Hoa hậu Việt Nam không thể có mặt trong buổi ca nhạc nghệ thuật đặc biệt "Thăng Long Hà Nội - Thành phố Rồng bay" diễn ra tối 10/10 tại sân Vận động Mỹ Đình chào mừng thủ đô nghìn tuổi.
|
Ngọc Hân ngồi xe kéo đi quanh sân khấu chào khán giả trong đêm Tổng duyệt 6/10. Ảnh: Alex Trần. |
Theo kịch bản, Ngọc Hân sẽ mặc bộ áo dài hoa màu hồng của nhà thiết kế Minh Thư, hóa thân thành cô tiểu thư Hà thành khuê các đầu thế kỷ 20 đi dạo quanh sân khấu trên chiếc xe kéo. Người đẹp 21 tuổi vô cùng hào hứng với công việc này. Tối 9/10, cô hãnh diện chia sẻ: "Hình ảnh ngày thường của tôi là một cô gái trẻ trung, năng động. Vì thế khi được vào vai cô gái lá ngọc cành vàng, tôi có một trải nghiệm thú vị, cảm giác như đang níu kéo những nét đẹp xưa của Hà Nội. Đây cũng là cách để tôi giới thiệu với bạn bè thế giới về vẻ đẹp Việt Nam mà không cần tham gia các cuộc thi quốc tế". Cô sinh viên năm cuối Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, để chuẩn bị cho chương trình, cô đã bỏ rất nhiều công tập luyện, thậm chí phải nghỉ cả ngày học để đi tổng duyệt. May mắn cô được thầy cô ủng hộ nhiệt tình.
Tiết mục của Ngọc Hân được xem là điểm nhấn của phần trình diễn áo dài. Vì thế rất nhiều người trong Ban tổ chức lo lắng khi gần sát giờ mở màn vẫn không thấy cô có mặt. Siêu mẫu Hạ Vy phải đóng thế Ngọc Hân để đủ đội hình. Thiếu vắng Miss Việt Nam, Ban tổ chức đành bỏ xe kéo ra khỏi màn trình diễn trên sân khấu.
|
Thùy Trang (áo đỏ) trở thành tâm điểm của sân khấu. |
Nhà thiết kế Minh Thư cho biết, lý do là Ngọc Hân bị tắc đường, không kịp đến nơi trình diễn, điện thoại hết pin không gọi thông báo được cho Ban tổ chức. Sự vắng mặt của Ngọc Hân vô hình trung làm Á hậu 2 Đặng Thùy Trang trở nên nổi bật trên sân khấu. Người đẹp đang học Đại học Bách khoa chia sẻ, để đề phòng tình huống bất trắc, cô phải đi từ lúc 13h30.
Ngoài Ngọc Hân, đêm nghệ thuật "Thăng Long - Hà Nội - Thành phố Rồng bay" cũng có một số thay đổi so với đêm tổng duyệt. Chương trình kéo dài 90 phút gồm ba chương. Chương 1: Quyết định trọng đại, từ sơ khai tới lúc Lý Thái Tổ ra quyết định dời đô. Chương 2: Thủ đô ngàn năm văn hiến từ thời Trần tới trước ngày thành lập Đảng. Chương 3: Thời đại Hồ Chí Minh - Thành phố Vì hòa bình. Trong đó, chương 1 bị cắt giảm 2 cảnh là Thủa hồng hoang và Hoài thai. NSƯT Trọng Đài - Tổng đạo diễn chương trình - nhận định: "Nhìn chung chương trình còn có chỗ chưa tròn vẹn nhưng đã tạo được sức bật. Chúng tôi ý thức rằng, đây là thời khắc vô cùng trọng đại, nếu không làm sẽ không bao giờ có nữa".
Trên cương vị của mình, Trọng Đài cho biết những ngày qua ông cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi nhưng cũng vô cùng hãnh diện. Bản thân Trọng Đài tỏ ra ưng ý với thành công của chương trình: "Hà Nội là của người dân Việt nam. Cả dân tộc Việt Nam hướng về đại lễ. Chúng tôi hài lòng đã xây dựng được một hình ảnh quảng bá vừa khiêm nhường, vừa kiêu hãnh, một thủ đô dù trải qua nhiều biến cố vẫn giữ được nét thanh lịch hào hoa" - ông tâm sự.
|
Màn trình diễn trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. |
Gần 8.000 nghệ sĩ trong đó có hơn 1.000 nghệ sĩ chuyên nghiệp và gần 7.000 nghệ sĩ không chuyên đến từ các trường đại học, cao đẳng, các câu lạc bộ tại thành phố đã góp sức làm nên một đêm nghệ thuật hoàng tráng và hùng vĩ thông qua các màn múa ước lệ. Một Việt Nam anh dũng trong chiến tranh, phát triển dựng xây trong hòa bình, một Việt Nam với những con người say sưa luyện võ và những con người mềm mại văn thơ, một Việt Nam tăm tối dưới ách thống trị của thực dân và cờ hoa rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh. Công chúng được cùng điểm lại những mốc son chói lọi của dân tộc từ thời Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Lê Lợi đến Quang Trung, Hồ Chí Minh; bước từ huyền sử trâu vàng Hồ Tây, rùa vàng Hồ Gươm sang những cảnh mà thời nay vẫn còn lưu giữ như Văn Miếu Quốc tử giám, Hoàng Thành Thăng Long, phố cổ, Hồ Gươm... Tiếng trống hào sảng ngàn xưa vọng về vang trong tiếng hát nồng nàn của người Hà Nội ngày nay. Ca sĩ Vành Khuyên, Mai Hoa với chất giọng đầy nội lực kết thúc đêm biểu diễn bằng ca khúc Bài ca tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội do chính Trọng Đài sáng tác trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả trên sân.
Màn trình diễn ánh sáng lazer, kết hợp với phụn lửa, màn hình lead khổng lồ chạy các hình ảnh phù hợp với kịch bản trên sân khấu gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Đáng kể nhất là màn pháo hoa nghệ thuật dài 20 phút kết thúc chương trình cống hiến cho khán giả tại sân vận động Mỹ Đình và khán giả truyền hình cả nước một thứ ánh sáng lung linh, kỳ thú với nhiều hình thù đặc sắc. Có mặt chứng kiến toàn bộ chương trình, Yoo Byung Woon, đạo diễn Đài truyền hình KBS - Hàn Quốc, vỗ tay và không ngớt reo hò: "Hay quá, đẹp quá, tuyệt quá". Nghệ sĩ sinh năm 1973 này đang có mặt ở Việt Nam để làm phóng sự về Việt Nam cho chương trình "Tình yêu châu Á". "Tôi đến Việt Nam quả là đúng lúc. Thật bất ngờ khi được chứng kiến một đêm nghệ thuật hoành tráng, công phu tới vậy. Tôi sẽ giới thiệu một số hình ảnh trong đêm nghệ thuật này tới người dân đất nước tôi trong phóng sự mới của mình" - Yoo chia sẻ.
|
Hình ảnh con rồng xuyên suốt chương trình nhằm nêu bật chủ đề của đêm nghệ thuật "Thăng Long Hà Nội - Thành phố Rồng bay". |
Trong đoàn người đông như trảy hội còn có bóng các tăng ni phật tử. Sư thầy Thích Đàm Giới từ chùa Hưng Sơn ở Thạch Thất, Hà Nội, về tới sân Mỹ Đình từ lúc 16h30 chờ tham dự buổi lễ. Sau màn bắn pháo hoa, sư thầy nở nụ cười mãn nguyện: "Tôi quả vô cùng may mắn khi được tham dự chương trình này. Tôi rất cảm động trước những gì mà con người Việt Nam làm được".
Ngoài hơn 20 nghìn người có giấy mời tham dự chương trình bên trong sân vận động, hàng vạn người ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đổ về vây kín con đường Lê Hữu Thọ từ trưa 10/10. Nhiều vị quan khách do tắc đường đã không thể vào tham dự buổi lễ. Sau khi chương trình kết thúc, Ban tổ chức yêu cầu người xem nán lại trong sân vận động 30 phút chờ lượng người phía ngoài thông bớt. Tuy nhiên, sự ách tắc đến mức gần như đông đặc vẫn xảy ra. Xe cấp cứu không di chuyển được, nhiều người bị ngất, một số thanh niên trèo lên các cây ven đường đợi. Hàng trăm người dân chen chúc ngồi trong vòng xuyến giữa đường.
13h đêm, con đường Lê Hữu Thọ mới trở lại thông thoáng. Tuy nhiên, những tuyến phố gần đó như Phạm Hùng, Cầu Giấy lại tiếp tục cảnh ách tắc. Người dân các địa phương khác la liệt trên các bãi cỏ trước bến xe Mỹ Đình chờ bắt xe về quê ngay trong đêm.
Nguồn: VNExpress