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các quốc đảo nhỏ bé trong khu vực.
Trong khi các chuyến thăm trước đó của bà Clinton chỉ tập trung vào các nước như Canberra và Wellington, thì lần này Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ tới thăm quần đảo Cook, một nước chỉ có khoảng 11.000 người sinh sống trên 15 hòn đảo có diện tích bao phủ chỉ lớn hơn thủ đô Washington chút ít. Giới chức Mỹ cho hay bà Clinton đến đây để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) – một nhóm gồm chủ yếu các đảo quốc nhỏ, cùng với quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên Papua New Guinea và 2 cường quốc trong khu vực là Australia và New Zealand, 2 nước đồng minh của Mỹ.
|
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP |
Một nhà ngoại giao của New Zealand cho biết, những quốc đảo nghèo và không quan trọng về chiến lược này từ nhiều năm nay đã không nằm trong tầm ngắm của Washington, trong khi Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ ngoại giao thông qua các chương trình viện trợ và các thỏa thuận song phương. Theo ông Powles – một chuyên viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSS) tại Wellington, sự hiện diện của nhà ngoại giao hàng đầu của Washington tại PIF sẽ gửi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Mỹ đang có ý định tái tham dự tại khu vực này. “Nếu nói một cách dễ hiểu thì người Mỹ gần như đang nhắc: “Này, đừng quên chúng tôi”” - ông Powles nói với hãng tin AFP.
Các nhà tổ chức diễn đàn đã chuẩn bị cho chuyến thăm của bà Cliton theo đúng các nghi thức ngoại giao thông thường, dù Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa xác nhận kế hoạch công du của Ngoại trưởng.
Bà Annmaree O’Keeffee – một chuyên gia của viện Lowy tại Australia – nhận định, việc đổi hướng tập trung của Washington đến các quốc đảo tại Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược ngoại giao đặt trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Chính sách này bao gồm việc tăng cường quan hệ ngoại giao và các nguồn lực quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đang được Mỹ nhìn nhận là đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh Washington đang giảm dần sự can dự của mình tại Iraq và Afghanistan. Một số chương trình đã được Mỹ lên kế hoạch như: triển khai 2.500 thủy quân lục chiến tại miền Bắc Australia hay tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân tại Thái Bình Dương của Mỹ.
Bà Annmaree O’Keeffee nói rằng, việc Ngoại trưởng Clinton tham dự hội nghị PIF ở quần đảo Cook chỉ là sự kiện nhỏ trong bối cảnh Mỹ đang chuyển hướng chiến lược nhưng nó cho thấy rằng Mỹ vẫn có mặt tại cả những nơi hẻo lánh nhất của Thái Bình Dương. “Nếu anh đang muốn xây dựng lại hình ảnh và tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực này thì việc tham dự một hội nghị tập hợp được tất cả những thành phần chủ chốt lại như vậy là rất quan trọng” – bà O’Keeffee giải thích.
Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc Thái Anh Đĩnh trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/8 nói rằng, Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ để xây dựng mối quan hệ quân sự mới, dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tính cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi.
|
Mỹ hiện có lãnh thổ riêng tại Thái Bình Dương, như Guam, Bắc Marianas, Hawaii và Samoa, đồng thời cũng có mối quan hệ thân thiết với Palau, Micronesia và quần đảo Marshall. Tuy nhiên, ngoài Samoa thì tất cả các vùng lãnh thổ trên đều tập trung ở phía Bắc hoặc giữa Thái Bình Dương, còn vùng Nam Thái Bình Dương chỉ thu được sự quan tâm ít ỏi từ Washington trong những năm gần đây.
Bà O'Keeffe trong một con số ước lượng đưa ra hồi năm 2011 nói rằng, từ năm 2005, Bắc Kinh đã cam kết cho các quốc đảo như Tonga, Samoa hay quần đảo Cook vay những khoản vay ưu đãi dài hạn, không lãi suất trị giá khoảng 600 triệu USD. Ngược lại, cam kết chính của Mỹ tại khu vực Nam Thái Bình Dương chỉ là khoản tiền 20 triệu USD cho một chương trình bảo vệ môi trường mới được công bố.
Theo ông Powles, Trung Quốc có thể không quan tâm nhiều đến nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao của Mỹ tại khu vực này mà mối quan ngại chính của Bắc Kinh là liệu Mỹ có thúc giục các quốc đảo này tham gia vào các dự án hợp tác quân sự hay không. “Câu hỏi ở đây là liệu các nước này có đang được mời trở thành một phần trong nhóm phương Tây (do Mỹ dẫn đầu) và liệu điều đó có liên quan đến các chuyến thăm đều đặn của hải quân cũng như việc đồn trú của lính thủy đánh bộ sắp tới, bắt đầu ở miền Bắc Australia hay không” - ông Powles nhận định
Theo ông Powles, ý định tái tham dự tại các quốc đảo nhỏ tại Thái Bình Dương của Mỹ hẳn sẽ làm người Trung Quốc e ngại và khiến họ - những người luôn cảm hấy họ đã “lĩnh” đủ từ việc Mỹ và phương Tây luôn ngăn cản họ nổi lên như là một cường quốc trở nên cứng rắn hơn. “Điều này có thể dẫn đến hậu quả bùng nổ” – ông Powles dự đoán.
Minh Ngọc (Theo AFP, THX)